Phóng to |
Hoàng Em (đứng) vẫn đến lớp... |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Khi chúng tôi đến nhà, Hoàng Em đang lọng cọng dùng đôi chân sắp xếp tập vào cặp chuẩn bị đi học. Đôi chân vẫn chưa thể thay thế đôi tay bị mất một cách thành thục nên bà Nguyễn Thị Cúc (57 tuổi) - mẹ Hoàng Em - phải giúp em bỏ sách, tập vào cặp. Rồi bà giúp Em mặc quần áo, cẩn thận chải đầu cho con thẳng nếp, đeo cặp vào người...
Bà Cúc có bảy người con, Hoàng Em là con út. Chồng mất khi đứa con út mới 8 tuổi, nhà lại không có ruộng đất nên một mình bà làm thuê đủ nghề để nuôi con. Những người con vì thế cũng lần lượt nghỉ học để đi làm mướn nuôi sống gia đình, chỉ có Hoàng Em là được học lên cấp 3. Mấy năm nay bà Cúc đi giúp việc cho một gia đình ở TP.HCM với mức lương 700.000đ/tháng.
Năm nay nghe tin Hoàng Em đậu vào lớp 10, bà mừng lắm. Bà tính đưa Em lên TP.HCM dắt đi chơi đây đó coi như phần thưởng, nhưng Em xin bà đi làm cho lò gạch cách nhà 2km - nơi anh của Hoàng Em đang làm việc - để kiếm tiền mua chiếc xe đạp đi học. Trước thái độ kiên quyết của con, bà Cúc cũng xuôi lòng.
Hoàng Em làm ở khâu nhồi đất, cho đất sét vào máy nghiền (kiểu quay như máy ép nước mía - PV) để sau đó vào khuôn đúc thành gạch. Tiền công được tính theo sản phẩm, nửa tháng tính một lần. Làm được 14 ngày, ngày 14-6, trong lúc cho đất vào máy thì thanh gạt sạn rớt vào máy nghiền. Theo quán tính, Em đưa tay trái lấy thanh gạt thì bị máy cuốn vào. Tay phải chụp lấy cánh tay đang bị máy cuốn vào kéo ngược ra nhưng sức người không lại, cả hai tay Em đã bị máy cuốn vào, nghiền nát.
"Tỉnh dậy thấy hai cánh tay chỉ còn bông băng trắng, mọi thứ như sụp đổ, em cố cử động tay mà không được" - Hoàng Em nghẹn ngào. Bà Cúc nước mắt chảy dài: "Nhìn hai tay con bị cụt mà đứt ruột đứt gan. Mỗi lần tỉnh dậy thấy tui nó chỉ nhìn rồi nước mắt chảy dài. Chắc tủi thân nên nó khóc, tui cũng chỉ biết khóc theo thôi. Nó mới 16 tuổi, ngoan và học giỏi lắm. Phải chi tui đổi được đôi tay cho nó...".
Sau 20 ngày nằm viện, Hoàng Em được xuất viện. Tay phải bị tháo khớp, tay trái bị cưa đến nửa bắp tay khiến mọi sinh hoạt hằng ngày đều nhờ sự giúp đỡ của mẹ.
Về nhà, Hoàng Em suốt ngày ngồi lì ở cái võng đầu hiên nhà tập viết bằng chân. Hoàng Em nói lúc đầu chỉ nguệch ngoạc linh tinh, mấy ngày sau mới nảy sinh ý định tập viết bằng chân bởi "phải viết được, nếu không sẽ không đi học được, mà như vậy sẽ không làm được gì”. Khi bắt đầu, hai ngón chân kẹp cây viết không chặt, cứ rớt lên rớt xuống.
Chân cầm được viết rồi nhưng chữ viết to đùng, méo mó giống như trẻ con lúc mới tập viết. Lúc đầu tập viết tên của mình và người thân, rồi tên trường, tên xã... Các ngón chân mỏi nhừ, gót chân tê dại bởi vẫn chưa quen với việc tì gót chân xuống đất. Bà Cúc ngồi bên hết xoa lại bóp mỗi khi Em than tê chân. "Giờ thì em không còn bị mỏi chân nữa nhưng chưa viết nhanh được, mới chỉ bằng một nửa so với viết bằng tay thôi" - Em nói.
Khấp khởi, lo lắng rồi ngày khai giảng cũng đến. Hằng ngày Hoàng Em đi bộ ra bến đò để sang sông đi nhờ xe bạn học tới trường. Ở lớp, vì viết còn chậm nên Hoàng Em không chép bài, chỉ nghe giảng sau đó mượn tập bạn về chép lại. Khi kiểm tra tại lớp, Hoàng Em ngồi xoay ngang trên ghế để làm bài. Bài kiểm tra 15 phút môn toán Hoàng Em được 10 điểm, kiểm tra một tiết môn hóa được 9,1 điểm...
"Thầy cô và bạn bè cũng quan tâm và giúp đỡ em rất nhiều. Đôi tay em không còn nên không thể làm bác sĩ được rồi. Giờ em phải cố gắng nhiều hơn trước để có thể trở thành một kỹ sư tin học bởi nghề này có thể làm được bằng hai chân" - Hoàng Em tâm sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận