17/09/2011 10:36 GMT+7

Cần nhà tổ chức chuyên nghiệp

CHIÊU NGHI
CHIÊU NGHI

TT - V-League 2011 kết thúc với những tranh cãi sau hội nghị tổng kết - nơi bầu Kiên đã tung “bom tấn” thách thức trực tiếp cái “ảo tưởng chuyên nghiệp” của những người làm bóng đá VN.

TT - V-League 2011 kết thúc với những tranh cãi sau hội nghị tổng kết - nơi bầu Kiên đã tung “bom tấn” thách thức trực tiếp cái “ảo tưởng chuyên nghiệp” của những người làm bóng đá VN.

Sau 10 năm, bóng đá VN đã thật sự “chuyên” chưa hay vẫn chỉ là nghiệp nặng gánh mà người hâm mộ phải chờ đợi?

Cần đón đầu trong công tác tổ chức

Thật sự, việc thay thế ông Dương Nghiệp Khôi bởi một ai khác ở vị trí trưởng ban tổ chức giải chỉ là một thay đổi mang tính xoa dịu dư luận sau những gì đã “nổ” ra vừa qua mà thôi. Một ai đó, dù giỏi cách mấy, có tâm cách mấy cũng không thể biến V-League thành một giải đấu chuyên nghiệp nếu như nó vẫn được tổ chức theo cách đó.

Ban tổ chức V-League thật ra chỉ là một đơn vị tác chiến tạm thời của một mùa giải và nói đúng ra, nhiệm vụ của nó cũng không nằm ngoài hai chữ tổ chức. Hết giải, tổng kết lại và sau đó ban tổ chức coi như cũng giải thể, để mùa giải sau lại có một ban tổ chức khác được thành lập. Con đường chuyên nghiệp không đi như thế và bóng đá VN không cần khâu quá độ trong việc tổ chức một giải chuyên nghiệp, thay vào đó nên đón đầu thẳng để áp dụng mô hình của những nền bóng đá chuyên nghiệp nhất hiện nay như Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha.

Premier League - mô hình sao chép vừa sức

Độc lập với LĐBĐ quốc gia

Ở Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Đức, cơ cấu tổ chức cũng gần tương tự dù không hẳn là dạng công ty cổ phần như ở Anh. Tuy nhiên, dù gì đi nữa, cơ quan tổ chức các giải đấu hạng cao nhất của các quốc gia ấy cũng hoạt động độc lập với LĐBĐ quốc gia. Và cũng chẳng khác gì ở Anh, tiêu chí hàng đầu của họ cũng là vì lợi ích giải đấu, vì lợi ích các CLB thành viên.

Có nhiều người sẽ thắc mắc: VN ở vùng trũng của bóng đá thế giới thì việc sao chép lại những nền bóng đá tiên tiến vượt bậc liệu có quá sức và tham vọng vượt mức?

Câu trả lời là “không hề” bởi (nếu có) chúng ta sẽ chỉ sao chép công thức làm việc - một thứ hoàn toàn vừa sức và vừa tầm đối với con người, điều kiện cũng như hoàn cảnh bóng đá VN hôm nay. Minh chứng rõ ràng nhất là Thái Lan. Họ không tuyên bố làm bóng đá chuyên nghiệp ngay mà chỉ dừng ở mức bán chuyên nghiệp. Tuy nhiên, ở khâu tổ chức giải họ đã copy nguyên bản của bóng đá Anh - nền bóng đá đang mang lại doanh thu lớn nhất thế giới hiện nay.

Ở Anh, Hiệp hội Bóng đá Anh (FA) không chỉ đạo hay can thiệp vào công tác tổ chức giải mà giao giải đấu cao nhất của mình cho một cơ quan có tên Premier League. Cơ cấu tổ chức của cơ quan ấy được sắp xếp cực kỳ khoa học và đó là một công ty cổ phần mà trong đó cổ đông chính là 20 CLB tham dự Premier League. Tất nhiên, cơ cấu cổ đông cũng sẽ thay đổi tùy theo sự lên xuống hạng của các CLB trong mỗi mùa bóng. Nhưng với sự liên kết chặt chẽ, sòng phẳng, minh bạch và bình đẳng giữa chính LĐBĐ Anh với từng CLB tham dự Premier League, tất cả đều hài lòng với công ty cổ phần ấy.

Tăng tính hấp dẫn của giải đấu

FA không can thiệp nhưng lại nắm được quyền phủ quyết của cổ đông quan trọng nhất trong Công ty cổ phần Premier League. Đặc biệt là trong việc bầu chủ tịch, giám đốc điều hành hoặc áp dụng những luật lệ mới cho giải đấu. FA chỉ chịu trách nhiệm trực tiếp tổ chức những giải đấu hạng thấp hoặc Cúp quốc gia (Cúp FA) mà thôi. Như vậy, có thể thấy FA hoàn toàn rảnh tay, bớt đi một gánh nặng âu lo và công việc, trong khi mọi thứ vẫn vận hành tuyệt hảo trong con mắt ngưỡng mộ của cả tỉ người hâm mộ trên thế giới.

Tôn chỉ mục đích của Công ty cổ phần Premier League cũng rất rõ ràng, mà một trong những tiêu chí quan trọng nhất là tăng cường tính cạnh tranh hấp dẫn của giải đấu và tạo ra các giá trị thương mại cho nó. Vì lẽ đó, chuyện bán bản quyền truyền hình của Premier League cũng rất kỹ lưỡng. Các gói truyền hình không bao giờ có thời hạn quá dài, bởi những người điều hành ý thức được sự thay đổi về sức hút trong tương lai có thể mang lại sự thay đổi về giá trị bản quyền.

“Người làm thuê tận tụy”

Ngoài ra, để đảm bảo sự minh bạch và đảm bảo duy trì chất lượng giải đấu, ba tháng một lần các cổ đông lại họp với nhau và bất kỳ ai có ý kiến hay vấn đề nào cần giải quyết đều có thể công khai đưa ra cuộc họp. Trong khi đó, ban giám đốc cùng chủ tịch và giám đốc điều hành công ty sẽ họp với nhau mỗi tháng một lần để xử lý những phát sinh của giai đoạn tương ứng trong mùa giải.

Trong một cuộc họp như thế hồi tháng 3-1999, chủ tịch John Quinton và giám đốc điều hành Peter Leaver bị buộc phải từ chức vì dính líu đến vụ lùm xùm về hợp đồng bản quyền truyền hình với Sky TV. Điều đó cho thấy về quyền lợi, các CLB luôn được đảm bảo một cách công chính. Và qua đó, người ta thấy rõ cơ quan tổ chức giải đấu là “người làm thuê tận tụy” cho FA và các CLB thành viên Premier League mà thôi.

Quay trở lại câu chuyện của Thai Premier League, hiện nay đơn vị tổ chức giải đấu cũng là một công ty cổ phần mà 18 CLB và LĐBĐ Thái Lan là cổ đông. Vậy thì ở VN, việc gấp rút thành lập một công ty cổ phần như thế cho mùa giải 2012 có kịp không? Chắc chắn là kịp so với việc cứ lôi nhau ra bàn đi bàn lại cái dự thảo quy chế bóng đá chuyên nghiệp, thứ nghe thì to tát nhưng cuối cùng các CLB chỉ còn lại mỗi sự não lòng.

CHIÊU NGHI

CHIÊU NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên