Đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (thuộc cao tốc Bắc - Nam, nối quận Hoàng Mai với huyện Phú Xuyên, Hà Nội - giáp ranh tỉnh Hà Nam) - Ảnh: NAM TRẦN
Trong tờ trình báo cáo Chính phủ, Bộ Tài chính cũng thừa nhận việc thu phí đối với tuyến cao tốc sẽ khiến người dân và dư luận quan tâm. Hiện có rất nhiều khoản thu thuế, phí như thuế tiêu thụ đặc biệt, phí sử dụng đường bộ, lệ phí trước bạ... đều tính và thu theo phương tiện. Vậy có nên thu hay không và thu với mức nào?
* Tiến sĩ VŨ ĐÌNH ÁNH (chuyên gia kinh tế): Mức thu phí phải đảm bảo lợi ích kinh tế cho người dân
Như Bộ Tài chính giải trình, mục đích thu để bổ sung nguồn bảo trì, bảo dưỡng đường và thu hồi vốn đầu tư để xây đường mới. Việc ghép chung để tính phí sẽ khó thuyết phục về mức phí. Trước mắt chỉ nên tập trung vào mục tiêu là để có thêm nguồn cho bảo trì, bảo dưỡng đường mà thôi.
Về mức thu phí, cần phải tính toán, đánh giá và phân tích kỹ lưỡng dưới cả góc độ của người sử dụng dịch vụ, nhất là khi chi phí vận chuyển của VN đang quá cao so với các nước.
Mức phí không chỉ căn cứ vào nhu cầu cần huy động vốn của ngân sách mà còn tính toán lợi ích kinh tế của người sử dụng cao tốc.
Nghĩa là khi người ta đi cao tốc mà phải nộp phí thì vẫn có hiệu quả kinh tế hơn là đi đường truyền thống cũ. Khi có lợi ích kinh tế thì không có chuyện người dân phản đối việc áp phí này.
Bên cạnh đó, việc áp dụng mức phí đối với cao tốc mà Nhà nước đầu tư thì người dân có quyền lựa chọn như hiện nay hay không? Thực tế từ trước đến nay, người dân có thể sử dụng cao tốc BOT hoặc đi đường bình thường, tức là người dân có quyền lựa chọn. Nhưng cao tốc mà Nhà nước bỏ vốn ra thì không đặt ra nguyên tắc lựa chọn nên gần như là bắt buộc đối với người dân.
* Ông NGUYỄN VĂN QUYỀN (chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô VN): Cần các tiêu chí rõ ràng
Việc đầu tư đường cao tốc cần kinh phí rất lớn. Để phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông và có tiền bảo trì đường cũng có thể thu phí đường cao tốc do đầu tư bằng vốn nhà nước.
Tuy nhiên, thu phí ở tuyến đường nào cần có những tiêu chí nhất định như phải là đường làm mới hoàn toàn, không phải nâng cấp từ đường cũ thành cao tốc, nên có tuyến đường khác để người dân có sự lựa chọn...
Với một số đoạn quốc lộ 1 đầu tư theo hình thức BOT đang thu phí, trong tương lai sẽ dừng thu khi đã hoàn vốn. Nếu quốc lộ 1 chưa dừng mà đường cao tốc do Nhà nước đầu tư chưa thu phí thì sẽ dẫn đến tình trạng xe dồn hết sang đường cao tốc miễn phí.
Như vậy sẽ vỡ phương án tài chính của dự án BOT quốc lộ 1 và đường cao tốc đáng ra được đi nhanh lại thành đi chậm nên cần nghiên cứu một số tiêu chí để thực hiện cho phù hợp.
Còn mức thu bao nhiêu cần nghiên cứu để có sự phù hợp, cân đối hài hòa giữa chủ trương, lợi ích giữa đường đầu tư PPP và đầu tư công, không tạo ra sự phân biệt.
* PGS.TS NGÔ TRÍ LONG (chuyên gia tài chính): Sẽ khiến phí chồng phí
Việc thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư cần xem xét lại. Tiền ngân sách là do người dân nộp thuế, phí mà có. Đến nay Nhà nước đầu tư cao tốc mà thu phí là bất hợp lý, hơn nữa phí chồng phí khi ôtô đang phải nộp phí bảo trì đường bộ, lệ phí trước bạ... trên đầu phương tiện.
Nếu lấy lý do thiếu nguồn để bảo trì đường bộ và đầu tư cao tốc mới thì Bộ Tài chính cần xem lại việc sử dụng ngân sách đã hiệu quả hay chưa? Những nguồn chi bất hợp lý, lãng phí đã được cắt giảm triệt để ra sao? Nền tài chính quốc gia bền vững và lành mạnh, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách thì phải nuôi dưỡng nguồn thu, phải khoan sức dân.
Với nhiệm vụ thu, ngành tài chính cần siết chặt và có giải pháp ngăn chặn việc thất thu thuế do trốn thuế, chuyển giá... Ngoài ra, chính sách thu cũng cần mở rộng cơ sở thu ở những lĩnh vực như đánh thuế tài sản đối với người sử dụng quá nhiều nhà đất...
* Thứ trưởng Bộ GTVT NGUYỄN NGỌC ĐÔNG: Nguồn lực Nhà nước có hạn
Năm 2015, khi đưa đường Nhật Tân - Nội Bài (chủ yếu vốn vay ODA Nhật Bản) vào sử dụng, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đề nghị phải thu phí để lấy tiền bảo trì con đường tốt hơn, sau đó có thể dùng tiền thu phí đầu tư các con đường khác.
Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 quy định: những dự án đường cao tốc sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công, nghiên cứu, áp dụng phương án thu giá dịch vụ hợp lý để thu hồi vốn đầu tư của Nhà nước.
Chúng tôi cho rằng nên thu phí trên đường cao tốc đã hoặc sẽ xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước vì ngoài có nguồn tiền bảo trì cho chính con đường đó, sẽ có nguồn lực tốt để đầu tư tiếp các tuyến đường khác.
Nếu không làm việc này thì tốc độ đầu tư hạ tầng giao thông của nước ta sẽ chậm hơn vì vẫn còn khó khăn trong huy động nguồn lực, chất lượng đường vẫn chỉ bình bình. Chúng tôi muốn phân loại những đường cao tốc làm mới, đi lại an toàn hơn, nhanh hơn thì phải trả phí và mong các luật khác đồng bộ về hành lang pháp lý để thực hiện việc thu phí.
Hiện nay, nước Anh vẫn thu phí đường bộ qua xăng dầu để cân đối ngân sách, nước Mỹ một số bang bỏ dần thu phí đường cao tốc nhưng một số bang vẫn thu, nước Nhật vẫn thu phí đường cao tốc.
Chúng ta đang có những cách hiểu khác nhau như "đường làm bằng ngân sách thì không thu phí". Nhưng nguồn lực của Nhà nước luôn có hạn nên đầu tư đường chỉ cung cấp mức độ tối thiểu. Như bệnh viện, Nhà nước chỉ đầu tư mức độ y tế cộng đồng, muốn chất lượng dịch vụ y tế cao hơn thì tư nhân đầu tư để phục vụ các nhu cầu khám chữa bệnh cao hơn của người dân.
Trong thời gian tới, có nhiều tuyến đường đầu tư bằng BOT sẽ hết thời hạn thu phí thì mọi người có sự lựa chọn đi đường cao tốc trả phí hoặc đi đường quốc lộ.
Hiện nay phí sử dụng đường bộ đóng theo đầu ôtô hằng tháng cho quỹ bảo trì đường bộ là để bảo trì hệ thống mạng đường huyện, tỉnh, quốc lộ (trừ đường thu phí). Do vậy, việc thu phí đường cao tốc đầu tư bằng vốn nhà nước để lấy tiền bảo trì cho chính đường đó và có nguồn đầu tư các tuyến đường không phải là phí chồng phí.
* PGS.TS TRẦN CHỦNG (chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN - VARSI): Nên thu vì nhiều lợi ích
Khi có đường quốc lộ song hành, tôi đồng ý cần thiết phải thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư với 3 ý nghĩa:
Thứ nhất, tạo công bằng xã hội, người hưởng dịch vụ tốt hơn thì phải trả phí. Việc này như ở nhà tập thể thì miễn phí nhưng ở chung cư cao cấp phải trả phí dịch vụ khai thác, quản lý vận hành, bảo trì; ở khách sạn bình thường thì giá thuê thấp hơn khách sạn 5 sao.
Đường cao tốc tiện nghi hơn, an toàn hơn, đỡ hư hại xe hơn, tốc độ nhanh hơn, không đi lẫn lộn với xe máy, xe đạp thì phải trả tiền trong khi đi quốc lộ miễn phí sẽ chậm hơn.
Nhiều người vẫn có thói quen được bao cấp nhưng trong nền kinh tế thị trường có những sản phẩm giá rẻ hoặc cho không nhưng có những loại buộc phải trả tiền để có.
Thứ hai, phát triển đường cao tốc là yếu tố cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế hiện đại với những lợi ích đã được chứng minh. Do vậy, cần phải phát triển đường cao tốc bằng cả ngân sách lẫn vốn xã hội hóa. Đường cao tốc đầu tư bằng vốn nhà nước cần phải thu phí để có tiền tái đầu tư đường cao tốc tiếp theo.
Chúng ta không thể hài lòng đã có 1.000 hay 2.000km đường cao tốc là đủ mà phải cần nhiều hơn để đi lại nhanh hơn, thuận tiện, an toàn hơn. Chúng ta cũng không thể cứ đi vay vốn ODA về làm đường cao tốc rồi đi lại miễn phí để sau này con cháu trả nợ. Thế hệ này đi đường cao tốc thì trả chi phí đầu tư, có tiền đầu tư một hệ thống đường cao tốc sẽ tốt hơn cho con cháu sau này.
Thứ ba, hiện Nhà nước và tư nhân cùng đầu tư đường cao tốc, người ta sẽ thấy vô lý nếu tuyến cao tốc dài 1.000km chỉ có 300km do tư nhân đầu tư có thu phí, còn 700km thì miễn phí. Như vậy, có xe chạy 700km miễn phí đến 300km thu phí sẽ chuyển sang đi đường quốc lộ miễn phí. Việc này sẽ khiến chủ trương đầu tư xã hội hóa sẽ không hiệu quả, các nhà đầu tư tư nhân sẽ không tham gia làm đường cao tốc nữa.
Mặt khác, việc thu phí đường cao tốc còn có tác dụng điều tiết giao thông với các tuyến đường lân cận, song hành. Nếu đường cao tốc không thu phí thì sẽ mất tính ưu việt của đường cao tốc khi tất cả loại xe đều đi vào đó, khiến tốc độ đi lại rất chậm như từng xảy ra với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Đề xuất thu 1.000 đồng/km đường cao tốc do Nhà nước đầu tư
Theo Bộ Tài chính, đầu tư xây dựng đường cao tốc đòi hỏi lượng vốn rất lớn như đến năm 2020 cần 342.600 tỉ đồng, đến năm 2030 cần hơn 599.000 tỉ đồng, trong khi nguồn lực Nhà nước còn hạn chế.
Hiện suất đầu tư đường cao tốc 4 làn khoảng 130 tỉ đồng/km, còn 6 làn khoảng 190 tỉ đồng/km. Chi phí bảo trì khoảng 830 triệu đồng/km/năm, trong khi nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí cho công tác quản lý, bảo trì hằng năm chỉ đáp ứng 35-40% nhu cầu. Do thiếu vốn nên không bảo dưỡng đường thường xuyên, định kỳ khiến chất lượng đường xuống cấp nhanh chóng.
Hơn nữa, vai trò đường cao tốc rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như góp phần giảm chi phí vận chuyển hàng hóa, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông... nên Bộ Tài chính đề nghị cần huy động mọi nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển đường cao tốc. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết quy định thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo cơ chế giá. Mức thu phí dự kiến là 1.000 đồng/km.
Đi cao tốc có trả phí vẫn lời 1.500 đồng/km
Bộ Tài chính cho biết theo tính toán của Bộ GTVT, trên cơ sở phân tích dữ liệu sử dụng 5 tuyến đường cao tốc hiện hành, kết quả lượng hóa chi phí vận hành và chi phí thời gian của phương tiện cho thấy so với lưu lượng tuyến trên quốc lộ song hành, phương tiện lưu thông trên các tuyến cao tốc được lợi bình quân là 2.518 đồng/km. Nếu phải nộp phí 1.000 đồng/km thì chủ phương tiện vẫn có lợi khoảng 1.500 đồng/km.
Hiện hệ thống đường cao tốc do Nhà nước đầu tư hiện nay có tổng chiều dài 196km. Nếu thực hiện thu phí theo mức 1.000 đồng/km/xe thì dự kiến hằng năm sẽ thu được khoảng 2.142 tỉ đồng. Đây là nguồn vốn quan trọng bổ sung cho việc cải tạo hệ thống đường cao tốc hiện hành cũng như đầu tư xây dựng tuyến cao tốc mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận