Phóng to |
Các bạn trẻ đến xem phim trong Liên hoan The Future Short tại Lít Cafe vừa qua |
Đơn giản là xem phim!
Khi sợi dây điện ảnh trong nước gần đây đã được nối gần như thông suốt với những sự kiện quốc tế; khi khán giả Việt Nam thậm chí còn được xem những bộ phim trước khi phim ra mắt tại Mỹ; khi những chú Xì-trum, vẹt Rio, Nemo bắt đầu lảnh lót tiếng Việt trên màn ảnh rộng; khi Angelia Jolie và Jack Black - hai diễn viên chính của Kungfu Panda - gửi lời chào thân thương bằng tiếng Việt đến những khán giả tại Việt Nam..., thì việc thưởng thức phim ảnh của khán giả Việt đã vượt ra khỏi sự chật hẹp của những rạp chiếu phim thông thường.
Từ mơ ước xây dựng một mô hình "rạp chiếu phim nghệ thuật" của Shawn - một trong những người đồng sáng lập, Snap Café đã trở thành một địa điểm quen thuộc của những người trẻ mê phim, đồng hành cùng khá nhiều dự án chiếu phim cùng The Future shot - liên hoan phim "thế hệ mới" dành cho những nhà làm phim không chuyên trên toàn thế giới. Dự án mới nhất của Snap chính là chương trình rạp chiếu phim nghệ thuật sẽ được tổ chức một cách đều đặn vào mỗi thứ tư cuối cùng trong tháng, đã khởi động mùa đầu tiên với chủ đề "Phim tài liệu".
Ðêm công chiếu Ðất hoang - bộ phim tài liệu được thực hiện trong hơn ba năm của đạo diễn Lucy Walker - đã không còn một chỗ ngồi. Có những tiếng thì thào thầm so sánh bối cảnh xảy ra tại Jardim Gramacho - bãi rác lớn nhất thế giới - có chút gì đó hơi giống với Sài Gòn, giữa một bên là Rio tráng lệ, thành phố của những kỳ nghỉ mùa hè rực rỡ cùng nắng vàng, biển xanh, và một bên là sự tăm tối, lầm lũi đến khó tin của mỗi phận người. Nơi bạn có thể tìm thấy cái xa hoa sáng chói lộng lẫy nhất bên cạnh những thứ bầy nhầy nhơ nhớp nhất, mà giả như thiếu đi một trong hai thứ đó, người ta sẽ cảm thấy hụt hẫng vô cùng...
Quen thuộc hơn với những người yêu nghệ thuật, Café Thứ Bảy cũng là một địa chỉ thu hút được sự quan tâm của một bộ phận khán giả khi thường xuyên có những buổi chiếu phim theo chủ đề vào mỗi cuối tuần. Mới nhất là dự án Mỹ thuật trong khán phòng, phối hợp cùng Sàn Art và Whitechapel Gallery (London) giới thiệu đến người xem một số phim ngắn và video art của các nghệ sĩ từ Mỹ, Ðức, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ, Li-băng, Chilê, New Zealand...
Có thể những bộ phim trình chiếu tại đây không dễ xem đối với tất cả khán giả, nhưng trên hết những thước phim có chọn lọc ấy đã mang đến người xem nhiều kỹ thuật làm phim khác nhau: từ đồ họa stop motion; cắt nối phim tài liệu; trình diễn và phim truyện ngắn để kể những câu chuyện rất riêng tư, lúc thì mang tính tôn giáo, văn hóa đặc trưng của các vùng miền, lúc lại hư cấu đến siêu thực. Dĩ nhiên không ít phim đơn thuần chỉ mang tính chất hài hước, giải trí nhẹ nhàng.
Tâm huyết với châm ngôn "đánh thức các tri giác của con người về nghệ thuật", Zero Station (Ga 0) của nghệ sĩ Nguyễn Nhất Huy cũng đã ra đời như thế cách đây không lâu. Một căn phòng chưa đầy 20m2 nhưng vẫn đủ rộng để có những buổi chiếu phim mà khán giả có thể thoải mái lê la nằm ngồi thưởng thức, những buổi art talk (thảo luận chuyên đề về nghệ thuật) thú vị, đầy ắp ý kiến trái chiều, thoải mái "chất vấn" và đàm đạo cùng "chủ nhà" về những vấn đề liên quan đến nghệ thuật.
Dù đã quen mặt với giới café Sài Gòn từ lâu, nhưng bên cạnh những buổi triển lãm, giới thiệu tranh, Himoko Visual Art còn là điểm hẹn của những đạo diễn trẻ tuổi vào khung 18g. Họ có thể mạnh dạn chia sẻ những thước phim non nớt, lạ lẫm bằng cảm xúc cuộc sống rất riêng cùng khán giả.
Quen thuộc và rộng cửa cho nhiều đối tượng khán giả hơn, mô hình rạp chiếu phim gia đình (home cinema) cũng đã nở rộ và phát triển khá mạnh tại TP.HCM thời gian qua, có thể kể đến như rạp phim Cặp Ðôi Hạnh Phúc tại 522bis Lê Văn Sĩ (Q.3), rạp chiếu phim 3D tại café HD Sài Gòn (61 Nguyễn Thông, Q.3), Juno Café (73 Mạc Ðĩnh Chi Q.1)...
"150.000đ cho hai người xem không phải là một mức giá rẻ, nhưng nếu bỏ ra 150.000đ để có được một phòng chiếu phim riêng biệt, không giới hạn suất/giờ, được phép lựa chọn những bộ phim yêu thích bất kỳ từ phim kinh điển đến phim tình cảm, hành động thì đó vẫn là mức giá có thể chấp nhận được khi đến xem phim tại Cặp Ðôi Hạnh Phúc" - bạn Hoàng Thanh, một khán ở Tân Bình cho biết. Linh hoạt về thời gian, "mềm mại" về giá cả và nhất là có được những không gian ấm cúng để thưởng thức những bộ phim hay, chính là ưu điểm giúp khán giả tìm đến những rạp chiếu dạng này.
Câu chuyện ngoài khán phòng!
Có một điểm khác biệt giữa những rạp chiếu kể trên (trừ những rạp chiếu phim gia đình) so với cách xem phim thông thường tại các cụm rạp lớn, chính là không đặt lợi nhuận làm mục tiêu hàng đầu. Nói chính xác hơn, được chia sẻ và nhân rộng niềm đam mê với bộ môn nghệ thuật Thứ Bảy mới chính là mục đích lớn nhất để ra đời những sân chơi dạng này.
Có mặt trong buổi chiếu cuối cùng của bộ phim ba kênh màu dài gần 60 phút Chạm tới biển (một dạng phim - video art được chiếu cùng lúc trên ba màn hình) không khỏi ngạc nhiên khi trăm phần trăm khán giả đến xem đều là những gương mặt rất trẻ. Hầu hết đều thừa nhận không thể hiểu hết được hết nội dung của bộ phim. Nhưng thay vì bỏ thời gian và tiền bạc cho những bộ phim nhẹ nhàng, dễ xem, dễ chịu, họ đã "tiêu" thời gian giải trí hiếm hoi ấy cho những tác phẩm "khó chịu" hơn. Ðó là những bộ phim tài liệu đủ dằn vặt và ám ảnh, những triết lý nhân sinh hóm hỉnh, và hơn cả là tìm được những người bạn có chung đam mê.
Cả Snap như vỡ òa khi một nhân vật nam trong bộ phim tài liệu Ðất hoang hét lên trong nước mắt "It’s not garbage! That is money!" (Ðó không phải là rác! Nó là tiền!) khi lần đầu tiên trong đời được thấy bức chân dung của chính mình đẹp ngây ngất với vật liệu chính làm từ rác thải và phế liệu…
Bằng một cách nào đó, trong những buổi chiếu như vậy, những thước phim đã vượt khỏi không gian chật hẹp của khán phòng mà đã chạm vào trái tim của tất cả khán giả!
Áo Trắng số Tân Niên (số 2) ra ngày 01/02/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận