Hết lũ, mọi người dắt nhau rời hang đá về làng. Nhà cửa chẳng còn thứ gì nữa. Lối về bùn ngập đến ống chân. Giữa đêm, hai bên đường còn nghe tiếng khóc của người trở về trên nền nhà cũ.
![]() |
Thung lũng Bá Vạo nằm giữa bốn vách núi bắt đầu xanh màu ngô khoai - Ảnh: Hữu Khá |
Bây giờ nhiều người đã dựng được mái nhà. Dù nhà còn thiếu bức phên, chiếc áo con nhỏ đón tết sờn rách không đủ tiền mua nhưng ai nấy đều vui khi năm mới sắp đến rồi.
Còn đất là còn sống
Cơn lũ đã lấy đi cả cuộc đời gầy dựng của nhiều người dân Tân Hóa. Ông Cao Quí Sỹ, 60 tuổi, ngồi bên căn nhà trống hoác. Nhà trôi, bộ đội vừa dựng lại cho, bốn bề phên chưa có. Dọn nhà xong được mấy ngày, ông vừa làm vừa động viên các con không được bỏ cuộc, “còn đất là còn sống”. Trâu chết, ông chạy đi mượn mấy con bò về tập cày. Nhưng cày xong đâu có phân thuốc gì để gieo hạt, giữa đêm ông âm thầm đưa vợ và hai đứa con ra thị trấn đón xe đò lên Tây nguyên hái cà phê thuê một thời gian.
Đồng ruộng một mình ở nhà tự tay ông làm. Đất có bàn tay người cày xới, ngô khoai đã mơn mởn tốt xanh. Ông mừng: “Hôm rồi vợ tui có gửi về ít tiền thuê máy cày đánh phay (đánh lần cuối) mấy sào đất để gieo sạ. Cánh đồng ngô giờ đã lên được ba lá rồi. Tết này mẹ con nó về, chắc cũng kiếm được ít nữa sắm lại mấy vật dụng trong nhà”.
Về Tân Hóa mới biết dù có rơi vào cảnh khốn cùng thế nào cũng không ngăn được bước chân vươn lên. Khó khăn như thách thức bản lĩnh những phận đời nhỏ bé. Ông Trương Văn Minh ngồi bên vợ là Đinh Thị Miên nói đời ông khốn khó nhưng “khó mấy tui cũng cố lo cho đám nhỏ được học hành”.
Nhà không có vách, ông ngồi đan tấm phên tre để che tạm đợi qua mùa nắng. Miếng đất trước hiên nhà giờ khoai, rau cải đã nhú mầm. Chỉ ít lâu nữa là có cái ăn, cái ra chợ bán. Ông bảo tết này cố sắm cho bọn nhỏ bộ đồ tết vì tất cả áo quần đã bị lũ cuốn trôi. Cả tháng nay mấy đứa đi học là nhờ có chiếc áo cũ hàng cứu trợ.
Cho nhau mượn trâu bò
Đi trên cánh đồng ngô xanh mơn, ông Cao Quý Ninh - phó chủ tịch UBND xã Tân Hóa - nhớ lại: “Sau lũ, Tân Hóa từ một xã giàu nhất huyện trở về cảnh mất trắng. Trước kia, dù là xã vùng núi cao nhưng Tân Hóa chỉ có hơn 10% hộ nghèo”. Lũ xong tất cả đều trắng tay. Nhưng không, cả xã quyết tâm cùng chia nhau khó khăn, vượt qua nghịch cảnh.
Hôm bình xét lại hộ nghèo, anh em cán bộ cấp xã ai cũng xin thôi vào diện hộ nghèo. Sao lạ vậy? Ông nói biết là cả xã giờ ai chẳng nghèo. 90% dân nghèo là được rồi, 10% còn lại là anh em cán bộ mà cán bộ có khó thì phải càng phấn đấu hơn, làm gương cho bà con. Vả lại anh em cán bộ phải nhường cho bà con, có chút hàng viện trợ gì ưu tiên cho họ vì họ là hộ nghèo.
Cái khó ló cái khôn, người dân càng biết chia sẻ. Trâu bò trong xã chết gần hết. Ông Ninh nói khi còn ngồi trên đỉnh lũ ông đã thấy lo vì không biết mai này dân lấy gì để làm sức kéo. Đúng thật, lũ xong trâu bò trôi gần sạch. Đám trâu, nghé còn lại thì mất sức, cộng với đồng cỏ cây chết hết không có thức ăn nên con nào cũng ốm nhách. Thấy vậy xã phát động phong trào “bà con cho nhau mượn trâu bò”. “Rứa mà hay, mượn được trâu bò ai cũng hăng hái lên đồi cắt cỏ về bồi dưỡng cho chúng. Trâu, nghé lấy lại sức, vậy là bà con thay nhau cày, cho mượn vô tư lắm” - ông chỉ tay ra cánh đồng vừa cày, cười sung sướng.
Khi cơn lũ nhấn chìm xã vùng sâu Tân Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) vào tháng 10-2010, 3.149 người dân của xã kịp thoát khỏi vòng vây của dòng nước khi leo lên núi, chui vào hang đá Hung Voi lánh nạn và ở đó cả tuần trong cảnh vô cùng thiếu thốn. Ông Đinh Hồng Hộ, phó chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, nói: “Tân Hóa lúc này như trở về thời đồ đá rồi. Vùng quê yên bình giữa bốn bề núi dựng như một trận chiến vừa quét qua”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận