01/06/2009 03:05 GMT+7

Cảnh sát giao thông mặc thường phục: Làm sao biết đang thi hành công vụ?

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO
Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO

TT - Cảnh sát giao thông (CSGT) mặc thường phục khi thi hành công vụ tiếp tục là đề tài bàn tán và gây thắc mắc cho người dân. Xin giới thiệu ý kiến dưới đây của một luật sư.

IGyaKDb1.jpgPhóng to
Hình ảnh CSGT với sắc phục nghiêm chỉnh nhắc nhở người đi đường chấp hành Luật giao thông. Trong ảnh: CSGT chào người vi phạm giao thông trước khi hỏi giấy tờ (ảnh chụp chiều 31-5 trên đường Bạch Đằng, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: N.C.T.

CSGT được mặc thường phục trong khi làm nhiệm vụ“Cảnh sát giao thông mặc thường phục” quyền hạn đến đâu?Cảnh sát giao thông mặc thường phục: Nhiều câu hỏi đặt ra

Theo pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, việc xử lý vi phạm hành chính phải do người có thẩm quyền tiến hành theo đúng quy định của pháp luật. Căn cứ vào đó pháp lệnh mới dành quyền cho chiến sĩ công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền xử lý người vi phạm trong phạm vi quy định.

Vậy khi CSGT mặc thường phục thì làm sao người dân biết được đó là người đang thi hành công vụ? Chẳng phải vô cớ mà nhiều ngành đã quy định về sắc phục của cán bộ thuộc ngành. Sắc phục của ngành tạo thuận lợi cho chính hoạt động của ngành, giúp người dân dễ dàng phân biệt người đang thực hiện nhiệm vụ được phân công với người bình thường để có nghĩa vụ chấp hành, hợp tác. Nói thế để thấy rằng việc để CSGT mặc thường phục tham gia xử lý người vi phạm giao thông bằng việc “trực tiếp ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi vi phạm, yêu cầu người vi phạm về trụ sở công an để giải quyết” dễ làm phát sinh nhiều bất ổn.

1. Nếu vì ngại kẻ gian lợi dụng tình trạng “tranh tối tranh sáng” nêu trên để cướp tài sản, người dân không dừng xe và tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm thì điều gì xảy ra? Trong trường hợp này có thể cho rằng đương sự đã không chấp hành mệnh lệnh của người có thẩm quyền để phạt nặng hơn hay không và nếu có thì đâu là căn cứ?

2. Nếu người dân đồng ý dừng xe thì quy trình xử lý tiếp theo sẽ như thế nào để đảm bảo việc xử lý vi phạm đúng pháp luật? Trả lời báo Pháp Luật TP.HCM ngày 30-5, đại tá Vũ Đỗ Anh Dũng (cục phó Cục CSGT đường bộ - đường sắt Bộ Công an) cho biết CSGT mặc thường phục chỉ được phát hiện vi phạm rồi phối hợp với lực lượng CSGT công khai kiểm tra và xử lý. Điều này có nghĩa là CSGT mặc thường phục không có quyền lập biên bản vi phạm hành chính và tất nhiên là không được quyền ra quyết định xử phạt, mà phải cố gắng “neo” người vi phạm để chờ đồng đội đến xử lý. Nếu vậy làm sao đảm bảo được sự kịp thời - một nguyên tắc của việc xử lý vi phạm hành chính? Do việc ngăn chặn, đình chỉ với việc xử phạt đều là các công đoạn liên tục của việc xử lý nên nếu việc xử phạt được thực hiện không đúng quy định, người dân phải khiếu nại CSGT mặc thường phục hay người xử phạt?

Trường hợp người ra lệnh dừng xe không phải là cảnh sát thật mà là kẻ gian, nhưng vì không biết mà người dân răm rắp thực hiện và chính vì thế đã gặp phải các sự cố về tài sản, sức khỏe, tính mạng thì sao? Trường hợp này người bị thiệt hại có thể yêu cầu lực lượng CSGT phải liên đới chịu trách nhiệm không?

Trên thực tế, có không ít người chỉ “chịu khó” điều khiển xe đúng luật khi thấy bóng CSGT. Chính vì thế việc tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cần phải được làm thường xuyên bên cạnh việc đẩy mạnh các biện pháp xử phạt. Thế nhưng việc xử lý người vi phạm luôn phải đảm bảo được tính công khai, minh bạch, công bằng và nhất là phải đúng pháp luật. Tiếc rằng khi giải thích về việc ra đời của lực lượng CSGT mặc thường phục trên báo Pháp Luật TP.HCM, đại tá Đỗ Anh Dũng chưa đưa ra được những lý do thuyết phục.

Cụ thể, ông cho rằng có nhiều vụ việc các đối tượng vi phạm đã chống trả hoặc bỏ chạy khi bị kiểm tra, hoặc có những trường hợp sử dụng biển số giả để hoạt động tội phạm nên cần phải kết hợp cả hai hình thức công khai với hóa trang (mặc thường phục). Những lý do này, theo tôi, có vẻ như chẳng ăn nhập gì với sự xuất hiện của CSGT mặc thường phục và e rằng chỉ làm rối thêm sự việc bởi tính mù mờ của nó.

Những tình huống phải đặt ra

* Sẽ như thế nào khi một người dân bình thường điều khiển xe trên đoạn đường vắng vào ban đêm mà có người mặc thường phục ra hiệu dừng xe? Đặt trường hợp người mặc thường phục này không phải CSGT mà là kẻ xấu giả danh CSGT thì sao? Sau khi dừng xe người đi đường, CSGT mặc thường phục trình thẻ công an nhưng làm sao người dân phân biệt được đâu là thẻ thật, đâu là thẻ giả? Tôi đặt ra những câu hỏi này là vì nước ta đã có kẻ xấu giả danh công an để cướp nhiều rồi đấy.

* CSGT mặc thường phục dừng xe người dân, nếu người dân sợ đấy là cướp, họ không chấp hành hay chống cự thì có bị ghép vào tội chống người thi hành công vụ không? Hoặc giả sử khi CSGT mặc thường phục bị hành hung thì người dân biết ai là ai để trợ giúp cảnh sát?

* Trước khi ban hành quy định cho phép CSGT mặc thường phục, không biết Bộ Công an đã lường hết mọi tình huống xấu chưa? Chẳng hạn như khi CSGT mặc thường phục chặn xe người vi phạm và người này nghĩ là kẻ gian cướp xe nên tấn công CSGT thì sao?

Ngăn ngừa hay để vi phạm rồi phạt?

* Sắc phục của CSGT thể hiện quyền lực của lực lượng này. Một vài nước trên thế giới người ta còn làm hình nhân cảnh sát đặt theo các tuyến đường để nhắc nhở người đi đường nên thi hành đúng luật lệ. Còn ở ta bây giờ tại sao CSGT phải ngụy trang bằng cách mặc thường phục để rình bắt người vi phạm luật lệ giao thông?

* Vấn đề đặt ra là chúng ta muốn ngăn ngừa hành vi vi phạm luật lệ giao thông hay muốn để hành vi ấy xảy ra rồi phạt? Tôi thấy bấy lâu nay CSGT của ta thường hay núp vào chỗ nào khó thấy nhất, bất ngờ nhất để thổi phạt. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới còn làm giả CSGT đặt trên đường để các lái xe thấy mà chạy xe nghiêm chỉnh. Theo tôi, việc CSGT cố ý trốn, núp, mặc thường phục để lái xe vi phạm rồi mới phạt là không mang ý nghĩa tích cực.

* Hiện nay, tình hình trật tự, an ninh, an toàn xã hội còn nhiều phức tạp, trộm cướp giả danh ngày càng nhiều và giao thông trên đường rất lộn xộn. Vì vậy đường phố rất cần bóng dáng CSGT mặc sắc phục. Thực tế cho thấy những nơi, những thời điểm cần CSGT thì ít khi gặp, còn những chỗ vắng vẻ, những chỗ khuất tất rất dễ “bất chợt” hiện ra CSGT để thổi phạt... Nay lại quy định cho CSGT mặc thường phục khác nào chúng ta không muốn ngăn ngừa hành vi vi phạm mà chỉ chờ người ta vi phạm rồi mới xử lý.

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên