Ông Nguyễn Thành Phong - Ảnh: TTXVN |
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong thẳng thắn: “Trung ương đã đề ra nhiều nghị quyết, ban hành nhiều bộ luật, luật trong nỗ lực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều bất cập, chưa thật sự tạo động lực khuyến khích sự năng động của các địa phương, chưa tạo ra được những đột phá trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế”.
Ông Nguyễn Thành Phong cho rằng TP.HCM cùng với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là một địa bàn có rất nhiều tiềm năng và lợi thế, đặc biệt là trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
“Tuy nhiên do chưa có cơ chế, chính sách phù hợp để phát huy và khai thác có hiệu quả những tiềm năng và lợi thế ấy để đóng góp nhiều hơn cho đất nước” - ông Phong nói.
Theo ông, trong thiết kế cơ chế, chính sách rất cần chú trọng vào hình thành các động lực, phù hợp với điều kiện từng vùng, miền và tạo không gian chủ động cho các địa phương.
Với sự liên kết vùng còn lỏng lẻo như hiện nay, các tỉnh thành trước thúc ép tăng trưởng và thu hút vốn đầu tư thường thông qua những biện pháp phía cung để thúc đẩy kinh tế. Sự lan tỏa và giao thoa tích cực về kinh tế không được tận dụng triệt để.
Ông Nguyễn Thành Phong cho rằng phải ưu tiên cho chất lượng tăng trưởng thay vì tốc độ tăng trưởng.
Trong đó, “phải khơi thông các tắc nghẽn trong cơ chế ngành và liên ngành, hình thành được các động cơ khuyến khích, tích hợp được các chiến lược sử dụng hiệu quả và huy động được các nguồn lực trong xã hội”.
Ông Nguyễn Thành Phong đề nghị phải quy định minh bạch ba cơ chế: phân quyền, phân cấp và ủy quyền cho địa phương. Đồng thời tạo cơ chế để tăng cường hiệu lực kiểm tra, thanh tra của Chính phủ đối với chính quyền địa phương.
“Việc phân quyền, phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ cho các đô thị sẽ tạo điều kiện, không gian cho sự chủ động, sáng tạo để có khả năng phát triển hài hòa và toàn diện” - ông Phong phân tích.
Ông Nguyễn Thành Phong cũng khẳng định để có một thị trường sôi động, cạnh tranh thì Nhà nước không nên làm thay thị trường mà tập trung tạo môi trường, động lực để phát huy vai trò của thị trường trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển.
Ông nhấn mạnh: “Sự tham gia của nhân dân trong quy trình ra các quyết định về chính sách là một yếu tố cần phải được đảm bảo. Đồng thời tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý nhà nước trong các quyết định về chính sách, quản lý, điều hành...”.
Kết thúc bài phát biểu nhiều tâm huyết vì sự phát triển của đất nước, của TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong nói TP.HCM kiến nghị các cơ chế phát triển cho những đô thị đặc thù là nằm trong quá trình phát triển chung của đất nước.
Ông chia sẻ: “TP.HCM luôn xác định trách nhiệm cao với nhân dân cả nước, quán triệt sâu sắc tinh thần TP.HCM “vì cả nước, cùng cả nước””.
Bài phát biểu của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong kết thúc trong tiếng vỗ tay của hội trường và được chủ tọa điều hành phiên thảo luận, ông Nguyễn Sinh Hùng - ủy viên Bộ Chính trị, chủ tịch Quốc hội - đánh giá: “Đầy quyết tâm!”.
* Đại biểu TẠ NGỌC TẤN (ủy viên Trung ương Đảng, giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh): Chậm đổi mới chính trị sẽ bỏ lỡ thời cơ phát triển Sự phát triển của đất nước trong thời kỳ hiện nay hơn lúc nào hết đòi hỏi phải có một mô hình chủ nghĩa xã hội riêng của VN. Mô hình đó vừa phản ánh những giá trị phổ quát của chủ nghĩa xã hội vừa phản ánh những đặc thù, đặc điểm của đất nước VN. Được thể hiện bằng những đặc trưng bản chất chủ nghĩa xã hội của VN, phương hướng cơ bản để đưa ra các giải pháp, cách thức tiến hành mang ý nghĩa đột phá... Thực tế công cuộc đổi mới trong 30 năm qua đã cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Đặc biệt là bài học về tôn trọng lợi ích quốc gia và những sáng kiến của nhân dân, vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Với tinh thần vận dụng sáng tạo đó, nhiều vấn đề lý luận mới chưa từng có đã được tổng kết từ thực tiễn. Làm cơ sở cho Đảng và Nhà nước ta vận dụng và đưa vào áp dụng trong thực tế một loạt những chính sách mới mang lại hiệu quả như: khoán trong nông nghiệp, cổ phần hóa doanh nghiệp, đảng viên làm kinh tế, kinh tế hàng hóa đa thành phần, kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa... Sự chậm trễ trong đổi mới chính trị không chỉ hạn chế hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội mà còn làm cho chúng ta bỏ lỡ thời cơ phát triển, làm suy yếu chế độ và hạn chế nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta quan niệm: dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực để phát triển đất nước. Do vậy coi trọng việc xây dựng môi trường dân chủ, đi đôi với việc nêu cao trách nhiệm chính trị, tổ chức và cá nhân, đồng thời hiện thực hóa nền dân chủ xã hội chủ nghĩa đòi hỏi rất lớn sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, giữa nói và làm.
* Đại biểu MAI VĂN NINH (ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương): Thông tin kịp thời sẽ giải tỏa bức xúc của dân Nhiệm vụ trọng tâm là gắn kết thường xuyên, chặt chẽ công tác tuyên giáo với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết từ gốc, từ sớm các vấn đề có thể dẫn đến nảy sinh những bức xúc về tư tưởng. Thực tiễn cho thấy những bức xúc của nhân dân dù mức độ phức tạp đến đâu, nếu thông tin kịp thời, đúng đắn để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thì sự việc sẽ được giải quyết một cách ổn thỏa, bức xúc sẽ được giải tỏa và ngược lại. Công tác tuyên giáo không thể đi sau thực tiễn, mà phải đi trước để dự báo, định hướng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận