23/05/2016 00:00 GMT+7

Cảnh báo rồi vẫn tự dùng thuốc

L.ANH - Y.THANH - T.AN
L.ANH - Y.THANH - T.AN

TTO - Bị nhức đầu, sốt, mệt mỏi nghĩ là bệnh “xoàng” nên nhiều người tự mua thuốc uống. Không may, có người phải nhập viện cấp cứu, nhẹ thì ngộ độc, dị ứng; nặng thì suy gan, suy thận.

Chị Đ.T.V. được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Tuyên Quang - Ảnh: Y.Anh
Chị Đ.T.V. được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Tuyên Quang - Ảnh: Y.Anh

BS Phạm Quang Thanh, giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận một nữ bệnh nhân bị suy gan cấp do thói quen tự dùng thuốc.

Hậu quả nặng nề

Chị Đ.T.V. (20 tuổi, trú tại Hàm Yên, Tuyên Quang) thường xuyên đau đầu, mệt mỏi nên tự lấy thuốc nam và nhiều loại thuốc khác để uống, trong đó có thuốc giảm đau hạ sốt paracetamol.

Ba ngày trước khi nhập viện, chị V. thấy mệt mỏi nhiều, đau bụng vùng hạ sườn phải nên được gia đình đưa đến bệnh viện. Khi nhập viện, chị V. ở giai đoạn tiền hôn mê, men gan tăng rất cao. Sau 4 ngày điều trị, sức khỏe chị V. đã ổn định.

Tương tự, bà T.T.M. (ở Hiệp Hòa, Bắc Giang) có tiền sử đau dạ dày, đã đi khám và được điều trị một đợt thuốc. Tuy nhiên sau đó bà M. không đi tái khám mà tự ý mua thuốc về uống.

Sau một thời gian, bà M. thấy người mệt mỏi, sốt nhẹ, buồn nôn, bụng trướng dần... Đến khi thấy khó thở nhẹ, bà M. mới đến Bệnh viện T.Ư quân đội 108. Tại đây, qua kết quả nội soi đại tràng, các bác sĩ phát hiện bà bị viêm đại tràng giả mạc do Clostridium difficile.

Theo PGS.TS Vũ Văn Khiên, phó chủ nhiệm bộ môn nội tiêu hóa Bệnh viện T.Ư quân đội 108, vi khuẩn Clostridium difficile thường gây bệnh ở những người dùng kháng sinh không tuân thủ phác đồ của thầy thuốc.

Không chỉ vậy, do việc mua thuốc quá dễ dàng mà nhiều bà mẹ tự làm bác sĩ chữa bệnh cho con. Cuối tháng 4 vừa qua, khoa nhi Bệnh viện Sản nhi tỉnh Bắc Giang đã tiếp nhận em bé 13 tháng tuổi ở thành phố Bắc Giang vào cấp cứu trong tình trạng ápxe phổi, suy hô hấp thể nặng.

Chị Hà Thị Hồng Xiêm - mẹ bé - kể do thấy con ho, sốt, mệt mỏi, chị đã ra nhà thuốc mua kháng sinh về cho con uống. Tình trạng của bé càng lúc càng nặng nên gia đình đưa đi cấp cứu. Rất may bé được cấp cứu kịp thời.

Phải làm nghiêm bán thuốc theo toa

Theo BS Đỗ Xuân Thụ, phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La, tình trạng tùy tiện dùng thuốc vẫn rất phổ biến. Nhiều người chỉ cần hắt hơi, sổ mũi là ra nhà thuốc kể tình trạng và được nhân viên nhà thuốc kê toa, thậm chí có người sử dụng lại đơn thuốc bác sĩ kê trước đó, không ít người dùng đơn thuốc của người khác.

Cũng theo BS Thụ, nhiều thuốc theo quy định phải có đơn của bác sĩ mới được bán, nhưng các nhà thuốc cũng bỏ qua và bán cho khách hàng.

Đồng quan điểm này, BS Phạm Quang Thanh cho rằng việc sử dụng thuốc tùy tiện được cảnh báo nhiều nhưng các bệnh viện vẫn thường xuyên tiếp nhận người bệnh dùng thuốc không đúng vào cấp cứu.

Bên cạnh đó, việc lạm dụng tân dược không chỉ có nguyên nhân từ phía người bệnh thiếu kiến thức mà từ cả phía chủ các nhà thuốc, quầy thuốc cũng vi phạm quy định bán thuốc.

Vì vậy, theo BS Thanh, ngoài tuyên truyền cho người bệnh tuân thủ yêu cầu điều trị của thầy thuốc thì rất cần siết chặt quy định bán thuốc ở các nhà thuốc.

Ông Phạm Huy Thông, phó giám đốc Trung tâm dị ứng và miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết gần như ngày nào trung tâm này cũng tiếp nhận trường hợp dị ứng thuốc.

Dị ứng tân dược còn xác định được nguyên nhân, chứ dị ứng thuốc nam thì rất khó. Trong các loại thuốc gây dị ứng cho bệnh nhân đến trung tâm, ông Thông cho biết kháng sinh thường gặp nhất, kế đến là nhóm thuốc kháng viêm, mỹ phẩm...

Theo quy chế kê đơn và bán thuốc theo đơn của Bộ Y tế, 7 nhóm thuốc gồm thuốc gây nghiện; thuốc hướng tâm thần, tiền chất dùng làm thuốc; thuốc độc A, B; thuốc kháng sinh; thuốc nội tiết (ngoại trừ thuốc tránh thai); thuốc tim mạch và dịch truyền thuộc nhóm kê đơn và bắt buộc phải bán theo đơn.

Tuy nhiên hiện nay 7 nhóm này đều có thể mua tự do tại hầu hết nhà thuốc trên toàn quốc!

Có quy chế, nhưng phạt nhẹ quá

Đây là ý kiến của một thanh tra dược của Sở Y tế Hà Nội về hành vi bán thuốc không cần đơn. “Mức chế tài với hành vi này hiện rất thấp, chỉ 200.000 - 500.000 đồng, chúng tôi thường áp dụng mức giữa là 350.000 đồng”, vị thanh tra kể trên chia sẻ.

Theo khảo sát của Tuổi Trẻ, Bộ Y tế và các sở y tế chưa từng tổ chức đợt/cuộc thanh tra chuyên đề về quy chế kê đơn và bán thuốc theo đơn, tính từ năm 2003 đến nay cũng chưa từng có nhà thuốc nào bị xử phạt vì bán thuốc không cần đơn được ngành y tế công khai danh tính. Hiện một số hãng dược cũng chuyển hướng chi hoa hồng mạnh cho các nhà thuốc.

L.ANH - Y.THANH - T.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên