Một vụ cháy lớn ở Củ Chi, TP.HCM - Ảnh: T.L.
Nhiều địa phương đang vào cao điểm nắng nóng, chỉ cần một hành vi bất cẩn cũng có thể biến thành "mồi cho bà hỏa", đặc biệt trên địa bàn TP vẫn còn nhiều khu vực dân cư xập xệ, có nguy cơ cao cháy nổ, nhà cửa xây dựng, cải tạo thường bỏ qua nguyên tắc an toàn phòng cháy...
Nhà cửa san sát, hỏa hoạn chực chờ
Hơn một tuần trôi qua, vụ cháy xảy ra tại hẻm 45 Cao Lỗ (quận 8) vào ngày 25-3 vẫn khiến nhiều người dân khu vực ám ảnh. Chia sẻ với chúng tôi về đêm xảy ra vụ cháy, chị Đ.T.N. nhớ lại vào khoảng 3h sáng, người dân nghe thấy tiếng kêu cứu thì chạy đến.
Ngôi nhà bị chập điện cháy ngay lối ra duy nhất nên bên trong chỉ biết kêu cứu. Hàng xóm xúm lại đập cửa rất lâu nhưng không tiếp cận được. Đến khi lấy nước dập được lửa thì quá muộn, 3 người đã mất.
Căn nhà xảy ra vụ cháy nằm sâu trong con hẻm chỉ rộng hơn 1m nên xe cứu hỏa không thể tiếp cận, công tác kéo dây và ống nước cũng rất mất thời gian. Trước đó, vài người dân xách nước dập lửa nhưng do cháy vào lúc đêm khuya nên việc ứng cứu cũng hạn chế.
Chị N. thừa nhận chính nhà chị cũng từng xảy ra vụ chập điện cháy giữa đêm nhưng may mắn là được phát hiện kịp thời, khống chế sớm nên chưa xảy ra hậu quả đáng tiếc. "Hẻm nhỏ, xe cứu hỏa không vào được. Nếu cháy lớn chỉ còn biết cầu trời chứ không biết làm thế nào. Cháy giữa đêm mà kêu cứu trong nhà cũng ít người nghe", chị N. nói.
Điều đáng lo ngại là tại TP.HCM có vô số con hẻm nhỏ với dân cư đông đúc. Khi xảy ra hỏa hoạn, những con hẻm trở thành khu vực mà xe cứu hỏa rất khó tiếp cận. Hẻm nhỏ đã đành, các lối đi còn bị lấn chiếm bởi các hàng quán hoặc chợ tự phát càng gây khó khăn trong công tác phòng cháy chữa cháy.
Khu vực Mả Lạng ngay trung tâm quận 1 là điển hình. Nơi đây dày đặc ngõ ngách ngoằn ngoèo như mê cung, tập trung hàng trăm căn nhà san sát nhau khiến việc di chuyển bằng xe máy cũng không mấy dễ dàng.
Bà Năm (người dân sống ở khu vực Mả Lạng) cho biết những ngày qua khi nghe thông tin thành phố liên tục xảy ra các vụ cháy, gia đình bà cũng không khỏi lo lắng. Căn nhà chỉ rộng khoảng 2m ngang của bà Năm nằm sâu trong một con hẻm nhưng có đến hàng chục người sinh sống.
"Nhà ai cũng nhỏ nên không có chỗ để xe, phải để ngoài hẻm nên con hẻm càng nhỏ hơn. Hai người đi ngang còn đụng nhau. Chỗ này mà cháy thì chỉ có chịu chết chứ lối đâu mà chạy", bà Năm nói.
Hiện trường đám cháy xuất phát từ nhà dân trong hẻm trên đường Nguyễn Thái Học, P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM, ngày 31-3 -Ảnh: PHI BẰNG
Hơn 70% vụ cháy do chập điện
Trao đổi với Tuổi Trẻ, thượng tá Nguyễn Mạnh Trưởng - phó trưởng Phòng cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn (Công an TP.HCM) - cho biết trong năm 2020 trên địa bàn xảy ra 537 vụ cháy nổ tai nạn sự cố, làm 12 người chết, 27 người bị thương, thiệt hại hơn 40.000m2 nhà, nhà xưởng. Các đám cháy tập trung chủ yếu ở nhà dân, nhất là các nhà kết hợp kinh doanh dịch vụ (chiếm hơn 40%). Có 11/12 nạn nhân tử vong thuộc các đám cháy tại nhà dân.
Qua kết luận điều tra cho thấy hơn 70% nguyên nhân cháy do sự cố từ thiết bị điện trong nhà. Không chỉ sự cố từ hệ thống điện sinh hoạt mà còn xuất phát từ hệ thống điện của các xe máy bị chập cháy rồi lan vào xăng dầu gây cháy nhà.
Trong cao điểm nắng nóng, người dân có nhu cầu sử dụng nhiều thiết bị lạnh dẫn tới quá tải chập mạch. Việc đấu nối thiết bị điện nhưng không cải thiện hệ thống điện cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ra cháy nổ.
"Người dân cần hết sức cảnh giác, kiểm soát chặt chẽ, gắn các thiết bị chống quá tải chập mạch. Việc cải tạo nhà cửa cũng phải chú ý việc hàn xì, khoan cắt, phải có người trông coi, không giao khoán cho nhân viên thi công làm mà không có người giám sát. Đồng thời tạo khoảng trống phía dưới, đảm bảo không có chất cháy để không gây cháy lan", ông Trưởng cảnh báo.
Cũng theo ông Trưởng, TP.HCM có rất nhiều khu dân cư xập xệ xuống cấp, hẻm sâu, ngoằn ngoèo khó tiếp cận và thiếu trụ chữa cháy. Đặc biệt, nhà cửa tại các khu vực này thường san sát, cơi nới tạm bợ nên chỉ cần một nhà cháy thì lập tức cả một dãy nhà, một con hẻm bị thiêu rụi.
"Thường dưới đất còn lối đi chứ trên không lại bít bùng không lối thoát. Người dân không nên vì cơi nới thêm, tận dụng một chút không gian mà làm tăng nguy cơ cháy nổ", ông Trưởng cho biết thêm.
Ngoài ra, việc đốt cỏ mùa nắng nóng cũng là vấn nạn lớn gây ra các vụ cháy lan. Trong thời gian gần đây đã có 300 vụ cháy do đốt cỏ rác, lực lượng PCCC và cứu nạn cứu hộ phải rất vất vả để xử lý, có những ngày có hơn chục vụ cháy cỏ rác.
Điển hình là vụ cháy dãy nhà kho của Công ty Bến bãi miền Nam ở phường Tân Thới Hòa (quận 12) với diện tích trên 350m2 chứa trang thiết bị nội thất... Tài sản kho hàng lên đến 4 tỉ đồng trong tích tắc bị thiêu rụi bởi ngọn lửa trong đêm do người dân đốt cỏ cháy lan vào kho.
Đồ họa: TUẤN ANH
Kiểm tra nguồn nhiệt trước khi... ngủ
Theo đại tá Huỳnh Quang Tâm, trưởng Phòng cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn Công an TP.HCM, đặc điểm chung các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng về người thường xảy ra đêm khuya hoặc rạng sáng, khi người dân đang say giấc.
Do đó, trước khi đi ngủ, người dân cần dành 1 phút kiểm tra kỹ nguồn lửa, nhiệt như: nhang đèn, hệ thống điện, khu vực bếp, xe máy... Không để xe máy, ôtô trong nhà gần lối ra vào hoặc chắn hết lối đi, khi xảy ra cháy sẽ không có lối thoát hiểm. Lực lượng chức năng khuyến khích mỗi hộ gia đình trang bị một bình chữa cháy và các dụng cụ phá dỡ khi xảy ra cháy.
Đặc biệt, khi xảy ra cháy đêm khuya hoặc rạng sáng, người dân sẽ khó tìm lối thoát và hô hoán cứu, chưa kể những căn nhà xây dựng bít bùng, không cửa sổ, lối thoát thì rất nguy hiểm khi xảy ra cháy.
"Khi cháy, lượng khí độc CO lan tỏa rất nhanh, nhất là các căn nhà xây dựng bít bùng thì lượng khí độc này sẽ tích tụ nhanh hơn. Cơ thể người chỉ cần hấp thụ hàm lượng khí CO 0,05% là có thể bị ngạt", đại tá Tâm chia sẻ.
Vì vậy, ông Tâm khuyến khích các hộ gia đình lắp đặt hệ thống cảnh báo nhiệt, khói trong nhà. Vì khi người dân ngủ say, các thiết bị cảnh báo cháy phát ra tiếng chuông lớn sẽ có nhiệm vụ đánh thức người dân.
Trường hợp cháy khi lối cửa chính đã bị lửa, khói bao trùm hoặc có vật cản trở thì hãy nhanh chóng tìm và mở lối thoát khác bằng đường bancông, cửa sổ sang nhà bên cạnh hoặc thoát xuống mặt đất bằng thang, thang dây... hoặc trổ lối thoát lên mái nhà, tuyệt đối không núp trong phòng, nhà vệ sinh...
Trường hợp không còn lối thoát nào khác hãy dùng chăn thấm ướt, trùm kín người, cố gắng thoát qua đám cháy một cách nhanh nhất có thể. "Đối với những căn nhà xây dựng bít bùng mà khi cháy có các vật cản lối ra vào duy nhất như cửa chính thì nên trang bị trong nhà các dụng cụ phá dỡ như búa tạ, khoan, máy đục để khi cháy có thể phá tường, mái tôn... thoát ra ngoài", ông Tâm nói thêm.
Trả lời về việc các tình huống diễn tập PCCC và cứu nạn cứu hộ thường diễn ra tại các tòa nhà văn phòng, nhưng chưa chú trọng tại các khu dân cư, ông Trưởng cho biết theo quy định, trách nhiệm diễn tập tại các khu dân cư thuộc về phường, xã, thị trấn. Mỗi khu dân cư mỗi năm phải thực hiện một lần diễn tập.
"Chúng tôi đã tuyên truyền rất nhiều nhưng việc tổ chức vẫn còn bị bỏ ngỏ. Lãnh đạo phường, xã, thị trấn phải tổ chức đầy đủ và người dân hãy bỏ ra một chút thời gian tham gia, nắm các kỹ năng xử lý tình huống để bảo vệ mình và người thân khi có sự cố", ông Trưởng chia sẻ.
Hệ thống báo cháy được người dân lắp đặt tại nhà - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Quy chuẩn PCCC "bỏ quên" nhà riêng lẻ
Theo các chuyên gia về cấp phép xây dựng, một nghịch lý hiện nay là không có quy định nào yêu cầu về an toàn cháy nổ khi cấp phép xây dựng mới hoặc cải tạo nhà ở riêng lẻ. Các đơn vị cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ chỉ quản lý những tiêu chuẩn về mật độ xây dựng, diện tích, số tầng, chiều cao, khoảng lùi, chỉ giới xây dựng, chỉ giới đường đỏ, độ vươn của bancông... Những chi tiết trong nhà như cửa sổ, ô thông khí, giếng trời... hoàn toàn do chủ nhà tự quyết định nếu không ảnh hưởng đến nhà hàng xóm.
Một cán bộ phụ trách cấp phép xây dựng cho biết quy định của pháp luật hiện hành không có tiêu chuẩn về an toàn PCCC cho nhà ở riêng lẻ trong khu dân cư hiện hữu, kể cả với các trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà.
Pháp luật không quy định nên cơ quan cấp phép không xem xét. Riêng với nhà ở riêng lẻ xây dựng trong các dự án nhà ở, các điều kiện, quy chuẩn về PCCC đã được phê duyệt trong quá trình duyệt quy hoạch 1/500 hoặc thiết kế cơ sở.
"Với những khu vực có thiết kế đô thị, tiêu chuẩn về an toàn cho PCCC cho tuyến đường, khu vực cũng sẽ được duyệt trong thiết kế chung. Không có yêu cầu và tiêu chuẩn nào về PCCC để áp dụng riêng cho từng nhà ở riêng lẻ. Vì vậy, việc phòng cháy ở các khu dân cư cũ trong đô thị thường được giao cho lực lượng PCCC tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn người dân" - một cán bộ phụ trách cấp phép xây dựng nói.
Thượng tá Nguyễn Mạnh Trưởng cũng cảnh báo việc người dân đề phòng "đạo chích" mà bỏ qua "bà hỏa".
"Việc làm các lồng sắt, lan can kín có thể giúp đề phòng trộm cắp, an toàn cho trẻ nhỏ nhưng lại gây khó khăn cho công tác chữa cháy và cứu hộ. Khi tiếp cận đám cháy, lực lượng PCCC và cứu nạn cứu hộ phải phá các công trình này, dẫn tới làm chậm trễ thời gian cứu người", ông Trưởng cho biết.
Lực lượng chức năng phong tỏa, khám nghiệm hiện trường vụ cháy rạng sáng 30-3 làm chết 6 người ở phường Cát Lái, TP Thủ Đức - Ảnh: MINH HÒA
Báo cháy định vị trên điện thoại di động
Help 114 là ứng dụng báo tin sự cố cháy nổ và cứu hộ cứu nạn được Phòng cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (PC07) Công an TP.HCM đưa vào hoạt động cuối năm 2020, giúp định vị được cuộc gọi nên tăng cường hiệu quả trong việc triển khai chữa cháy.
Người dân sinh sống và làm việc tại TP.HCM có thể dễ dàng vào ứng dụng Stores trên điện thoại iPhone và CH Play trên điện thoại sử dụng hệ điều hành Android để tìm ứng dụng bằng tên "Help 114", tải và cài đặt. Theo PC07, khi người dân bấm vào nút 114, vị trí của người bấm sẽ hiển thị ngay trên bản đồ với cả kinh độ, vĩ độ và lực lượng xác định được các trụ nước, đơn vị cấp cứu, công an... trong phạm vi bán kính 5km, 10km, 30km.
Đến nay, đơn vị đã đưa vào ứng dụng trên 7.800 trụ nước ở TP.HCM để khi lực lượng cứu hỏa có mặt sẽ dễ dàng lấy nước chữa cháy. Khi nhận được thông tin người dân báo cháy, lực lượng sẽ phát tới tất cả người dân dùng ứng dụng để có thể phòng tránh hoặc đến hỗ trợ.
Hỗ trợ cải tạo hệ thống điện cho hộ khó khăn
Hằng năm Tổng công ty Điện lực TP.HCM vẫn thực hiện việc khảo sát và tư vấn sử dụng điện an toàn tại các khu vực có nguy cơ cháy nổ cao. Từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã khảo sát và tư vấn được gần 10.000 hộ và hỗ trợ cải tạo hệ thống điện cho một số hộ khó khăn trong số này.
Theo đánh giá của đơn vị này, trong mùa nắng nóng, người dân có xu hướng sử dụng nhiều các thiết bị làm mát công suất cao, dẫn đến quá tải, kèm theo đó là thời gian sử dụng kéo dài khiến dây dẫn bị nóng quá mức, nguy cơ gây ra chập, cháy. Do đó, đơn vị này khuyến cáo người dân cần thay đổi thói quen sử dụng điện không an toàn để đảm bảo an toàn cháy nổ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận