* Apichatpong Weerasethkul - anh là ai?
Phóng to |
Những nhân vật nhận giải tại LHP Cannes 2010, đạo diễn Apichatpong Weerasethakul (thứ 2 từ phải sang) |
Nhật báo Libération (Pháp) cho rằng sự tuyển chọn của Cannes 2010 “tẻ nhạt một cách khách quan” nhưng Cành cọ vàng năm nay đã tưởng thưởng cho một bộ phim “kỳ diệu, gây ngạc nhiên” và kết luận: “Trong khi cho những phim quá hàn lâm xếp xó ở ngoài rìa, cơ cấu giải thưởng đã giữ lại những bộ phim thuần túy nghệ thuật và hiện đại”.
Ngoài việc chia sẻ với Libération về “thực đơn nghèo nàn" của Cannes 2010, nhật báo TheIndependent (Anh) viết: “Các giám khảo đã để bị quyến rũ bởi một tác phẩm cảm động, một tác phẩm chống lại bất kỳ sự phân loại nào. Trong một thế giới bị thống trị bởi các tên tuổi lớn của Hollywood, không ai có thể từ chối một chỗ đứng cho Uncle Boonmee dưới ánh mặt trời của thành phố Cannes”.
Báo El Mundo (Tây Ban Nha) đánh giá rằng “điện ảnh nguyên thủy” đã được tưởng thưởng trong khi Le Matin (Thụy Sĩ) cho rằng Tim Burton và cộng sự đã biết “âm thầm chuẩn bị một cơ cấu giải thưởng cân bằng, nâng cao vì hương vị của sự đa dạng”.
Theo Le Temps (Thụy Sĩ), Cannes 2010 đã đánh dấu một chiến thắng đầy nguy cơ. Liên hoan Cannes 2010 chỉ còn là “một thành lũy để bảo vệ sự đa dạng và sự tự do sáng tạo”.
Đối với Times (Anh), Uncle Boonmee là bộ phim “kỳ cục nhất” của Cannes nhưng cũng không kém phần “hư ảo”.
Phóng to |
Một cảnh trong phim Uncle Boonmee |
Le Monde (Pháp) hài hước: “Thiên thần của sự kỳ cục đã nghiêng mình trước liên hoan Cannes lần thứ 63” với một Cành cọ vàng “hoàn toàn ngoài mong đợi” dành cho một “kẻ sống ngoài vòng pháp luật của điện ảnh”.
Cũng chua chát, Le Figaro đánh giá rằng bộ phim xứng đáng nhận “Cành cọ buồn chán” hay “Cành cọ chì”. Ban giám khảo do Tim Burton làm chủ tịch đã tưởng thưởng một “bộ phim bí hiểm, tiết tấu chậm và theo xu hướng tượng trưng tăm tối”, một “hình phạt kéo dài hai giờ mà người ta tự hỏi không biết dành cho ai”.
Báo Le Parisien (Pháp) gọi đây là “một cành cọ lạ thường”, là “phần thưởng dành cho một người truyền bá điện ảnh thử nghiệm, trầm tư và thiếu chất lượng, hoàn toàn không dành cho số đông công chúng”.
Dưới tựa Cành cọ vàng lố bịch, nhật báo El País (Tây Ban Nha) phê bình đạo diễn Apichatpong Weerasethakul đã đi tìm sự bí hiểm, thiếu chất thơ và ngôn ngữ quá lâm ly. Bộ phim là một “câu chuyện cổ tích phi lý và gây ngủ”. Do đó, giải thưởng đáng quên ngay lập tức này là chiến thắng của sự trữ tình phù phiếm.
Le Monde kết luận chung cho toàn bộ liên hoan phim Cannes thứ 63: “Một trong những khía cạnh tích cực chính của kỳ liên hoan lạ lùng này là sự gần gũi với hiện thực. Việc phản ánh hiện thực được nâng cao hơn bao giờ hết và nhạy cảm với sự chuyển mình của thế giới, với khủng hoảng và với những tranh cãi đang từng ngày từng giờ đi ngang qua thế giới ta đang sống”.
Apichatpong Weerasethkul - đạo diễn phá cách Apichatpong Weerasethkul sinh ra ở Bangkok, có cha mẹ là bác sĩ trong một bệnh viện ở Khon Kaen (Đông Bắc, Thái Lan). Anh tốt nghiệp khoa kiến trúc của trường ĐH Khon Kaen năm 1994. Sau đó Apichatpong Weerasethkul tiếp tục học về điện ảnh tại Học Viện nghệ thuật Chicago (Mỹ). Bộ phim dài đầu tay của anh mang tên Dokfa nai meuman (Mysterious Object at Noon) là sự pha trộn giữa phim tài liệu và những cảnh ngẫu hứng mang màu sắc siêu thực. Năm 1999, anh tự thành lập hãng phim riêng Kick the Machine để sản xuất, quảng bá, phát hành cho chính những bộ phim của mình cũng như hỗ trợ cho những nhà làm phim độc lập khác và những bộ phim mang thính thực nghiệm. Không chỉ nổi tiếng với những bộ phim dài, Apichatpong Weerasethakul còn biết đến với hàng chục phim ngắn. Là nhà làm phim độc lập, chủ đề trong phim của anh thường phản chiếu những vấn đề về tâm linh, bản năng của con người, tình yêu, tình dục và những cảm nhận về miền Đông Bắc Thái Lan. Những tác phẩm của Apichatpong Weerasethkul phá vỡ những quy ước cấu trúc thông thường của lối phim tường thuật. Đặc biệt có những tác phẩm của anh còn không thấy xuất hiện những diễn viên và hầu hết những bộ phim của Apichatpong Weerasethkul thường không xuất hiện những diễn viên chuyên nghiệp. Chính vì sự "lạ lùng" phá cách và mạnh bạo mang nhiều sáng tạo như vậy mà nhiều cảnh trong phim của anh bị cơ quan kiểm duyệt của Thái cắt vì cho là "nhạy cảm". Năm 2006 bộ phim Syndromes and a Century từng được ra mắt tại LHP Venice lần thứ 63 và LHP Quốc tế Toronto, đã bị cơ quan kiểm duyệt Thái cắt 4 cảnh nhạy cảm, tuy nhiên Apichatpong đã không đồng ý với sự kiểm duyệt đó và rút lui không tham gia phát hành bộ phim này ở Thái Lan. Anh phát biểu trên tờ Bangkok Post: "Tôi là một nhà làm phim, tôi coi tác phẩm của mình như những đứa con. Tôi không quan tâm đến việc có ai yêu mến nó hay khinh thường nó miễn là tôi đã sinh ra nó với tất cả nhiệt huyết và mục đích của mình".
Anh cũng không phải là một nhân vật mới tại LHP Cannes. Trước đó, bộ phim Tropical Malady của anh từng giành giải của Ban giám khảo tại LHP Cannes 2004; Blissfully Yours từng chiến thắng ở hạng mục Un Certain Regard (dành cho những bộ phim sáng tạo có tính chất thử nghiệm) tại LHP Cannes 2002. Ngoài ra bộ phim Syndromes and a century cũng đã từng được bầu là phim hay nhất thập niên do ban tổ chức LHP quốc tế Toronto bình chọn năm ngoái. Bộ phim này cũng từng lọt vào danh sách 18 bộ phim hay nhất thời đại do CNN bình chọn năm 2008. Đặc biệt trong lần bình chọn của LHP quốc tế Toronto hồi năm 2009 bộ phim Tropical malady của anh cũng giành được vị trí số 6. Chiến thắng vẻ vang của Apichatpong Weerasethakul tại LHP Cannes 2010 là món quà tuyệt vời dành cho đất nước Thái Lan đang rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị. Trên tờ Bangkok Post đạo diễn Apichatpong Weerasethakul mong ước: "Tôi hy vọng chiến thắng này ít nhiều làm dịu bớt tình hình căng thẳng ở đất nước chúng ta". |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận