18/07/2017 13:43 GMT+7

Cảnh sát giao thông cần giấy đăng ký xe bản gốc để làm gì?

TÂM LỤA thực hiện
TÂM LỤA thực hiện

TTO - Quy định kiểu cảnh sát giao thông xử phạt tài xế vì thiếu giấy đăng ký xe bản gốc thực sự chỉ làm khó dân. Để tránh các quy định đầy "sạn" kiểu này cần phải chế tài mạnh người ban hành.

TS Lê Hồng Sơn - Ảnh: T.L.
TS Lê Hồng Sơn - Ảnh: T.L.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Tiến sĩ LÊ HỒNG SƠN - nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp - khẳng định như vậy và cho rằng “quy định này cũng giống như quy định đi xe không chính chủ bị phạt trước đây”.

CSGT cần giấy chứng nhận bản gốc để làm gì!

* Ông đánh giá thế nào về tính cần thiết để buộc người tham gia giao thông phải mang theo giấy đăng ký xe bản gốc?

- Tôi thấy đó là quy định được đặt ra để xử phạt một cách máy móc. Người dân đang lưu thông trên đường, không hiểu CSGT cần giấy chứng nhận đăng ký bản gốc để làm gì?

Trước đây, trong rất nhiều cuộc họp với các bộ ngành về việc xử phạt xe chính chủ, tôi đã nhấn mạnh người điều khiển phương tiện giao thông chỉ cần mang theo giấy phép lái xe. Với ôtô cần thêm giấy kiểm định...

Khi nào cần chứng minh quyền sở hữu mới yêu cầu xuất trình giấy đăng ký xe. Còn xử phạt người dân khi họ chỉ có bản photo chứng thực đăng ký xe mà không có bản gốc, theo tôi là làm khó dân...

* Bộ luật dân sự đã quy định bên nhận thế chấp được giữ giấy tờ tài sản thế chấp. Hướng dẫn mới của Bộ Công an là gây chồng chéo?

- Nhiều ý kiến biện minh rằng việc kiểm tra bản đăng ký xe sẽ phát hiện trộm cắp, tiêu cực... Tôi nghĩ đó là chuyện của công an chứ không phải vì thế mà bắt người dân phải xuất trình giấy tờ chứng minh quyền sở hữu xe, nếu không sẽ phạt.

Thời gian qua nhiều người mua ôtô trả góp đều bị ngân hàng giữ bản chính đăng ký xe. Nên theo tôi, khi ban hành công văn hướng dẫn, Bộ Công an đã không tính đến yếu tố khả thi của quy định, và thực tế nó đã bị chồng chéo với quy định khác.

Về nguyên tắc, nếu công văn của bộ ngành đặt ra trái luật, quy định đó phải bị hủy bỏ.

Còn nhiều quy định “cài cắm”

* Nhiều năm làm cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật chuyên “nhặt sạn” các quy định, ông lý giải đâu là nguyên nhân của các quy định thiếu thực tế?

- Việc tham gia soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật đòi hỏi người thực hiện phải có tư duy sắc sảo, có tính phản biện cao.

Tiếc rằng hiện nay trình độ một bộ phận cán bộ của các ngành còn “non”. Nhiều văn bản được ban hành sai cả về thể thức lẫn nội dung. Điều này có thể khiến bộ máy hành chính ì ạch, quan liêu, không hiệu quả.

Bên cạnh đó cũng có những đơn vị cố tình lồng ghép các quy định gây bất lợi cho người thực hiện nhưng lại thuận tiện cho mình.

Thậm chí, có những văn bản còn có dấu hiệu của lợi ích nhóm, được cài cắm rất tinh vi.

Nhiều văn bản như vậy ngay khi chúng tôi đang trong quá trình “nhặt sạn”, dư luận đã phát hiện và có phản ứng.

Nhưng có bộ ngành vẫn không tiếp thu, khi bị “tuýt còi” còn đến gặp trực tiếp bộ trưởng Bộ Tư pháp để “xin” hoặc phản ứng lại.

* Ông từng đề cập rất nhiều đến những văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu của lợi ích nhóm?

- Đúng vậy! Thực tế có không ít quy định mang tính hạn chế, cấm đoán như ngực lép cấm lái xe...

Nguy hiểm hơn nữa là các văn bản mà đọc vào người ta thấy ngay thể hiện lợi ích nhóm như đề nghị “uống bia tỉnh ta, ximăng tỉnh ta, thép tỉnh ta”...

Những quy định trên có thể khiến người dân quay lưng với các biện pháp quản lý của Nhà nước.

Có những quy định nếu thực hiện sẽ “bức tử” hàng trăm doanh nghiệp, hàng ngàn lao động sẽ mất việc làm, vi phạm các bộ luật. Ban hành văn bản như thế là lợi bất cập hại! 

Cảnh sát giao thông kiểm tra giấy tờ xe của người tham gia giao thông trên quốc lộ 1 - Ảnh: Duy Thanh
Cảnh sát giao thông kiểm tra giấy tờ xe của người tham gia giao thông trên quốc lộ 1 - Ảnh: Duy Thanh

 

Xử lý trách nhiệm để hạn chế

* Theo ông, cách nào hiệu quả nhất để chấm dứt tình trạng ra văn bản sai, quy định chỏi nhau gây khó khăn, thiệt hại cho người dân?

- Tôi thấy cần phải quy định biện pháp xử lý cụ thể đối với các cá nhân, tổ chức ban hành văn bản sai trái.

Ví dụ như Bộ luật hình sự 2015 có sai sót nghiêm trọng phải lùi hiệu lực thi hành, người ta đổ lỗi cho việc thời gian làm luật cập rập.

Nhưng quá trình trực tiếp phục vụ và theo dõi nhiều kỳ họp Quốc hội, tôi thấy có vấn đề chưa được đại biểu Quốc hội bàn thảo, góp ý đến cùng.

Mỗi vấn đề lớn đưa ra chỉ có khoảng 30 đại biểu có ý kiến phản biện, góp ý.

Bên cạnh đó là cách làm việc chưa hết trách nhiệm của cơ quan soạn thảo.

Sai sót nghiêm trọng như Bộ luật hình sự, gây tốn kém lãng phí, gây bất bình trong nhân dân nhưng không ai bị xử lý? Nếu không ai bị kỷ luật thì vẫn còn những sai sót tiếp theo.

Tôi mong rằng những người ban hành văn bản sai trái phải bị xử lý nghiêm minh, bởi mỗi văn bản sai trái gây ra những hậu quả không nhỏ.

Cũng cần có quy định cơ quan nhà nước phải bồi thường, trả lại cho người dân những gì mà họ phải chịu khi bị xử phạt theo những văn bản ấy.

Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư TP Hà Nội):

Ngồi lại gỡ khó cho dân

Trong vụ phạt người không có bản chính giấy tờ xe do đã cầm cố, ngành ngân hàng và công an đều có lý khi cho rằng họ phải giữ, hoặc yêu cầu xuất trình bản chính giấy đăng ký xe.

Theo tôi, đừng nên tranh cãi mà các ngành phải cùng ngồi lại tìm giải pháp để tháo gỡ cho dân. Cái sai ở đây có nguồn gốc sâu xa là luật của chúng ta không rõ.

Ngành nào cũng có quyền ban hành quy định mà không quan tâm quy định đó có chồng chéo với quy định của ngành khác.

Một trong những hướng xử lý khác là ngân hàng có thể không cần giữ bản gốc giấy đăng ký xe mà quản lý tài sản thế chấp bằng hệ thống điện tử liên kết với các ngành khác.

Nếu ngân hàng chưa xóa đăng ký thế chấp thì chủ phương tiện dù có giữ đăng ký xe cũng không thể chuyển nhượng được...

TÂM LỤA thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên