![]() |
Hiện giữ USD không có lợi bằng VND - Ảnh: T.T.D. |
Tương tự, giá USD tiền mặt tại thị trường tự do cũng đang ở mức thấp, vì vậy những người đã mua USD ở thời điểm nóng sốt hồi giữa năm chẳng những không bảo toàn được vốn mà còn bị hao hụt.
Nhu cầu bảo toàn vốn đã tăng mạnh trong những tháng đầu năm do sốt ruột trước tình trạng lạm phát cao. Thế nhưng, diễn biến của thị trường trong và ngoài nước những tháng gần đây cho thấy không có tài sản nào có giá trị “vĩnh cửu”. Trên thị trường thế giới, USD một thời là “tượng đài” vững chắc để các cá nhân và quốc gia đầu tư tài sản. Thế nhưng thời gian qua “tượng đài” này đã bị đổ vỡ khi đồng tiền này tuột giá thảm hại. Nhiều quốc gia cũng đã phải bỏ USD, chuyển sang nắm giữ EUR để bảo toàn quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia.
Thế nhưng, nay cũng đến lượt EUR mất giá. Vàng một thời được coi là tài sản cất giữ nhưng cũng có lúc giá chỉ còn trên 250 USD/ounce và chỉ bật dậy trở lại sau sự kiện tấn công nước Mỹ ngày 11-9-2001. Thế nhưng, so với đỉnh điểm là giữa tháng 3-2008 với mức 1.030 USD/ounce (khoảng 20 triệu đồng/lượng), thì nay vàng cũng đang trong giai đoạn mất giá.
Ở trong nước, bất động sản một thời được định giá vàng cây, lượng nhưng cũng có lúc người dân phải chuyển sang định giá bằng tiền.
Điều này cho thấy việc bảo toàn vốn không thể như trước, đó là mua và... cất giữ mà phải linh hoạt, chuyển từ hình thức bảo toàn vốn này sang hình thức khác.
Thế nhưng khi nói đến bảo toàn vốn, nhiều người cứ nghĩ đến vàng, USD. Trong khi nhiều chuyên gia lại cho rằng giữ VND vẫn có lợi hơn cả và giữ VND cũng là một hình thức cất giữ tài sản. Thực tế với VND, Nhà nước luôn có những chính sách nhằm đảm bảo cho người nắm giữ đồng nội tệ có lợi nhất. Sức mua của VND với nhiều loại hàng hóa có giảm đi nhưng điều này chưa hoàn toàn đúng với USD. Trước đây mua một ký gạo chỉ cần 8.000 đồng thì nay phải là 10.000 đồng. Nhưng cũng trong thời gian này, chỉ cần chi ra 16.600-16.800 đồng là đã mua được 1 USD. Thậm chí lúc này có thể chi ra ít hơn vẫn mua được USD.
Diễn biến những năm qua cho thấy giữ USD không có lợi bằng VND vì tỉ giá không biến động lớn trong khi lãi suất USD quá thấp. Thay vì giữ VND được trả lãi suất 17-18%/năm để bù đắp cho lạm phát, người giữ USD chỉ được lợi khoảng 10-12%/năm (trong đó lãi suất gửi USD là 5-7% và biến động tỉ giá trong năm 2008 khoảng 4-5%). Chưa kể người giữ USD không thể tránh được tình trạng lạm phát vì họ không thể mua sắm những mặt hàng thiết yếu của cuộc sống như gạo, thực phẩm, điện, nước... bằng USD mà phải chuyển sang VND để thanh toán. Khi đó, họ cũng phải chịu quy luật chung của lạm phát là phải chi 10.000 đồng thay vì 8.000 đồng/kg gạo.
Một chuyên gia nói rằng sự biến động khó lường của thị trường vì vậy việc bảo toàn vốn cũng phải linh hoạt, còn làm theo kiểu cũ là mua vào và... ngồi chờ thì chỉ đạt được mục tiêu theo kiểu phó mặc cho thị trường, “trong nhờ đục chịu”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận