Phóng to |
Cánh cửa hẹp
Xem xét Trường ĐHDL Tin học - ngoại ngữ công bố chỉ tiêu (CT) xét tuyển NV3 mới thấy cánh cửa NV3 hẹp hơn bao giờ hết.
Ngoại trừ ngành công nghệ thông tin có CT hơi nhiều là 100, với điểm sàn 11, hai ngành còn lại là Trung Quốc học chỉ có 15 suất (điểm sàn 12) và ngành tiếng Trung 50 (điểm sàn 12).
Rõ ràng nếu TS không lựa chọn kỹ, cơ hội vào những ngành này sẽ trở thành “ước mơ xa tầm tay” ngay. Lý do là những TS tuy đồng điểm sàn tuyển sinh nhưng lại có thêm một “vũ khí” cực kỳ lợi hại là điểm ưu tiên khu vực và đối tượng (cách nhau 1 điểm), sẽ sẵn sàng loại ngay những TS khác đồng điểm nhưng không được ưu tiên gì cả.
Tương tự, khi ĐHBC Tôn Đức Thắng công bố 400 CT xét tuyển NV3 cho ba khối A, D1, H; không ít TS nghĩ rằng đó là một con số nhiều. Thế nhưng khi chia đều cho cả 11 ngành thì tính bình quân CT một ngành của trường này chỉ nằm ở mức 36-37 mà thôi.
Một trường dân lập khác là ĐHDL Hùng Vương cũng dành đến 50% CT để tuyển NV3, nhưng nếu tính bình quân, với 500 CT cho chín ngành thì mỗi ngành cũng chỉ khoảng 55.
Trong khi đó, tại TP.HCM hiện chỉ có ba trường ĐH công lập thông báo xét tuyển NV3 khối A là Bách khoa, Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) và Nông lâm TP.HCM.
Trong đó, ĐH Bách khoa xét tuyển 10 CT ngành công nghệ dệt may với mức điểm sàn là 18 điểm; 60 CT ngành kỹ thuật địa chất: 18 điểm; 25 CT ngành quản lý công nghiệp: 19,5 điểm; 25 CT ngành kỹ thuật môi trường, 25 CT ngành kỹ thuật giao thông, 25 CT ngành công nghệ vật liệu: 20 điểm; 95 CT ngành trắc địa địa chính, 55 CT ngành thủy lợi - thủy điện - cấp thoát nước, 30 CT ngành cơ kỹ thuật, 25 CT ngành vật lý kỹ thuật: 18 điểm. ĐH KHTN xét tuyển 50 CT ngành địa chất với điểm sàn là 14.
ĐH Nông lâm TP.HCM xét tuyển NV3 đối với những TS đạt từ 16 điểm trở lên vào các ngành cơ khí bảo quản chế biến nông sản thực phẩm, cơ khí nông lâm, chế biến lâm sản.
Sự thật ra sao? Hầu như các trường này khi công bố điểm NV3 đã nắm được hầu hết số TS trúng tuyển NV3 vào các ngành của trường mình rồi. Đó là số lượng các TS có điểm thi cao nhưng chưa trúng tuyển vào một ngành nào trong trường. Đối với những trường hợp này quả thật để TS phải ra đi tìm trường khác là... "phí phạm". Cho nên có không ít trường khi thông báo xét tuyển các NV cũng gửi thư mời ngay cho các TS nằm trong “tầm ngắm NV3”...
Căng thẳng và hồi hộp !
Số CT tuyển của mỗi ngành chỉ nằm ở hàng chục, xem ra chẳng bõ bèn gì so với nhu cầu được học của hàng chục ngàn TS có đủ điều kiện nộp đơn xét tuyển. Gay go hơn cho TS khi mà mức điểm sàn của các trường dân lập đa phần đều na ná nhau, chủ yếu nằm trong khung 10-12,5 điểm.
Tất nhiên việc lựa chọn một NV3 vào các trường nói trên quả là bài toán cực kỳ khó khăn. Xem ra yếu tố may rủi cũng chiếm một tỉ trọng khá lớn trong việc quyết định đường vào ĐH của TS khi nộp đơn xét tuyển NV3.
Càng về cuối TS càng hoang mang hơn với NV3. Phó phòng đào tạo ĐHDL Văn Lang Võ Văn Tuấn cho biết mặc dù trường chưa công bố điểm xét tuyển NV3, nhưng những ngày qua đã buộc phải nhận trên 100 hồ sơ xét tuyển do TS đã quá nôn nóng gửi đến qua đường bưu điện. Trong những ngày trực tuyển sinh nóng, trưởng phòng đào tạo ĐH Mở-bán công, TS Nguyễn Văn Út, cũng đã phải tư vấn cho hàng trăm trường hợp về NV3.
Thậm chí có phụ huynh còn đến tận nơi để nộp đơn xin xét tuyển NV3 khối D, mặc dù trường này không hề tuyển NV3 khối này. Trong tâm trạng còn nước còn tát, có không ít TS đã gửi cả giấy tờ liên quan đến xét tuyển vào ĐHDL Văn Hiến, mặc dù các TS này biết khá rõ mình không đạt điểm sàn qui định!
Chưa hết, trong thời gian chờ các trường công bố xét tuyển chính thức, TS càng khó khăn và hồi hộp hơn đối với những trường chỉ công bố điểm sàn mà chưa công bố chỉ tiêu, hoặc công bố chỉ tiêu một cách chung chung. Cũng như cho đến giờ này, nhiều TS vẫn chưa nhận được phiếu báo điểm và điều đó càng khiến không khí xét tuyển NV3 trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận