Phóng to |
TS Lê Hồng Sơn - Ảnh: T.L. |
- Cốt lõi của văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) là chủ trương, chính sách, là thái độ của Nhà nước. Vấn đề đặt ra là gì? Quản lý hay không quản lý như thế nào, đến mức nào? Thẩm quyền, thủ tục trình tự ra làm sao? Cái gì dân được làm, không được làm?... Đấy là cái “hồn” của văn bản. Sau đấy mới nói đến việc thể hiện ra điều, khoản, câu chữ thế nào? Đi theo một mạch trình tự làm sao? Tất cả đều phải được nghiên cứu. Hiện nay cái lõi chính sách nhiều khi người ta làm chưa tới, thiếu cẩn trọng. Rồi nội dung điều khoản, câu chữ cũng không được tốt. Một dự thảo văn bản QPPL có những yêu cầu về thể thức, về cách thể hiện đặc thù, làm sao để đọc vào mọi người đều hiểu, triệu người hiểu như một. Nhưng hiện nay nhiều khi các dự thảo không rõ, thiếu minh bạch.
Việc xây dựng văn bản QPPL cần con người có tư chất, có kinh nghiệm, trình độ, phối hợp với nhau. Yếu tố quan trọng nữa là người đứng đầu cơ quan chủ trì dự thảo văn bản phải có trách nhiệm chứ không chỉ điều hành chung chung, khoán cho cấp dưới.
* Hiện nay công tác xây dựng văn bản QPPL của nhiều cơ quan, bộ ngành vẫn còn nhiều sai trái. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
- Quan hệ xã hội bây giờ phức tạp, điều chỉnh quan hệ pháp luật cũng khó hơn. Việc đầu tiên đòi hỏi là lực lượng tham gia xây dựng dự thảo văn bản phải có trình độ. Nhưng đáng tiếc những người có trình độ, kinh nghiệm, có bản lĩnh, được rèn giũa trong công tác này thì rút lui dần, lực lượng thay thế thì thiếu nhiều thứ quá. Trước hết là thiếu kinh nghiệm, sau nữa trình độ qua đào tạo không bảo đảm yêu cầu. Yếu tố quan trọng nữa là cái chất của con người. Tôi cảm nhận thời gian gần đây người ta đào tạo thiếu phần “con người” mà mới chỉ đào tạo văn, toán, lý, hóa, cộng trừ nhân chia... Tôi không nói tất cả, nhưng số không nhỏ được đào tạo ra bây giờ chịu tác động ít nhiều của cái gọi là cơ hội, thực dụng, tiêu cực xã hội. Thế nên khi vào làm văn bản người ta bị ảnh hưởng những thứ đó, không được chuẩn bị một cách chu đáo, hay a dua theo số đông, theo lãnh đạo, thiếu động não, thiếu bản lĩnh, thiếu tư chất của từng người. Tôi thấy điều này rất đáng báo động.
Ngoài yếu tố con người thì công tác xây dựng dự thảo văn bản còn thiếu cơ chế phối hợp. Nhiều trường hợp chuẩn bị dự thảo văn bản một cách đối phó, cứ nghĩ cách để đẩy qua khâu này khâu khác cho xong. Dăm ba ông xem với nhau rồi đưa sang khâu thẩm định, giục thẩm định rồi đưa lên cơ quan cao hơn. Cứ mỗi khâu như vậy các ông lại có quá trình giải thích, thuyết phục nhau để cho qua. Ví dụ như 56 dự thảo vừa rồi về xử phạt vi phạm hành chính, theo quan điểm của tôi thì các dự thảo đưa ra hội đồng tư vấn thẩm định khi đó có khá nhiều dự thảo mới qua giai đoạn sơ thảo. Khi ngồi thẩm định, tôi phải hỏi pháp chế bộ có vào cuộc không, pháp chế lắc đầu bảo được họp một hai lần. Hỏi ngay đơn vị chủ trì thẩm định bên Bộ Tư pháp là Vụ Pháp luật hình sự - hành chính có tham gia không, sao để dự thảo thế này thì vụ bảo không được mời họp hoặc được mời họp một vài lần. Tức người ta biết việc đó, nhưng làm việc rất đại khái, thiếu sự cẩn trọng, cầu thị. Nhiều người khi kết một quy phạm trong một dự thảo cũng không làm nổi, viết như văn xuôi, báo cáo. Đặc thù của văn bản QPPL là tính quy phạm, tính quy phạm phải diễn đạt rất gọn, rất rõ, đúng quan điểm, đúng ý tứ. Tôi muốn nói từ nội dung, cách thức thể hiện trong dự thảo, thậm chí từng câu chữ đều phải bàn đến.
* Hơn chục năm làm công tác thẩm định văn bản và hậu kiểm, có bao giờ ông được vận động gợi ý để cho qua những văn bản chưa đạt chuẩn?
- Có chứ. Cũng có trường hợp A, có trường hợp B... Có trường hợp người ta muốn mình dành sự quan tâm để dự thảo của họ tốt hơn, có trường hợp người ta muốn mình cho qua dự thảo dù nó chưa đạt chuẩn. Tôi luôn nói văn bản QPPL chất lượng như vậy mà bỏ qua cho nhau thì xã hội ngay lập tức sẽ có phản biện. Thế nên tốt nhất tôi ngồi giúp dự thảo cho tốt lên, chứ không phải cho qua. Tôi làm thẩm định, muốn qua được thì phải đạt chất lượng, chứ không phải cứ vận động cho qua là cho.
* Với trường hợp các văn bản đã có một thời gian thực hiện và gây thiệt hại, hậu quả cho xã hội, đến khi văn bản bị “tuýt còi” thì liệu có chế tài nào để xử lý, khắc phục hậu quả mà văn bản đó gây ra?
- Vấn đề này khi thảo luận về Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước thì Quốc hội thảo luận rồi. Nhiều người nói với điều kiện của mình bây giờ mà đặt vấn đề bồi thường khi ban hành văn bản sai thì nhiều trường hợp xác định không được, vì thế đã tạm lui, trừ trường hợp văn bản hành chính cá biệt. Xét về mặt thực tiễn và hậu quả của văn bản gây ra thấy rõ, ví dụ như văn bản xử phạt vi phạm hành chính ở địa phương thì ban hành rồi là hằng ngày họ xử phạt luôn. Một số trường hợp dân hỏi thì mình bảo có thể kiện ra tòa hành chính về quyết định xử phạt đó. Tôi cũng có trao đổi với tòa hành chính nếu quyết định xử phạt hành chính mà sai căn cứ pháp lý thì các đồng chí có thể hủy quyết định xử phạt. Nếu nói văn bản ban hành gây hậu quả cho xã hội rồi thì xử lý thế nào? Về nguyên tắc là khôi phục tình trạng ban đầu, phải có cơ chế để lập lại tình trạng ban đầu, trả lại lợi ích, vị thế cho người ta. Tôi thấy hiện nay công tác này thực hiện chưa tốt, nhiều cơ quan bộ ngành cứ lơ đi.
Một vấn đề mà tôi đã nói nhiều lần là không nên quên xem xét, xử lý trách nhiệm của những người đã tham gia soạn thảo, ban hành văn bản QPPL sai trái, gây hậu quả cho xã hội, cho người dân. Đã đến lúc phải xem xét thấu đáo vấn đề này.
* Mới đây nhất, ông vừa có báo cáo gửi bộ trưởng về công văn 1042 của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt quy định về quay phim chụp hình CSGT, báo chí vừa đưa tin thì hôm sau đã thấy Cục CSGT đường bộ - đường sắt hủy nội dung sai này. Dư luận cho rằng ông luôn biết kết hợp với báo chí để nhân lên hiệu ứng của công tác kiểm tra văn bản?
- Tôi nói luôn, công văn 1042 của Cục CSGT đường bộ - đường sắt là văn bản nội bộ nên con đường chính thức để người ta gửi về cục là không có mà do phóng viên cung cấp cho đồng chí phó cục trưởng. Gần 20 phóng viên gọi điện hỏi tôi về vấn đề này. Đây là thông tin rất quý của báo chí, chúng tôi xem và báo bộ trưởng về tính hợp pháp của công văn, bộ trưởng rất hoan nghênh và đề nghị họp với Cục CSGT đường bộ - đường sắt, với Bộ GTVT, với Văn phòng Chính phủ. Tôi đã gửi giấy mời họp, nhưng thông tin mới nhất, chiều 23-8 họ đã hủy nội dung sai trái thì cuộc họp chắc phải hủy. Cục CSGT đường bộ - đường sắt đã hủy nội dung sai trái, tôi rất mừng. Cơ quan nào cũng xử lý tốt như thế thì rất đáng hoan nghênh, xã hội được nhờ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận