01/03/2018 10:19 GMT+7

Cẩn thận với ”cục tophi”

HÀ LINH
HÀ LINH

TTO - PGS.TS Đặng Hồng Hoa cảnh báo, nhiều người mắc bệnh gout nhưng rất chủ quan với các cục tophi mà không biết rằng chúng rất nguy hiểm.

Cẩn thận với ”cục tophi” - Ảnh 1.

Người bị bệnh gout nên tránh ăn lòng heo, tim heo - Ảnh: T.LY

Người bị gout mãn tính thường bị lắng đọng các tinh thể monosodium urat (cục tophi) trong dịch khớp hoặc ở các mô không chỉ gây đau đớn, đi lại khó khăn mà còn lắng đọng phá hủy xương và bao khớp.

Sốc nhiễm trùng vì cục gout hoại tử

Mới đây, bệnh nhân D.T.H. (45 tuổi, Hà Nội) đến bệnh viện cấp cứu bệnh gout trong tình trạng mệt mỏi, suy kiệt nặng, suy tim, suy thận và có dấu hiệu sốc do nhiễm trùng, nhiễm độc nặng. Không chỉ chân, tay, thân mình mà ngay cả trong niêm mạc miệng cũng có u cục tophi rải rác, nhiều u cục vỡ.

PGS.TS Đặng Hồng Hoa, trưởng khoa cơ xương khớp Bệnh viện E, cho biết khi mới vào viện người bệnh bị nhiễm trùng u cục tophi rất nặng, hoại tử, bệnh nhân có biểu hiện của bệnh đái tháo đường, suy tim, suy thận, tiên lượng có nguy cơ phải cắt cụt chi. Đặc biệt, nguy hiểm là vi khuẩn gây nhiễm trùng là E.Coli và trực khuẩn mủ xanh - đây là những loại vi khuẩn rất khó điều trị, nguy cơ tử vong cao.

Tuy nhiên, sau gần 2 tuần điều trị cấp cứu rất tích cực, kết hợp với điều trị bệnh gout, các bệnh kèm theo và điều chỉnh chế độ ăn..., các ổ nhiễm trùng đã được khống chế, bớt hoại tử, khô dần, người bệnh đã qua được giai đoạn nguy kịch.

Chủ quan dễ tàn phế

Theo PGS.TS Đặng Hồng Hoa, người bị bệnh gout mãn tính thường có lắng đọng cục tophi trong dịch khớp hoặc ở các mô do không kiểm soát được nồng độ axit uric. Các khối urat này không chỉ có ở các mô cạnh khớp, trong sụn và trong xương, bao khớp, dây chằng mà còn có thể xuất hiện cả ở phần mềm cạnh khớp, trong cơ, trong nhu mô thận... tạo nên những bệnh cảnh viêm nhiều khớp, phá hủy và biến dạng khớp, sỏi thận...

Bác sĩ Hoa cảnh báo chỉ tính riêng ở khớp, các tinh thể urat bám vào xung quanh khớp và bao hoạt dịch thành các mảng, cục tophi không chỉ gây đau đớn, thoái hóa khớp, hư mặt khớp mà còn gây biến dạng và hạn chế chức năng vận động của các chi thể. Khi các cục tophi bị vỡ, axit uric sẽ được hòa tan và được đưa trở lại máu để tiếp tục gây ra những cơn gout cấp. Ở giai đoạn nặng, ngoài các tổn thương tại khớp, bệnh gout còn gây tăng huyết áp, suy tim, sỏi thận, suy thận. Nhiều trường hợp vỡ, nhiễm trùng, xương khớp bị phá hủy, viêm xương phải cắt cụt chi, thậm chí nhiễm trùng huyết nguy hiểm cho tính mạng.

Ngoài ra, cục tophi có thể xuất hiện ở những nơi ít liên quan đến khớp như vành tai, trong nội tạng như cơ tim, ngoại tâm mạc, van động mạch chủ, ngoài màng cứng cột sống. Ở thận sẽ gây tổn thương thận (sỏi thận, viêm cầu thận, viêm thận kẽ, suy thận)...

Bác sĩ Hoa khuyên người bị bệnh gout khi có nhiều cục tophi và nhất là các cục tophi to có nguy cơ bị vỡ, người bệnh nên đến những bệnh viện có các bác sĩ chuyên ngành xương khớp để khám và điều trị. Một số trường hợp có thể phải được phẫu thuật để cạo, gọt lớp muối bám vào mặt, cắt lọc các tổ chức viêm xơ dính, súc rửa, loại bỏ ra ngoài các tổ chức này nhằm giải quyết tình trạng đau và đề phòng các biến chứng gây tàn phế.

Lưu ý chế độ ăn

Người bị bệnh gout nên tránh ăn lưỡi, óc, gan, thận, tim, tiết canh, thịt chó, nước ép thịt, thịt bò, cá trích, nước mắm từ cá trích..., đậu hà lan, rau đay, mồng tơi; không uống rượu bia.

Nên ăn cá (trừ cá trích), cơm rau, thịt, hoa quả và những thức ăn ít purin; uống nhiều nước (mỗi ngày nên dùng 2,5-3 lít nước), sống lạc quan...

HÀ LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên