10/09/2006 06:31 GMT+7

Câu chuyện tình và những tấm bưu ảnh xưa

THÀNH MINH
THÀNH MINH

TT - Một lần đến công tác tại Hà Nội, bà Annick Perrot - cán bộ Viện Bảo tàng Pasteur Paris (Pháp) - đã nghỉ lại khách sạn Sofitel Metropole Hanoi mấy đêm.

u2wbcnQ1.jpgPhóng to
Marguerite, nhân vật trong câu chuyện tình
TT - Một lần đến công tác tại Hà Nội, bà Annick Perrot - cán bộ Viện Bảo tàng Pasteur Paris (Pháp) - đã nghỉ lại khách sạn Sofitel Metropole Hanoi mấy đêm.

Tình cờ nhìn thấy tại tiền sảnh khách sạn có treo nhiều bức ảnh Hà Nội xưa, trong đó có một số ảnh chụp khách sạn Metropole, bà thấy khá giống một số bưu ảnh trong bộ sưu tập (trong một cuốn album) mà gia đình bà đã lưu giữ hàng trăm năm qua. Trở về Pháp, bà liền gửi cho khách sạn file chụp lại vài ba bưu ảnh trong bộ sưu tập quí giá ấy. Khi được hỏi về nguồn gốc của những bưu ảnh này, thật bất ngờ, vào trung tuần tháng 8-2006 bà Perrot đã gửi cho khách sạn một bức thư dài, kể lại một câu chuyện tình lãng mạn từ thuở đầu thế kỷ và giải thích: “Số bưu ảnh này tồn tại đến nay ban đầu là nhờ chúng đã làm cầu nối cho cuộc tình ấy, và sau nữa là nhờ những người biết trân trọng giá trị văn hóa của một đất nước xa xôi lưu giữ!”...

Trong thư bà A. Perrot cho biết cuốn album được bọc da dê thuộc màu xanh, chứa gần 100 bưu ảnh chụp Hà Nội và một số thành phố thuộc Đông Dương “được lưu giữ trong thư viện gia đình vượt quá niềm mơ ước của chúng tôi. Sự tình cờ của số phận đã khiến mẹ tôi trở thành chủ nhân của cuốn album này và nắm giữ kỷ niệm một thời của người chị họ Marguerite…”.

Z52xDT33.jpgPhóng to
Khách sạn Metropole được bắt đầu xây dựng vào những năm cuối thế kỷ 19 do nhà đầu tư người Pháp là Gustave - Emile Dumoutier. Khách sạn bắt đầu hoạt động năm 1901 với tên Grand Hotel Metropole Palace. Đến năm 1911, tên khách sạn được rút ngắn lại là Metropole. Từ năm 1954, khách sạn thuộc quyền sở hữu của Chính phủ VN Dân chủ cộng hòa và là nơi đón tiếp khách quốc tế quan trọng của Đảng và Nhà nước, với tên gọi là khách sạn Thống Nhất. Đến năm 1989, thành lập Công ty liên doanh khách sạn Thống Nhất - Metropole và khách sạn được đổi thành Sofitel Metropole Hanoi. Hiện nay, Sofitel Metropole Hanoi (năm sao) là khách sạn cổ nhất Hà Nội với 105 năm tuổi.
Năm 1908, vừa tròn 10 tuổi, Marguerite đã theo gia đình sang sống tại Hà Nội, nơi cha cô vừa được bổ nhiệm làm giám đốc sản xuất của một nhà máy thuốc lá. Tại thành phố này, Marguerite quen René Vire, một nhân viên sở thuế, rất trẻ. Thời gian trôi đi, cô bé Marguerite lớn lên cùng với tình cảm “hơn cả tình bạn” cũng lớn dần trong tâm trí của René. Rồi cũng đến lúc Marguerite phải trở về Pháp...

Và cuộc trao đổi thư từ giữa hai người bắt đầu, từ năm 1915. Lời lẽ của René, qua những lá thư, đã chuyển dần từ ngôn ngữ bạn bè sang cách xưng hô dịu dàng và âu yếm hơn rồi kết thúc bằng “trái tim tôi xin dành tặng tiểu thư”! Cùng với tình yêu của René, Marguerite cũng đều đặn nhận được những tấm bưu ảnh các thành phố của Đông Dương, trong đó nhiều nhất vẫn là ảnh Hà Nội, nơi cô đã sống cả một thời thơ ấu.

Theo bà A.Perrot, chắc rằng Marguerite cũng ít nhiều đáp lại tấm chân tình của René (rất tiếc, gia đình không có được những bức thư của Marguerite) nhưng không được sâu nặng cho lắm vì có lúc René gửi đi những lời thể hiện tâm trạng của một người đang chìm trong nỗi nhớ mong, chờ đợi cồn cào hồi âm của người yêu: “Tôi đã gửi cho tiểu thư tổng cộng năm bức thư dài mà chẳng hề nhận được hồi âm... Chỉ vì tôi muốn giữ lời hứa với tiểu thư rằng sẽ gửi các tấm bưu ảnh cho tiểu thư hai tuần một lần cho đến khi tiểu thư nói với tôi: “Thôi đủ rồi, tôi không cần nữa, dừng lại ở đây thôi...”. Nhưng ngay sau lời trách móc, anh vội vàng níu lấy “lời hứa” để có lý do tiếp tục thư từ với Marguerite: “Đến bây giờ tiểu thư chắc phải có một cuốn album tương đối đầy đủ rồi. Tôi vẫn còn khoảng 100 bưu thiếp định gửi cho tiểu thư để hoàn thành bộ sưu tập về Đông Dương...” (thư ngày 13-4-1916).

Mặc dù những lá thư gửi từ Hà Nội còn tiếp tục đến năm 1923 mới chấm dứt, nhưng dường như câu chuyện tình đầy lãng mạn đã kết thúc không có hậu. Chỉ còn lại quyển album bọc da dê màu xanh được lưu giữ cẩn thận trong thư viện gia đình người em họ của Marguerite...

1a0j69zg.jpgPhóng to ucKvmgqr.jpg
srYXDm8n.jpg 4twV9GeA.jpg
Xem những tấm bưu ảnh, chúng tôi thật sự bồi hồi trước những hình ảnh thân yêu những năm đầu thế kỷ trước, cho dù hầu hết cảnh vật đều quá xa lạ với ngày nay: khu vực chợ Cửa Nam (ảnh 1); chợ Hàng Da, phố Hàng Đào, Hàng Nón, Hàng Thiếc, Hàng Hòm (ảnh 2); cổng thành Sơn Tây, Hà Tây (ảnh 3)... Cảnh sinh hoạt đời thường của người dân: đan chiếu cói, bơi thuyền trên hồ Hoàn Kiếm (ảnh 4), đám múa rồng ở phố Hàng Quạt... Thật quí đối với những người yêu Hà Nội. Và “câu chuyện tình Đông Dương” đã “khai sinh” ra quyển album sau gần 100 năm vẫn được nhắc tới cả ở Paris và Hà Nội.
THÀNH MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên