Ngày 15-4, UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức họp báo Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư năm 2024.
Tại sao Tập đoàn Đèo Cả “tự tin” hoàn thành cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng?
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online về thuận lợi, khó khăn, đề xuất liên quan tới dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả Nguyễn Quang Vĩnh nhấn mạnh dự án là mong mỏi của chính quyền, Đảng bộ, nhân dân, dự kiến khởi công vào ngày 21-4 tới.
Theo ông Vĩnh, nhà đầu tư tự tin hoàn thành cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng vào năm 2026 vì gặp nhiều thuận lợi.
Đầu tiên là sự ủng hộ của Chính phủ và tỉnh Lạng Sơn. Trước đó, nhà đầu tư được cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ rất nhiều khi thi công cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn giai đoạn 1.
Tiếp theo là nguồn vốn, ngoài cam kết 5.500 tỉ đồng từ Nhà nước (khoảng 50%), nhà đầu tư nhận hỗ trợ từ ngân hàng, lợi nhuận thi công dự án và các nguồn hợp pháp khác.
"Chúng tôi đặt mục tiêu quý 3-2024 sẽ tổ chức thi công đại trà toàn bộ dự án. Đến năm 2025, dự kiến thông toàn tuyến và hoàn thành dự án vào năm 2026”, ông nói.
Tuy vậy, tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả bày tỏ việc giải phóng mặt bằng gặp thách thức khi cao tốc chạy qua 4 huyện, 15 xã, khối lượng công việc, nhân sự lớn, địa hình phức tạp.
Do đó ông đề nghị tỉnh Lạng Sơn hỗ trợ nhà đầu tư giải phóng mặt bằng; đảm bảo an ninh trật tự; bổ sung mỏ vật liệu, đất đắp, cấp phối, có thể tăng công suất khai thác các mỏ để đảm bảo thi công; làm việc với nhà cung ứng vật liệu để có cam kết bình ổn giá…
Được biết, cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng dài khoảng 60km, tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước 5.500 tỉ đồng (chiếm khoảng 50%), còn lại là do nhà đầu tư phụ trách. Đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng được thiết kế với vận tốc tối đa 100km/h, khi hoàn chỉnh có 6 làn xe, rộng 32,25m.
Cao tốc hơn 11.000 tỉ đồng phải đào hầm xuyên núi
Ghi nhận ý kiến, ông Dương Xuân Huyên - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn - đề nghị các địa phương có cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận khi giải phóng mặt bằng.
Bên lề cuộc họp, ông Huyên nói thêm đa phần bà con ở Lạng Sơn là người đồng bào dân tộc thiểu số, khi hiểu ý nghĩa của dự án, việc giải phóng mặt bằng rất nhanh, có nơi người dân tự nguyện hiến đất, đồng thời phối hợp với nhà đầu tư hỗ trợ kinh phí cho bà con bị ảnh hưởng.
Về nguồn vốn, tỉnh đã tính toán nguồn lực, chẳng hạn từ tăng thu giảm chi, vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025.
"Tỉnh sẽ phối hợp đơn vị thi công khảo sát, đánh giá hướng tuyến đi phù hợp, gặp địa hình khó khăn có thể phải đào hầm xuyên núi, giải pháp cụ thể sẽ bàn sau", ông nói.
Khi hoàn thiện, cao tốc hơn 11.000 tỉ đồng sẽ kết nối hành lang phía đông đất nước từ Cao Bằng, Lạng Sơn về Hà Nội, nâng cao thông thương hàng hóa với Trung Quốc, theo ông Huyên.
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Lạng Sơn nói thêm các cao tốc Hà Nội - Chi Lăng, Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng và quốc lộ như 4B sẽ đẩy mạnh kết nối tỉnh với Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Cao Bằng.
Ví dụ, quốc lộ 4B khi hoàn thành rút ngắn 20 phút di chuyển từ Lạng Sơn đi cảng Mũi Chùa, Quảng Ninh, góp phần tăng năng lực thông thương hàng hóa khu vực biên giới giáp Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận