14/12/2020 10:52 GMT+7

Cần mô hình phát triển mới cho ĐBSCL

S.LÂM - C.QUỐC - M.TRƯỜNG
S.LÂM - C.QUỐC - M.TRƯỜNG

TTO - Hôm nay (14-12) tại TP Cần Thơ, Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) sẽ chính thức công bố báo cáo này với sự tham gia của nhiều bộ ngành và lãnh đạo các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL.

Cần mô hình phát triển mới cho ĐBSCL - Ảnh 1.

Nông nghiệp ĐBSCL được VCCI khuyến nghị nên hình thành chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng thay vì tập trung vào số lượng. Trong ảnh: chế biến cá tra tại quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ - Ảnh: CHÍ QUỐC

Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2020 với chủ đề "Nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững" đã điểm lại thực trạng, nguyên nhân và khuyến nghị nhiều giải pháp mạnh để phát triển ĐBSCL trong giai đoạn tới.

ĐBSCL đã tới giới hạn

Theo báo cáo, ĐBSCL từ ba thập niên qua đến nay đã phải chịu nhiều tác động. Bên cạnh những yếu tố khách quan, việc phát triển kinh tế cũng đang trở thành nguyên nhân chủ quan đè nặng lên toàn vùng.

Song song đó, chính sách hay tập quán canh tác bất cập gây nên, định hướng thâm canh nông nghiệp, đặc biệt là lúa ba vụ, vừa không hiệu quả vừa thiếu bền vững. Bên cạnh đó, ĐBSCL đang trải qua những biến động quan trọng về nhân khẩu học. Tỉ lệ bỏ học các lớp phổ thông, tỉ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có trình độ chuyên môn của ĐBSCL đang ở mức thấp nhất nước.

Gặp khó vì liên kết nửa vời

Một trong những rào cản cho sự phát triển của ĐBSCL nêu trên là sự manh mún của các địa phương. Ông Nguyễn Xuân Cường - trưởng phòng tổng hợp Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Tiền Giang - cho biết như liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười với biên bản ghi nhớ Đề án liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười được ký giữa 3 tỉnh Tiền Giang - Long An - Đồng Tháp vào tháng 9-2016, nhưng đến nay việc liên kết này vẫn hoàn toàn trên giấy…

Nói thêm về câu chuyện này, ông Hồ Quốc Lực - chủ tịch hội đồng thành viên Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) - cho biết chưa có sự liên kết đồng bộ trong phát triển chung của ĐBSCL, đặc biệt là quy hoạch phát triển công nghiệp và nông nghiệp. 

Ông Lực cho rằng do mỗi địa phương đều muốn có kết quả phát triển nhanh nên kêu gọi đầu tư nhiều ngành nghề, quy hoạch khu công nghiệp theo kiểu mạnh ai nấy làm. 

Môi trường vùng ĐBSCL vốn dựa trên hệ thống sông rạch một chiều từ thượng nguồn đổ xuống biển, hệ lụy dễ thấy nhất là các tỉnh thượng nguồn cứ tập trung phát triển khu công nghiệp thì các tỉnh hạ nguồn lãnh đủ hậu quả của việc nguồn nước ngày càng ô nhiễm.

Cần mô hình phát triển mới cho ĐBSCL - Ảnh 2.

Tổng quan ĐBSCL đang đứng trước vô số thách thức nghiêm trọng. Thách thức đất, nước, môi trường, nhân khẩu học, công nghệ... tựu trung là tụt hậu. Ngoài ra, mô hình phát triển cũ của ĐBSCL cũng đã tới giới hạn, cần mô hình phát triển mới. Nếu đủ tầm nhìn, dũng khí sẽ biến thách thức đó thành cơ hội.

TS Vũ Thành Tự Anh (Trường Chính sách công và quản lý, Đại học Fulbright VN, trưởng nhóm nghiên cứu)

Cần "điểm nhấn" phát triển ĐBSCL

Ông Nguyễn Đình Thông - quyền giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Tiền Giang - cho biết Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập "Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2020-2025 nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu".

Theo ông Thông, với quyết định thành lập hội đồng này, mọi vấn đề liên kết sẽ được cụ thể hóa. Chẳng hạn để chọn một công trình giao thông, hội đồng điều phối vùng sẽ chấm điểm cho công trình đó dựa vào tiêu chí mang tính liên kết cao. Nếu công trình nào được điểm cao sẽ được chọn để ưu tiên đầu tư trước.

Theo TS Vũ Thành Tự Anh, đã đến lúc ĐBSCL cần mô hình phát triển mới, nhưng mô hình đó là gì? Thứ nhất, là phải giải quyết được bài toán chia cắt và phân mảnh. ĐBSCL có các cơ chế hợp tác, cần làm thế nào để vùng có ưu tiên thống nhất, ưu tiên đó cần duy trì dài hạn 5, 10 hay 20 năm, phải có cơ chế định hình ưu tiên đó. 

Nên nguồn lực cho ĐBSCL vốn đã thấp (trước đây 20% ngân sách cả nước, giờ còn 12%) mà tỉnh nào cũng muốn đầu tư cho mình hết thì không có trọng điểm.

Thứ hai là ưu tiên về quy hoạch. Đó là một quy hoạch tích hợp có đủ tầm nhìn xa, đủ sự thấu hiểu ĐBSCL để từ đó đưa ra các chiến lược, ưu tiên về đầu tư. 

Thứ ba là chiến lược của trung ương. Có ưu tiên rồi thì chuyển ưu tiên thành chính sách, chiến lược, kế hoạch, mọi người đều phải thực thi, chứ không phải mạnh ai nấy chạy. Chẳng hạn vùng đặt ra ưu tiên trục xương sống nối TP.HCM tới Cà Mau thì những cái khác của mỗi tỉnh phải nhường cho ưu tiên này theo hướng "xương nhánh phải nhường cho xương sống".

* TS Vũ Tiến Lộc (chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam):

Cần một cơ chế điều phối vùng hiệu quả

vu tien loc 2

Chi nhánh VCCI tại Cần Thơ và Trường Chính sách công và quản lý Fulbright đã hợp tác xây dựng báo cáo chuyên sâu thường niên về kinh tế miền Tây và tổ chức thường niên Diễn đàn kinh tế miền Tây. Những đề xuất ban đầu cho một chiến lược phát triển miền Tây như sau:

Phải nuôi dưỡng được các nguồn tài nguyên tự nhiên sẵn có: tài nguyên nước, hệ sinh thái và di sản từ quá khứ là các nguồn tài nguyên văn hóa, đồng thời tìm kiếm những động lực phát triển mới cho vùng, chuyển được nền nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại và bền vững, thực hiện 4 hóa: thị trường hóa, công nghiệp hóa, dịch vụ hóa và bền vững hóa. Một điểm rất quan trọng là phải chuyển trọng tâm ưu tiên của nền nông nghiệp từ số lượng sang chất lượng, cạnh tranh bằng giá trị cao thay cho giá cả thấp. Tổ chức sản xuất phải chuyển từ phân tán cục bộ sang cụm ngành và chuỗi giá trị.

Trong phát triển công nghiệp cần cân đối giữa phát triển công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo với chế biến các sản phẩm nông nghiệp để nâng cao giá trị. Để phát triển nông nghiệp và du lịch chất lượng cao, ĐBSCL cần hạn chế tối đa các ngành công nghiệp có thể gây ô nhiễm môi trường...

Để giải quyết các nút thắt trong phát triển vùng, các dự án phát triển cơ sở hạ tầng phải bảo đảm thứ tự ưu tiên và kết nối, phát huy được cơ chế đối tác công - tư, tăng cường hơn nữa đầu tư cho giáo dục, chú trọng giáo dục kỹ năng và thực hành, gắn kết được với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Tăng cường kết nối vùng thông qua một cơ chế điều phối vùng có hiệu quả.

H.T.D.

* Ông Võ Quốc Thắng (đồng chủ tịch Hội đồng các hiệp hội doanh nghiệp ĐBSCL):

Coi ĐBSCL là một vùng chứ không là nơi nhiều tỉnh

dongtam-voquocthang(18

Tôi trăn trở nhất là việc tỉ lệ trẻ em học lên cao thấp nhất trong cả nước. Chỉ cần nhìn vào riêng số liệu giáo dục của vùng Tiền Giang cũng có thể phần nào thấy được tầm quan trọng của hạ tầng giao thông không chỉ liên quan đến việc phát triển kinh tế, mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến cả giáo dục. Đó là từ khi đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương hoàn thành, chưa đầy một thập niên, tỉ lệ học sinh học cao lên đến đại học của Tiền Giang vươn lên trở thành nhóm đứng đầu của ĐBSCL.

Do vậy, khi Đồng Tâm Group xây dựng Cảng quốc tế Long An, chúng tôi hoàn toàn nhắm đến lợi ích là của toàn vùng chứ không riêng của một địa phương. Chúng ta phải nên xem ĐBSCL chỉ là một vùng, chứ không nên coi đó là nơi có nhiều tỉnh.

Việc cần thiết cho vùng ĐBSCL hiện nay là chính sách hỗ trợ việc vận chuyển để tăng tính liên kết. Đường thủy vẫn là hệ thống giao thông quan trọng và thế mạnh của vùng. Nếu được hỗ trợ thêm các chi phí vận chuyển để tăng thêm sự kết nối, nhiều nhà đầu tư nữa ắt hẳn sẽ mạnh dạn tìm đến. Điều này sẽ là tiền đề thêm cho sự phát triển công nghiệp, không chỉ nâng cao kinh tế, giáo dục mà còn giải quyết nhu cầu việc làm, vốn là một yếu tố then chốt để giảm bớt hiện tượng di dân ra khỏi ĐBSCL đang diễn ra khá nghiêm trọng.

ĐBSCL cần một bản ĐBSCL cần một bản 'quy hoạch tốt'

TTO - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng không nên xây dựng một bản quy hoạch vùng ĐBSCL hoàn hảo mà chỉ nên là “quy hoạch tốt”, không nên chỉ là một tập hợp danh sách mong muốn của các ngành, các địa phương.

S.LÂM - C.QUỐC - M.TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên