16/12/2004 06:57 GMT+7

Câu chuyện của người lính già

NGUYÊN NGỌC
NGUYÊN NGỌC

TT - Từ Hải Phòng, qua phà Bính, rẽ về tay trái khoảng mươi cây số sẽ gặp một vùng đất có dáng dấp trung du: những cụm đồi nối nhau thoai thoải, cao dần về hướng đông bắc.

bFp3OqAJ.jpgPhóng to
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Lữ đoàn 125 năm 1972 - Ảnh tư liệu

Làng xóm nằm ven đồi, thượng gia hạ điền: trên đồi là nhà, có vườn, dưới chân là ruộng. Len lỏi vào các xóm làng chen chúc ấy, thỉnh thoảng có thể gặp dấu vết những căn hầm lớn khoét sâu vào sườn đồi.

Có hầm đã sập, nhưng cũng có hầm còn khá nguyên vẹn, gỡ đi vài lớp rêu phong xanh rì có chỗ còn có thể nhận ra cả dấu xẻng công binh xén sâu vào lớp đất bazan đỏ sậm: chính nơi đây một thời từng là căn cứ địa, là sở chỉ huy của một đơn vị thường được những người ít nhiều có liên quan nhắc đến một cách tò mò và thán phục: đơn vị “những con tàu không số”. Còn những người trong cuộc thì biết rõ tên tuổi của nó: Lữ đoàn Hải quân 125.

Người thủy thủ già ở lại

Những người lính của cái lữ đoàn bí mật huyền thoại một thời đó, những sĩ quan tham mưu, chính trị, hậu cần, những thuyền trưởng, thủy thủ, báo vụ viên, thợ máy... ngày ấy từ khắp đất nước tập hợp về đây, nay đều đã đi xa.

Người đã hy sinh, mãi mãi biệt tích trên biển Đông, người đã chuyển ngành, người đã về hưu... Duy còn một người vẫn ở lại đây. Một người lính thủy già, quê tận Cà Ná, tít tận miền Phan Thiết trong cực Nam Trung bộ xa xôi: anh Đặng Văn Thanh.

Thường vẫn vậy trong những trường hợp này: có một mối tình sâu đậm nào đó đã giữ chân người lính bôn ba lại nơi làng quê hẻo lánh này. Trường hợp Đặng Văn Thanh chính là như vậy. Sau những chuyến mạo hiểm trên biển lớn, anh thường trở về nơi này, chỉ huy sở của các con tàu không số, báo cáo công tác hay nghỉ ngơi lấy sức dăm ngày.

Chính trong một căn hầm chỉ huy khoét sâu vào lòng đồi nay đã sạt lở gần hết, anh đã gặp một chị hội trưởng phụ nữ xã có đôi mắt lá răm sắc dài. Hỏi thăm mới biết đó là một người vợ liệt sĩ. Họ quen nhau, ân cần và kín đáo chăm sóc cho nhau. Chị thấy bồn chồn lo lắng mỗi lần anh từ giã ra đi, lao ra biển khơi mịt mùng. Chị hao gầy đi những ngày chờ đợi.

Và như sống lại, tươi tắn, tinh khôi, đôi mắt lá răm cố giấu một niềm hạnh phúc không kìm nổi mỗi lần anh trở về... Cho đến ngày cuối chiến tranh, họ trở thành vợ chồng...

Bây giờ thì người thủy thủ già đã thật sự trở thành một bác nông dân chính cống. Nhà anh chị nằm ven sườn đồi. Trước sân là cái giàn mướp sai quả, giàn mướp không phải đan bằng tre mà là một tấm lưới cũ giăng giữa mấy cây cột chống bằng sắt gỉ. Phía ngoài sân là chiếc giếng rất sâu, gàu được kéo bằng ròng rọc hẳn lấy được về từ một chiếc tàu cũ nào đó. Cạnh đấy là ao cá, anh Thanh bảo mỗi mùa thu được hàng 5-6 tạ cá mè...

Chúng tôi ngồi với nhau giữa sân, trên chiếc nong lớn, quanh mâm rượu có một chai cuốc lủi to bự và mấy con cá khô nướng làm mồi chị Thanh đã chu đáo dọn sẵn cho chúng tôi. Anh Thanh nói:

- ...Sau hiệp định Genève 1954, tôi không đi tập kết mà được lệnh ở lại nằm vùng hoạt động. Rồi tôi được giao nhiệm vụ giả đi đánh cá, điều tra kỹ vùng Mũi Đèn và về khu ủy báo cáo cụ thể tình hình sông nước, bến bãi, tình hình địch bố phòng tuần tra trên đất trên biển ra sao, tình hình dân. Làm xong thì có liên lạc đến, dẫn lên rừng, về chỗ anh Lê, anh Hiền. Đồng chí liên lạc dặn trước khi đi phải sắm sẵn nilông, võng dù, hănggô.

Tôi cũng nghĩ chắc lên rừng thì phải có đủ những thứ đó chứ không ngờ... Lên đến nơi, ở trạm giao liên vài ngày thì một buổi chiều thấy anh Lê và anh Hiền ra, tay xách mấy chai rượu cần và một hănggô cơm nếp. Hai anh ở lại suốt đêm ấy rỉ rả nói chuyện. Anh Hiền bảo:

- Anh Thanh mấy năm nay vất vả, sức yếu lắm rồi, mắt mờ, tóc rụng hết. Nay khu ủy quyết định Thanh phải ra Bắc nghỉ một thời gian, chữa bệnh, học hành, rồi sẽ trở về phục vụ. Thanh cứ đi, đừng suy nghĩ gì. Cách mạng miền Nam còn dài. Cứ đi, rồi sẽ trở về, trên có cho ít súng đạn, tìm cách mang về cho anh em trong này càng tốt...

Khu ủy giao cho Thanh cái phong bì này, phải giữ thật kỹ, trường hợp bất trắc nhất thiết không để rơi vào tay giặc, dù hi sinh cũng phải bảo đảm thủ tiêu trước khi ngã xuống. Ra đến Hà Nội chỉ được giao tận tay một người là đồng chí Võ Nguyên Giáp.

Hai nhiệm vụ từ đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tôi đi đường Trường Sơn gần tám tháng mới ra tới miền Bắc, tới Quảng Bình thì có xe con đón thẳng về Hà Nội. Lúc ở 105 Quán Thánh, lúc ở Ban Thống nhất trung ương, loanh quanh luẩn quẩn chẳng biết làm gì, không được ra đường, chỉ ăn uống bồi dưỡng, thỉnh thoảng xe đưa đi khám bệnh rồi đưa về, lại loay hoay một mình trong phòng.

Đó là khoảng cuối năm 1961... Cho đến một bữa chiều, tôi đang ở Ban Thống nhất thì có người đưa xe đến đón bảo đi có việc. Xe chạy quanh co một lúc thì đến một ngôi nhà, sau này tôi mới biết là số nhà 36 Lý Nam Đế. Người dẫn đường đưa tôi lên tầng hai, vào một căn phòng rộng, có một chiếc bàn lớn và bốn cái ghế bành.

Trên bàn bày sẵn bánh kẹo, bia, nước ngọt. Một người mặc quân phục nhưng không đeo quân hàm bảo: “Đồng chí ngồi nghỉ, chờ một lúc”.

Vài phút sau cửa phòng mở, một người bước vào, chắc đậm, quần kaki, áo lụa ba túi. Tôi đứng dậy nhưng không biết là ai. Người mặc quân phục - sau này tôi biết là sĩ quan tham mưu - nói:

- Báo cáo thủ trưởng, đây là đồng chí Đặng Văn Thanh, vừa ở Khu 6 ra.

Rồi anh quay lại phía tôi:

- Đây là đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đồng chí Thanh chào đại tướng đi...

Tôi sững sờ.

Đại tướng bước lại bắt tay tôi, rồi ôm lấy cả hai vai tôi:

- Đồng chí Thanh ngồi xuống đi. Nào, đã lâu lắm tôi không được nghe giọng nói Phan Thiết. Nào ngồi xuống. Và nói chuyện cho chúng tôi nghe đi.

Đại tướng tự tay bóc thuốc và rót nước cho tôi:

- Đồng chí Thanh đi đường mất mấy tháng? Sức khỏe bây giờ thế nào? Đã đi khám bệnh chưa?... Anh Lê, anh Hiền có khỏe không?

Tôi đứng dậy:

- Thưa đại tướng, có cái phong bì này anh Hiền dặn tôi chỉ được đưa tận tay đại tướng...

Ông cầm phong bì nhưng đặt xuống bàn.

- Bây giờ đồng chí Thanh kể chuyện cho chúng tôi nghe đã. Tình hình trong ấy thế nào? Bà con ta sống thế nào? Địch hoạt động thế nào? Nhất là nói kỹ tình hình ven biển từ Khánh Hòa vào tới Mũi Đèn. Nói thật cụ thể.

Người sĩ quan tham mưu dẹp mấy cái cốc và trải ra trên mặt bàn một tấm bản đồ lớn. Đại tướng đưa cho tôi một cây bút chì vót nhọn:

- Đây, đồng chí báo cáo đi, chỉ rõ từng chỗ trên bản đồ...

Tôi cầm cây bút, đứng sững trước tấm bản đồ rất lâu. Người sĩ quan tham mưu nhắc:

- Đồng chí Thanh bình tĩnh nói đi.

Tôi quay nhìn đại tướng, lắp bắp mãi mới nói được mấy tiếng:

- Báo cáo... Báo cáo đại tướng... Tôi... tôi không biết chữ...

Căn phòng bỗng lặng ngắt.

Các anh biết không, lúc đó tôi thấy mình có lỗi vô cùng. Đại tướng cũng đứng lặng hồi lâu. Rồi ông nói với người sĩ quan tham mưu, giọng trầm xuống hẳn:

- Anh em ta trong ấy vậy đó...

Ông cầm lấy cây bút chì từ tay tôi, kéo tôi lại cạnh ông:

- Bây giờ thế này nhé, tôi sẽ chỉ từng chỗ trên bản đồ và đồng chí sẽ kể cho chúng tôi biết rõ tình hình từng nơi. Đây này, cái vạch màu đỏ này là đường số 1. Đây là Phan Rang. Đây là Phan Thiết. Còn chỗ này, cái mũi nhọn này, Thanh nhìn rõ không, là Mũi Đèn. Còn đây là Vũng Găng. Đây là Cà Ná...

Như vậy đấy, đêm ấy đại tướng ở lại với tôi rất khuya. Và, các anh biết không, tôi đã kể lại với đại tướng không phải chỉ tình hình các vùng tôi từng biết, từng sống, từng hoạt động. Tôi đã kể với đại tướng tất cả cuộc đời tôi. Từ ngày là thằng bé mồ côi cha mẹ, 8 tuổi đã làm nghề lặn cá ở biển Cà Ná...

Đại tướng ngồi nghe, thỉnh thoảng mới nhắc một câu:

- Thanh uống nước đi đã.

... Cho đến khi người cán bộ tham mưu rời quyển sổ ghi chép đứng dậy nói:

- Báo cáo thủ trưởng, đã 1 giờ sáng...

Đại tướng cũng đứng dậy. Ông nói:

- Cám ơn, cám ơn đồng chí Thanh...

Lần này ông không bắt tay tôi mà ôm chặt cả hai vai tôi. Ông nói:

- Bây giờ đồng chí Thanh có hai nhiệm vụ, tôi giao nhé, phải làm kỳ được. Một: chữa bệnh, bồi dưỡng cho thật khỏe. Tóc rụng hết cả rồi đây này... Hai: phải đi học. Học chữ và học chuyên môn. Khi nào hoàn thành nhiệm vụ, báo cáo cho tôi biết... Thôi, về đi. Đêm nay ngủ thật ngon...

Vậy là anh Đặng Văn Thanh đi học. Lớp học chỉ một thầy một trò. Sau ba tháng biết đọc biết viết thì được chuyển sang học hàng hải, la bàn..

Một nhiệm vụ mới đang chờ đợi anh.

---------------

* Kỳ tới: Những con tàu không số

----------------

Tin, bài liên quan:

* Kỳ 3: Đi về hướng sao Bắc Đẩu* Kỳ 2: Tìm người vô danh* Kỳ 1: Xác minh một truyền thuyết

NGUYÊN NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên