![]() |
Vũ Văn Tuấn, HS lớp 8B Trường THCS Yên Trung, đang viết chữ nổi |
Người mẹ bệnh tật đang gánh trên đôi vai gầy guộc năm sào ruộng khoán và nghề ve chai. Hai đứa con mù lòa ngày ngày dắt díu nhau đến trường, quyết tâm học giỏi cái chữ.
Vượt qua bóng tối
Trong ngôi nhà xập xệ ở thôn Trung Đông, xã Yên Trung, Yên Định (Thanh Hóa), chị Hoa - 45 tuổi, mẹ của Vũ Văn Tuấn - kể cho tôi nghe câu chuyện hành trình đến với cái chữ của Tuấn trong sụt sùi nước mắt: “Tuấn bị mù bẩm sinh. Hồi 5 tuổi, nghe các bạn trong xóm gọi nhau í ới đi học mẫu giáo, Tuấn nằng nặc đòi mẹ đưa ra lớp học. Thương con, tôi cõng Tuấn ra lớp được khoảng nửa tháng rồi bận việc đồng áng và gánh ve chai nên đành để cháu ở nhà.
Một hôm đi làm đồng về không thấy Tuấn, tôi bổ đi tìm. Chạy ra lớp mẫu giáo của xã cách nhà gần 1km, thấy Tuấn đang vịn cửa sổ ngóng vào lớp nghe cô giáo kể chuyện cổ tích, tôi òa khóc. Từ đó, mỗi khi đi mua ve chai, tôi chọn mua sách truyện cũ về đọc cho anh em Tuấn nghe”. Hằng ngày Tuấn và em gái lấy những viên gạch tự tập viết chữ trên nền nhà. Năm Tuấn 9 tuổi, Hội người mù huyện mới có lớp dạy chữ nổi. Nhận được giấy gọi đi học, Tuấn vui mấy ngày liền.
Cứ sáng sớm trên chiếc xe cà tàng, chị Hoa chở Tuấn xuống huyện (cách nhà 15 km) để học chữ nổi và đi mua ve chai. Thương bố mẹ, Tuấn rất chăm chỉ học hành. Sau những buổi học trên lớp, về nhà em say sưa luyện viết, luyện đọc, miệt mài làm toán. Nhà nghèo không có tiền mua giấy, vở, Tuấn xin giấy đã viết của bạn bè trong thôn để viết lại chữ nổi. Sang đầu năm 2000, sau khi học xong chương trình lớp 1 ở Hội người mù huyện, Tuấn tiếp tục đến Hội người mù tỉnh học chương trình nội trú lớp 2. Cứ thế mà Tuấn lần mò lên trung học và chấp nhận học trường của người sáng mắt.
Cô giáo Vũ Thị Thông, hiệu phó Trường THCS Yên Trung, nhận xét: “Tuấn là học sinh thông minh, em tiếp thu bài giảng của thầy nhanh, làm bài tập rất tốt. Bảy năm qua, Tuấn đều đạt học sinh giỏi toàn diện của trường, với điểm tổng kết trung bình luôn đạt từ 8,0 trở lên. Đặc biệt, ngoài học tốt các môn văn hóa, Tuấn còn chơi giỏi đàn, sáo...
Tuấn học giỏi, chăm ngoan, hay giúp đỡ bạn bè nên được thầy cô yêu thương, bạn bè mến phục. Là học sinh khiếm thị duy nhất của trường, chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện để Tuấn phát huy hết khả năng trong học tập. Bài giảng cho Tuấn tỉ mỉ hơn, khi thi học kỳ, thi hết năm, giáo viên bộ môn đọc đề để Tuấn chép sang chữ nổi. Khi Tuấn làm xong lại đọc kết quả cho giáo viên chấm trực tiếp trên lớp”.
Ước mơ nhỏ về nơi xa
![]() |
Cô Vũ Thị Thông (bìa trái), hiệu phó Trường THCS Yên Trung, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, trò chuyện với mẹ con em Vũ Văn Tuấn |
Tuấn tâm sự: “Khi nhận phần thưởng (500 USD), em không tin mình lại có một số tiền lớn như vậy. Cầm tiền thưởng trong tay, em nghĩ đến mái nhà lụp xụp, dột nát, bức tường loang lổ cần phải sửa chữa khi mùa mưa đang đến gần, nghĩ đến khối u trên đôi vai gầy guộc của mẹ cần phải phẫu thuật”.
Được biết, ngoài giải thưởng trên, Tuấn còn đoạt rất nhiều giải thưởng của các cuộc thi như: tìm hiểu “60 năm nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” do báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam tổ chức (tháng 8-2005); tìm hiểu “Đội Thiếu niên tiền phong của chúng em”...
Thật bất ngờ khi tôi biết được ước mơ của Tuấn: “Em mong học thật tốt để được làm nghề thầy giáo dạy chữ Braille cho các bạn khiếm thị như mình. Hè này, em định vào Trung tâm dạy nghề Sao Mai (TP.HCM) - nơi dạy nghề cho những người khiếm thị - để học tin học và cũng để có điều kiện chăm sóc bố...”.
Trong bài dự thi “Chữ Braille trong cuộc đời tôi” của Tuấn, tôi đọc được bài thơ xúc động: Tôi tặng bạn màu xanh hi vọng. Mong một ngày cuộc sống sẽ sáng tươi. Tôi tặng bạn lá cờ Tổ quốc. Màu đỏ linh thiêng nhuộm máu biết bao người. Tôi tặng bạn màu trắng cánh diều. Chở đến phương xa bao điều mơ ước... Tôi tin sẽ có một cánh diều trắng đưa ước mơ của cậu bé Tuấn đi thật cao, thật xa...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận