09/06/2006 05:07 GMT+7

"Cao bồi" nhí trên thảo nguyên

VŨ BÌNH - LÊ TRƯỜNG
VŨ BÌNH - LÊ TRƯỜNG

TT - Tuổi chỉ mới lên chín, lên mười nhưng những “cao bồi” nhí đã trở thành những trụ cột “ra riêng” để chăn đàn gia súc cả trăm con giúp cha mẹ. Và cũng có những “cao bồi tồ” quyết đi tìm cái chữ ở tuổi đôi mươi.

Uq0USySN.jpgPhóng to

Những đứa trẻ đã có thể "ra riêng" để quản lý đàn gia súc giúp gia đình. Ảnh: VŨ BÌNH

Kỳ 1: Về miền gió cát Kỳ 2: Bếp lửa đêm giữa hoang mạc Kỳ 3: Những nữ “Digan” của hoang mạc

Trụ cột từ thuở lên mười

Xuôi theo thảo nguyên, chúng tôi gặp khá nhiều “cao bồi” nhí chăn dắt gia súc. Theo cha mẹ đi khắp nơi có thể từ khi mới lọt lòng nên các cô bé, cậu bé mới 8, 9 tuổi đã có thể một mình tự “quản lý” riêng một đàn gia súc phụ gia đình một cách thuần thục.

Mai Thi, cậu bé Raglai 11 tuổi, tự hào chỉ đàn cừu của mình: “Một mình con chăn riêng đàn cừu 70 con. Mỗi năm được chủ cho 2,5 triệu đồng. Cha mẹ chăn riêng đàn bò hơn 100 con ở bên kia sườn núi. Có việc gì cần thì gọi nhau bằng tiếng kèn”. Đàn cừu tản mác mỗi con một nơi, vậy mà chỉ trong vài phút “biểu diễn” giở gậy, hô hê, Mai Thi đã qui tụ chúng lại thành bầy.

Mai Thi còn có một người anh trai hơn mình hai tuổi cũng chăn riêng một đàn hơn 80 con cừu gần đó. Mỗi sáng họ được mẹ chuẩn bị cho một lon cơm bỏ vào bị đeo sau lưng cùng bình toong nước. Trưa thì ngồi nghỉ dưới bóng cây bên con suối cùng đàn gia súc. Khi chiều bắt đầu nhạt nắng, các thành viên gia đình lại lục tục đưa đàn gia súc về lại trại và quây quần bên nhau trong mái chòi dã chiến.

Tôi khen Mai Thi giỏi, cậu xua tay lắc đầu: “Chăn như vầy mà ăn nhằm gì, thằng Pinăng Tài nhỏ hơn con một tuổi mà đã biết đi chăn bò cách đây ba năm. Bây giờ nó chăn được cả trăm con”. Anh em Mai Thi từ khi ra chăn riêng cũng đã góp sức giúp cha mẹ trả được món nợ 5 triệu đồng tiền vốn lẫn lời kéo dài mấy năm từ khi còn ở làng chưa vào trong núi.

Nhọc nhằn tìm chữ

RbVcttkz.jpgPhóng to

Một lớp học dành cho con em gia đình du mục ở Ninh Thuận. Ảnh: KIM HOÀN

Trưa tháng sáu, nắng như trút lửa xuống cánh đồng khô hạn ở Phước Nam, Ninh Phước. Đang lầm lũi đi, tôi chợt nghe tiếng đọc bài không phải ê a, giọng ồ ề. Ngồi bệt trên nền đất giữa nắng trưa, ba thanh niên người Chăm da đen nhẻm, tóc vàng hoe vì cháy nắng đang chăm chỉ tập đánh vần từng chữ theo sách chương trình tiếng Việt lớp 1.

Chừng như đoán được sự ngạc nhiên của khách lạ, Kiều Tuệ - 25 tuổi, một “cao bồi tồ” - giải thích: “Em đi chăn bò từ nhỏ nên không được học chữ, giờ có hai con rồi, thấy chúng cũng thất học như mình nên mặc cảm lắm, học để mà biết dạy lại cho chúng!”. Tuệ cũng như bao thanh thiếu niên khác ở đồng cỏ đang cố học để xóa đi mặc cảm dốt nát mà người ta hay chê bai dân du mục.

Tuệ quyết rủ bốn bạn cùng trang lứa như mình là Đổng Hùng, Đổng Hằng, Hồ Như Thả và Thông đến nhà cô giáo Kiều Loan - giáo viên tiểu học ở thôn Nho Lâm - “xin chữ”. Hơn một tháng qua, cứ trời sẩm tối là bốn anh chàng lục tục kéo nhau đi học. Cô giáo Kiều Loan xúc động nói về lớp học với năm học trò “mục đồng tồ” của mình: “Siêng lắm, nếu đi chăn bò ở xa trong núi, mấy bạn cũng đến xin ghi cho mấy chữ đem vào núi học. Tôi thấy hoàn cảnh khó quá nên giúp luôn chuyện tập sách, bút mực”.

Ngay phía sau những trang trại và chòi canh dưới chân núi Chà Vum có một lớp học bằng ván, bàn ghế cũng được kê bằng gỗ tạm bợ được mở ra cho những “cao bồi” nhí. Giáo viên là anh Nguyễn Văn Thái - thầy giáo tiểu học người Kinh ở Ninh Sơn - tình nguyện vào tận đây dạy đọc, dạy viết cho các em. “Lớp học du mục” này có gần 20 học viên từ 7 - 13 tuổi.

Hằng đêm, thầy trò cặm cụi gieo chữ cho nhau dưới ánh đèn bình lờ mờ. Ngồi trước mặt chúng tôi là em Đạo Văn Hải, 13 tuổi ở Nhơn Đức, Ninh Sơn. Ban ngày cùng cha chăn đàn cừu 150 con, nhưng cứ tối đến lại đi bộ từ núi ra lớp học, Hải nói ước mơ của cậu là sau này cũng sẽ được làm thầy giáo để tiếp tục dạy chữ cho những đứa trẻ du mục như mình.

Học trò có em ở tận những lều xa cả hai, ba cây số nhưng vẫn đi bộ vượt qua những động cát để đến lớp. Thầy Thái nhận xét: “Suốt ngày nhọc nhằn mưu sinh cùng gia đình, nhưng các em học rất chăm. Nhiều em đã ý thức việc học và tâm sự với tôi rằng muốn học cho thật giỏi để sau này có điều kiện về làng học tiếp lên cao. Rồi lớn lên kiếm một công việc ổn định để lo lắng cho cha mẹ và tự nuôi sống bản thân mình, không phải sống mãi nơi đồi núi”.

stg10FFO.jpgPhóng to

Vừa chăn bò vừa học chữ trên cánh đồng Phước Nam - Ảnh: LÊ TRƯỜNG

Ở Ninh Thuận, ngay ở những vùng khắc nghiệt nhất như Lợi Hải, Núi Đình, Thuận Bắc, Phước Lập, Chà Bang, Chà Vum…, các trường tiểu học và THCS đều được mở khắp nơi để tạo điều kiện cho trẻ em đến trường. Nhưng do đặc thù đời sống du mục hay di chuyển khắp nơi, các em khó có thể theo học liên tục được. Cũng có những gia đình gửi con em ở lại làng đi học, nhưng số có thể đeo bám đến nơi đến chốn không nhiều.

---------------------

Có bao nhiêu gia đình chăn gia súc thuê vượt lên số phận để trở thành ông chủ? Câu trả lời chỉ là ước mơ của nhiều đời người gắn bó với cuộc sống du mục, còn nếu là hiện thực thì chỉ được đôi ba người. Gầy dựng riêng cho mình một đàn gia súc, với đời du mục, là đã bước qua được định mệnh.

Kỳ tới:Giấc mơ ngày mai

VŨ BÌNH - LÊ TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên