Phóng to |
Khai hội lân sư rồng tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
Nhà văn NGUYÊN NGỌC:
“Muốn có tết mà không phải nghĩ đến... tuổi”
* Theo ông, chuyện gì là câu chuyện lớn nhất của tết năm nay?
- Vừa rồi Nhà xuất bản Tri Thức mới cho ra một cuốn sách rất hay của nhà kinh tế đồng thời là nhà triết học nổi tiếng Soros, cuốn Mô thức mới cho thị trường tài chính, trong đó ông đã đề cập rất hay vấn đề có lẽ là muôn thuở của con người, vấn đề nhận thức luận, vấn đề con người có thể có khả năng có được thông tin chính xác về thế giới xung quanh mình đến mức nào, và tác động của chủ thể nhận thức đến thế giới mà con người muốn nhận thức như thế nào... Vậy đó, chính trong kinh tế, qua kinh tế, qua chính những uẩn khúc phức tạp, thậm chí đến mức khủng hoảng dữ dội như hiện nay và còn sắp đến nữa, con người đã trở nên minh triết hơn, nói nôm na là khôn hơn. Và như thế thì cũng là hi vọng nhiều hơn. Trong ý nghĩa đó, tôi nghĩ câu chuyện tết năm nay là câu chuyện về niềm vui và hi vọng. Biết mình được khôn hơn là vui và hi vọng chứ!
* Ông có mong đợi gì trong dịp tết này cho bản thân, cho mọi người?
- Cho riêng tôi, tôi mong có đủ sức khỏe, còn đủ minh mẫn và còn được kha khá thời gian để làm bao nhiêu việc mình vẫn ấp ủ mà còn dở dang. Cũng mong có sự yên tĩnh để làm việc được tốt. Tôi không sợ những ràng buộc xã hội, những ràng buộc ấy tôi tin là tôi vượt qua được (hoặc... bỏ qua, không cần chú ý đến chúng!). Khó nhất là những ràng buộc tự nhiên. Tôi muốn có một cái tết mà không phải nghĩ đến tuổi!
Cho mọi người, tôi cầu chúc hạnh phúc, an lành.
Mong có một cái tết hoa đào, hoa mai nở thật đẹp ở cả mọi miền.
* Có điều gì ông không muốn thấy nhất?
- Mong không còn phải chứng kiến cảnh hoa bị tàn phá một cách man dại như mấy lần vừa rồi. Nếu có bất bình thì cũng nên có một cách có văn hóa hơn.
Phóng to |
Phố ông đồ tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
Một cái tết không chỉ “tay bắt mặt mừng”
Nói đến chuyện lớn ở Sài Gòn của tết năm nay, tôi nghĩ ngay đến một cái tết se lạnh hiếm hoi. Sài Gòn những ngày giáp tết năm nay như thu Hà Nội, như tiết tháng chín, tháng mười ở vùng ôn đới Nam bán cầu. Không khí se lạnh thì sự sum họp gia đình sẽ ấm áp, dễ làm lòng người hòa nhập, chút nhẹ nhàng để quên đi những nhọc nhằn năm cũ... Sài Gòn chỉ có ba mùa, không có mùa thu, nhưng bù lại có một mùa đệm giữa hai mùa mưa - nắng, mà ta có thể gọi cho thơ một chút là “mùa dễ thương”. Và cứ đến độ tháng mười trở đi, người Sài Gòn thường chờ mong sao sẽ có những ngày se lạnh. Khi nghe dự đoán năm nay tết sẽ có những ngày se lạnh, tôi có cảm giác như ai cũng hâm hấp tin vui...
Năm nay cách giao tiếp đầu xuân sẽ có nét đặc biệt hơn. Tết Kỷ Sửu này khi chúc nhau người ta sẽ cho nhau những lời chúc thực và khiêm hơn, theo cách vừa đủ và thật sự quan tâm nhau. Các lời chúc có tính thủ tục, sáo mòn hay đã quá “truyền thống”, như “phát tài, phát lộc”... sẽ ít hơn. Người ta cũng sẽ nhắc đến chuyện kinh tế nhiều hơn, rất tự nhiên như một thứ nhu cầu phải có trong câu chuyện giữa những người bình thường, là công nhân, giới trẻ, các bậc cha mẹ chứ không chỉ là doanh nhân, công chức hay giới trí thức. Có thể người ta sẽ hỏi han, chia sẻ về công việc, về cuộc sống nhiều hơn là chỉ chúc mừng hay xã giao tay bắt mặt mừng...
Bà con ta lâu nay vẫn tin nước nhiều, tiền nhiều. Nhưng có một thứ nghe giống như nước, hay có thể nói đó chính là nước, nhưng ai nghe cũng ớn, đó là... triều cường. Ngày thường mà triều cường còn khổ huống hồ tết. Do vậy, ít có năm nào như năm nay trong các chương trình chuẩn bị tết của TP.HCM có cả việc “ra quân đắp đê chống lụt”. Những năm gần đây, đặc biệt năm 2008, triều cường đã trở thành nỗi lo ngày càng tăng của dân Sài Gòn. Trước, việc này chỉ được nghe nói đến ở vùng ven, vài ba năm nay là ngay trung tâm quận 1, các đường Nguyễn Thái Bình, Nguyễn Công Trứ, Ký Con, Calmette... Ngay như đường Trần Hưng Đạo, quận 5, nhiều đoạn cũng đã loáng nước triều. Mà đâu chỉ Sài Gòn, vừa qua Bình Dương, Phan Thiết, Trà Vinh, đâu cũng triều cường. Cũng là chuyện nước, rất ít thấy đầu năm mà mưa to, lụt nặng nhưng ở miền Trung đầu tháng 1-2009 vẫn còn mưa dầm lụt lớn. Nếu kể luôn trận lụt lịch sử ở Hà Nội đầu tháng 11-2008 thì những tháng cuối năm 2008 và đầu 2009, đủ ba miền đều có nước.
Doanh nhân trẻ chúc tết Hơn 30 lời chúc tết được các doanh nhân “sáng tác” ngay trong buổi họp mặt tất niên hôm 6-1-2009 của Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM. Lời chúc được thể hiện bằng hình thức câu đối, thơ, vè và cả tranh vẽ. Nhiều lời chúc được chấp bút bởi cả tập thể... bàn tiệc. Đặc biệt, một doanh nhân Nhật còn phóng bút... bi viết câu chúc của mình bằng tiếng Nhật. Năm Tý qua, dẫu phong ba, doanh nhân chung tay cùng vượt sóng! Năm Sửu đến, mặc bão táp, doanh nhân cứng cáp đón bình minh! * Giải nhất: nhóm chín doanh nhân, đại diện là phó tổng giám đốc Công ty PNJ Nguyễn Tuấn Quỳnh. Tiễn đục khoét,Đón cày bừa…Doanh nhân trẻVững tiến bước * Giải nhì: Phạm Thanh Truyền - tổng giám đốc Công ty Cát Mộc. Chậm mà chắc! * Giải nhì: Ông Nakagawa Hidehiko - giám đốc Công ty Nhật Tinh Việt. Năm Trâu chúc mọi người Sức khỏe như trâu,Không phải làm việc nhiều như trâuVẫn có thêm “trâu sắt”, “trâu vàng”! * Giải ba: Đỗ Phước Tống - giám đốc Công ty Duy Khanh. |
Lo cho nông thôn hơn
Khó khăn kinh tế tiếp diễn và vì vậy tình trạng thất nghiệp tại các đô thị sẽ gia tăng, trong đó “dân số” thất nghiệp chiếm đa số sẽ là những lao động nhập cư, lao động trong những ngành nghề ít chuyên môn. Như vậy, có thể chúng ta sẽ chứng kiến làn sóng “di dân ngược” từ thành thị về nông thôn chứ không phải là ngược lại như lâu nay. Tình thế này sẽ đặt ra những vấn đề gay gắt cho xã hội vì hoạt động nông nghiệp lâu nay vốn đã yếu nên sẽ rất khó “tiếp nhận” một số lượng người “mới mà cũ” này. Khi bắt buộc phải quay lại nơi mà mình đã ra đi một cách miễn cưỡng như vậy sẽ đặt ra những vấn đề về tâm lý rất lớn.
Còn mong muốn nhất thì... đây là lúc chúng ta cần phải quan tâm hơn nữa tới nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Lâu nay chúng ta gần như bỏ mặc cho khu vực này tự chống chọi, thậm chí có lúc còn “bức tử” nông thôn với các phong trào “khu công nghiệp” hay “golf hóa”... Một sự đối xử công bằng hơn đối với nông thôn, nông dân là điều mong đợi nhất.
Còn điều tôi không muốn thấy nhất đó là chúng ta lại tiếp tục làm việc một cách thiếu khoa học khiến việc dự báo sai dẫn đến việc ra chính sách không thích hợp gây thiệt thòi lớn cho người dân.
Ông ĐẶNG HÙNG VÕ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường:
Để còn có thể nói với nhau “về quê ăn tết”...
- Chuyện gì sẽ là câu chuyện lớn nhất của tết năm nay ư? Đó là quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh và rõ rệt, đặc biệt hơn đối với một Hà Nội mở rộng. Quá trình đô thị hóa đã làm không khí nông thôn mất dần. Hầu hết các làng ở ngoại thành Hà Nội đều có hội đình, hội làng với nét riêng và rất đông người tham gia. Những tết trước, người dân còn thưởng ngoạn được khung cảnh lũy tre làng với những trò chơi dân gian, cảnh rước kiệu dọc bờ ruộng, những bãi trống để đánh vật... Đối với trẻ thơ, nhất là ở thôn quê, tết là những ngày rất vui, được ăn ngon, mặc đẹp, đi chơi, đi xem hội... Còn năm nay chắc chắn không gian và không khí sẽ không được “tết” như mọi năm.
- Mong muốn nhất, dù kinh tế khó khăn nhưng tết vẫn được vui như mọi năm. Chúng ta phát triển kinh tế, chúng ta cũng không thể đi ngược lại quá trình đô thị hóa nhưng những nét văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc vẫn cần phải được giữ lại. Những cô gái với chiếc áo dài tứ thân in lên phố không đẹp bằng khi tha thướt dưới lũy tre làng, những khối bêtông cứng ngắc ngược hẳn với nét uyển chuyển của cánh đồng lúa... Chính vì vậy, điều tôi mong mỏi là vẫn còn có chỗ để những tà áo tứ thân nhiều màu khoe sắc, vẫn còn một vài đầm cho cuộc thi bắt vịt, vẫn còn ruộng trống để dựng cây đu cho hội đánh đu ngày tết... Đô thị hóa nhưng vẫn nên còn một không gian nhất định của vùng quê nông thôn để nuôi dưỡng văn hóa truyền thống, để mọi người còn có thể nói với nhau: “Về quê ăn tết!”, dù quê chỉ cách thành thị dăm, mười cây số.
- Còn không muốn nhất? Mưa to gió lớn, lụt lội, rét đậm rét hại... đó là điều tôi không mong muốn tí nào. Nhiều khi thời tiết thay đổi là do tác động của môi trường gây ra. Mà môi trường lại do con người gây ra. Quanh đi quẩn lại, có khi con người lại làm những điều mà chính mình không mong muốn. Thôi thì tôi chỉ mong sao tết không phải chứng kiến nghịch cảnh về thời tiết, để mọi người vui vẻ đi thăm hỏi lẫn nhau, chúc tết nhau, để các cuộc vui ngày tết được trọn vẹn.
Chia sẻ
Tại sao chúng ta không biết tận dụng những giờ phút năm mới thiêng liêng này để tạo nên một khoảnh khắc hạnh phúc và chia sẻ cùng mọi người. Một khúc nhạc vui, lễ cúng ông bà hay một nghi thức tôn giáo nào đó... luôn là những cơ hội tạo cho chúng ta những cảm xúc tích cực và qua đó mọi người sẽ yêu nhau hơn. Ngày tết sẽ là ngày thể hiện một cách rõ ràng và cụ thể nhất tình yêu thương mọi người dành cho nhau, sự hòa thuận và một việc làm nhỏ nhất cũng có một ý nghĩa nhất định với mọi người trong gia đình.
Nhưng tết của chúng ta sẽ bớt vui khi xung quanh chúng ta còn nhiều những mảnh đời bất hạnh. Chúng ta có nhìn nhận chuyện này để rồi chúng ta sẽ phải sống có trách nhiệm hơn và rộng lượng hơn với những anh em xung quanh? Một bịch rác bỏ đúng nơi đúng chỗ sẽ bớt đi phần nhọc nhằn cho các anh chị lao công, một chậu hoa kiểng mua đúng giá sẽ là phần thưởng xứng đáng và là nguồn động viên cho những giọt mồ hôi của các cô bác nông dân, một lời cầu chúc thật lòng sẽ làm vơi đi sự tủi thân của những người bất hạnh. Để dung hòa hạnh phúc của chúng ta với những bất hạnh của người khác, từ bao đời nay ông cha ta đã khuyên nhủ nên biết chia sẻ với những người xung quanh trong tinh thần “Lá lành đùm lá rách”. Chúng ta không thể bỏ qua những giờ phút linh thiêng của gia đình vốn làm mọi người yêu thương nhau hơn, vốn tạo cho các con cháu ý thức về sự sum họp và tạo nên một ký ức khó phai trong tuổi thơ các em nhỏ. Nhưng chúng ta cũng được mời gọi để chia sẻ với những hoàn cảnh bất hạnh hơn mình bằng chính những việc làm nhỏ nhoi nhưng thiết thực nhất. Và sẽ tuyệt vời hơn nếu chúng ta có chia sẻ với các em bé lang thang, những người già neo đơn hay chúng ta chuẩn bị những phần quà nho nhỏ cho những người bất hạnh.
Có như thế chúng ta mới tiếp tục viết nên những câu chuyện cổ tích về ngày tết. Và có lẽ cũng trong tinh thần đó thì ngày tết mới thật sự là cái tết đầm ấm và yêu thương!
Tết nhiều ý nghĩa
* Câu chuyện lớn nhất?
- Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh, giám đốc ngành hàng cao cấp CAO (Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý PNJ):
- Khó khăn. Tán gẫu với bạn bè thấy có vẻ mọi người biết “lên kế hoạch” chi tiêu hơn, hạn chế tối đa những khoản không cần thiết, nhìn chung là sẵn sàng đối mặt với những khó khăn chung của thời kỳ khủng hoảng này.
Nhưng tôi vẫn tin khó khăn chỉ là tạm thời và hi vọng một tương lai tốt đẹp ở phía trước. Mong cuộc khủng hoảng này sẽ qua mau và sau cơn mưa trời lại sáng. Khủng hoảng không có nghĩa phải dừng lại mà buộc bạn phải đi tiếp nhưng phải đi thật chắc, thật thận trọng. Trong dông bão, chúng ta sẽ tìm ra nhiều cách để xoay xở, để tồn tại và phát triển bền vững.
- NSƯT Kim Xuân: “Đồng lương” là câu chuyện lớn nhất, mà rõ nhất là tiền lương của công nhân các khu công nghiệp.
- Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần REE:
Tết năm nay sẽ là một cái tết hướng nội. Nhìn vào nội tại để tính xem năm tới làm gì để... “chuộc” lại “tội” năm ngoái (cười). Có thể biến những khó khăn thành cơ hội cho mình.
- Phạm Uyên Nguyên, tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ Hợp Việt:
Tết năm nay sẽ là tết nhiều ý nghĩa... tinh thần hơn mọi năm. Mọi chuyện vẫn còn ở phía trước. Tết năm nay cũng có thể là động lực để mọi người biết tiết kiệm hơn, biết thương người nghèo hơn, và cái chính là biết vượt lên chính mình.
* Mong đợi điều gì nhất?
- Bà Mai Thanh: Được nghỉ. Nghỉ để rồi năm mới lại đến trong tất bật ở bối cảnh được dự đoán là nhiều thách thức. Và tất nhiên là... tiền thưởng nữa chứ! Giới kinh doanh vẫn thường nói tiền thưởng tùy thuộc vào kết quả. Nhưng năm nào cũng vậy, đặc biệt là năm nay, tôi không muốn lấy cái cớ đó để cắt thưởng nhân viên. Bởi xét cho cùng các nhân viên, trừ lãnh đạo, đã làm phần việc được phân công dẫu tốt hoặc chưa tốt. Còn lãnh đạo - họ sẽ không được nhận khoản thưởng nào, thậm chí nếu cổ đông yêu cầu thì họ phải từ chức nếu chiến lược, sách lược, kế hoạch thực hiện do họ chịu trách nhiệm đã không hoàn thành tốt công việc được giao. Vì lẽ này, tôi nghĩ rằng đây cũng là một tập quán có thể cần được thay đổi: lãnh đạo nên nhận trách nhiệm khi công ty do chính mình điều hành có xảy ra thất bại.
- Kim Xuân: Đôi lúc tôi thấy mình “rung rinh” trước nạn bạo hành học đường, bạo hành gia đình. Ai cũng đổ thừa cho việc chạy theo cơm áo gạo tiền, nhưng tôi nghĩ nước mình chưa giàu về kinh tế để có nhiều công trình lớn, dự án lớn nhưng nước mình có một nền văn hóa đầy bản sắc, tại sao mình không xây dựng thật chắc nền tảng văn hóa. Giáo dục con người từ nhỏ rất quan trọng và là cốt lõi để xây dựng một xã hội trật tự và công bằng. Bản thân tôi chỉ mong mình có sức khỏe ổn định để nhìn mọi việc một cách khách quan và bước tới trên con đường của mình một cách đúng đắn.
- Phạm Uyên Nguyên: Không có tiền đi chơi xa thì tết ở nhà sum họp gia đình, thăm viếng bà con bạn bè, tăng thêm tinh thần tương thân tương ái. Chỉ mong người nghèo sẽ được để ý chăm lo hơn để cũng có cái tết như người ta, lấy tinh thần để phấn đấu vươn lên.
* Điều không muốn thấy nhất?
- Kim Xuân: Tình trạng xuống cấp của nghệ thuật. Về số lượng thì năm qua rất nhiều album nhạc, nhiều vở kịch, nhiều phim ra đời nhưng chất lượng về đâu? Mọi người đang xô nhau làm nghệ thuật theo kiểu bản năng nhiều quá, theo kiểu hưởng thụ nhất thời nhiều quá, rất ăn xổi ở thì. Mất sức mình, mất thời gian, tốn tiền bạc của mình và cả của khán giả.
- Thành Lộc: Bệnh tật là điều tôi không mong đợi. Có nhiều tiền mà bệnh thì cũng bỏ. Có sức khỏe thì làm được mọi thứ, trong đó có... tiền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận