![]() |
Chắc chắn sẽ không ít người sẽ đưa ra những giải pháp tức thời, rất ư là “căn cơ và hiệu quả” đại loại như ở “lì” trong phòng có máy lạnh, trang bị thêm vài ba cái quạt máy trong phòng ngủ, phòng làm việc... hay ra ngay những tiệm gội đầu “thư giãn” để mấy em chân dài, váy ngắn “làm lạnh” giúp...
Xin thưa, như vậy là lạc hậu quá xá rồi, vừa thời thượng vừa quý tộc hiện nay là phải ra tận miệt ngoại thành câu cá “thư giãn” trong những túp lều tranh xinh xinh, nghe gió thổi bên sông và vài ba em thôn nữ hát ầu ơ, ví dầu
“Túp lều lý tưởng” lên ngôi
Chỉ trong một thời gian ngắn, phong trào câu cá “thư giãn” vừa giải trí vừa trốn nóng bắt đầu lên ngôi gần đây thì ra các quận, huyện vùng ven TP.HCM, đâu đâu cũng gặp dịch vụ câu cá giải trí, câu cá “thư giãn”. Từ những hồ câu lớn, những khu du lịch sinh thái ven sông có dịch vụ câu cá khá qui mô ở Quận 9, 12, Bình Chánh, Củ Chi… đến các hồ câu mini được “cải tiến” từ các hồ nuôi cá tra, cầu tõm ở Gò Vấp, Bình Thạnh…
Muốn câu cá bình dân, câu xong nhờ quán “thịt” ngay con mồi, làm “sương sương vài ve” về với vợ hay “ăn trưa vui vẻ” xong lại quay về cơ quan làm việc tiếp cũng được. Còn sang trọng, đẳng cấp hơn thì câu cá có thêm nấy em “người cá” phục vụ. Mấy nàng “tiên cá” ăn mặc rất phù hợp với thiên nhiên hoang dã này còn kiêm luôn dịch vụ “tắm sông… ôm” với mấy ông.
Chủ một khu hồ câu cá “thư giãn” ở phường An Phú Đông (Quận 12), cho biết chỉ mới khai trương hồ câu có 2 tháng mà ngày nào cũng đông nghịt khách. Đông nhất là dân từ nội thành đổ về. Có ngày, khách đông quá nên không thể nhận thêm. Xem ra, nguồn lợi kinh doanh hồ câu cá hiệu quả hơn rất nhiều so với nuôi cá rô phi trước đây, nên vùng ven người ta thi nhau mở dịch vụ câu cá.
Chỉ cần dựng vài ba cái chòi, ít cần câu cho thuê và… dăm ba em thôn nữ là thành khu câu cá dịch vụ, tính ra rẻ hơn kinh doanh các loại hình “trốn nóng” khác rất nhiều. Cái thú đi câu cá giải trí thì đã “xưa thật là xưa” mất rồi. Nhưng câu cá “trốn nắng” đang trở thành phong trào như hiện nay thì lại hoàn toàn mới.
Mới ở chỗ dạo này người ta rủ nhau đi câu cá một cách rầm rộ. Chẳng cần phải là ngày nghỉ, ngày cuối tuần gì ráo trọi, tranh thủ giờ nghỉ buổi trưa hay ngơi ngơi công việc là kéo nhau đi câu cá. Nhiều người vào cơ quan rỉ tai nhau những địa điểm câu mới rất “lý tưởng” như chứng tỏ sự uyên thâm về thú chơi thời thượng của mình.
Từ những cặp tình nhân đang trong giai đoạn mặn nồng đến những quý ông, quý bà sồn sồn “tình trong như đã dẫu ngoài còn e”, lén vợ, lén chồng, trốn cơ quan rủ nhau đi câu cá là phụ mà “câu” lẫn nhau mới là chính. Đông đảo và hùng hậu nhất là cánh mày râu rất “hảo hảo” với trò vừa câu cá vừa thưởng thức luôn món mồi câu được với dăm ba xị lại cộng thêm có mấy em tha thướt õng ẹo qua lại với chiếc áo bà ba, xua đi cái oi bức của thời tiết thì quả thiệt thấy đời quá tuyệt cú mèo! Có nhiều người đi câu chưa hẳn vì thích cái trò giải trí vừa dân dã lại vừa “quý tộc” này, mà đôi khi chỉ buông câu để… chờ thời.
Thử dạo một vòng các khu câu cá giải trí đang mọc lên như nấm mùa trong những ngày gần đây ở miệt Quận 9, Thủ Đức, 12, Bình Chánh… (TP.HCM) mới thấy đi câu cá “thư giãn” bây giờ chưa hẳn đã thật sự “thư giãn” mà đầy đủ sắc màu hỷ, nộ, ái ố. Có ông lúc nào cũng túc trực cần lớn, cần bé đi theo sếp câu cá một cách rất ư cần mẫn, siêng năng mặc dù chẳng thấy hứng thú gì với cái “trò khỉ” mất thời gian này. Kệ, sếp thích thì mình thích, sếp câu cá còn mình câu… cơ hội - nhiều ông nhủ lòng như vậy.
Cũng có những người đi câu để “ngoại giao”, chờ cơ hội trả tiền độ nhậu, sắp đặt chuyện làm ăn. Nhiều quý ông, quý bà khác thì chờ cơ hội “câu”… đối thủ của mình. Cũng không ít ông lặn lội ra các hồ cá vùng ven chủ yếu chỉ để câu… mấy em chân dài. Hàng trăm cái chòi câu cá ven sông, hồ được gọi là những “túp lều lý tưởng” cất bằng lá dừa vừa kín vừa hở để trốn nóng của nhiều người chứa đựng bao nhiêu là “ý đồ và tâm trạng”. Bởi vậy, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi có những chòi câu chỉ nghe lạo xạo tiếng người mà chẳng thấy… lòi ra cái cần.
Những cung bậc bi, hài
Thật ra, đi câu để giảm căng thẳng đầu óc sau những giờ làm việc căng thẳng và trốn được cái nóng oi bức như dạo này vào những lúc rảnh rỗi thì chẳng có gì đáng phải bàn. Chuyện là sau một thú chơi tao nhã và rất ư văn hóa này lại có lắm chuyện quá bi, hài.
Hồ câu cá mọc lên khắp nơi ở vùng ven, với đủ loại hình “khuyến mãi” thu hút các “câu thủ”. Do cạnh tranh nhau, nên các hồ nghĩ ra đủ trò lôi kéo khách. Từ những giải thưởng vài chục triệu đồng tiền thưởng khi câu được cá, bây giờ có mấy hồ câu ở gần cầu Bình Phước chuyển sang “khuyến mãi” luôn một em chân dài “trọn gói” làm mấy ông cười tít mắt, thi nhau trổ tài.
Gần đây, tại các hồ câu gần cầu Rạch Tra, miệt Hóc Môn, Củ Chi cũng xuất hiện những “đội quân” kiều nữ chẳng phải là nhân viên các quán cứ rảo rảo khắp các chòi “tiếp thị” trò “câu thuê”, tức là các em sẽ ngồi câu cùng khách. Còn khách và mấy em “câu” cái gì thì chỉ có… mấy con cá dưới sông mới biết.
Cái dịch vụ “câu cá ôm” sau một thời gian im ắng nay cũng “sôi động” trở lại vào mùa nóng này. Ở một số hồ câu cá thuộc khu giáp ranh Lái Thiêu, Bình Dương, cứ mỗi chòi câu có một em áo bà ba nhưng quần short tới… háng, nhún nha, nhún nhảy cầm cần câu thì đố ông nào còn tâm trí mà câu cá lớn với cá bé.
Nhiều chòi câu với chiếc võng đong đưa đang trở thành “túp lều lý tưởng” thay nhà trọ, phòng nghỉ làm nơi “hành sự” cho các cặp già nhân ngãi, non vợ chồng. Chòi câu còn trở thành “điểm hẹn ăn nhậu” trốn việc của nhiều người. Thỉnh thoảng, ở mấy hồ câu ngoại thành lại xảy ra mấy vụ đánh ghen ỏm tỏi rồi chuyện “cơ thủ” dùng cần đập vào đầu nhau vì tranh cá, tranh… “em út”. Rồi chuyện khách và chủ hồ mắng mỏ nhau thậm tệ vì câu nhầm hồ… cá ảo. Té ra, chủ hồ thú nhận, hồ mới đào, chưa kịp… thả cá. Đó là chưa kể chuyện ô nhiễm môi trường dạo này trở nên trầm trọng vì hàng loạt những cái hồ tự phát.
Câu cá “thư giãn” xem ra thật có lắm chuyện bi, hài.
VŨ BÌNH
Tuổi Trẻ Cười số 355 (ra ngày 1-05-2008) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận