TT - Nhiều nhà chuyên môn đã không đồng tình về việc đưa các môn bóng đá, bóng chuyền, quần vợt... xuống nhóm hai bởi theo họ, cách phân chia đầu tư theo nhóm của Tổng cục TDTT chưa chắc đã hiệu quả như mong muốn. Nhưng cũng có người ủng hộ.
Và đây là ý kiến của họ:
* Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Ủy ban Olympic VN Hoàng Vĩnh Giang:
Tôi cho rằng đưa các môn nói trên vào nhóm hai là hợp lý bởi ở nhóm một phải đầu tư cho những môn Olympic và Asiad. Tuy có rất nhiều người mê bóng đá nhưng bóng đá hiện nay đã bước vào chuyên nghiệp nên phải tự lo đầu tư chứ Tổng cục TDTT không thể cứ rót nhiều tiền để nuôi bóng đá như trước.
Từ đây, chúng tôi sẽ đầu tư tập trung cho 50-60 VĐV có khả năng đạt thành tích Olympic. Hơn nữa, bóng đá, bóng chuyền hay quần vợt chưa đạt thành tích châu lục nên chúng ta phải tập trung chủ yếu cho những môn có thể đạt thành tích cao ở Olympic hay Asiad.
Thật ra không phải chúng tôi không đầu tư cho bóng đá, bóng chuyền hay quần vợt mà chỉ là đầu tư ít hơn một chút so với nhóm một mà thôi.
* HLV Mai Đức Chung (CLB Navibank Sài Gòn):
Theo tôi, việc Tổng cục TDTT đưa bóng đá xuống nhóm hai là có tính toán. Do bóng đá đã có người hâm mộ và các nhà đầu tư quan tâm tài trợ rồi nên Tổng cục TDTT muốn dành sự đầu tư đặc biệt cho những môn khác.
Tuy nhiên, nếu nghĩ đưa bóng đá xuống nhóm hai sẽ khó đưa bóng đá vào trường học (nếu muốn) là không đúng. Nói vậy bởi đầu tư bóng đá ở trường học chỉ là bước đầu, do đó người ta không biết có lợi không khi đầu tư chứ không phải vì bóng đá là nhóm hai thì khó đưa vào trường học.
* HLV Phạm Công Lộc (CLB Cao Su Đồng Tháp):
Trước giờ bóng đá luôn được đầu tư nhiều và được nhiều người hâm mộ quan tâm nên việc đưa bóng đá xuống nhóm hai không được hay cho lắm. Nếu lấy lý do bóng đá đã có các nhà tài trợ đầu tư là không thuyết phục, trong khi đòi hỏi thành tích bóng đá phải vô địch SEA Games hay vươn ra tầm châu lục.
* Ông Trần Đức Quỳnh - HLV quần vợt Becamex Bình Dương:
Hơn 20 năm gắn bó với quần vợt, theo tôi, sự phân chia của Tổng cục TDTT chỉ nói lên được một vế: căn cứ vào triển vọng của từng môn hi vọng có huy chương ở đấu trường quốc tế mà đầu tư. Tuy nhiên, cách phân chia này vẫn chạy theo thành tích - vốn được xem là căn bệnh cố hữu của thể thao VN.
Tuy nhiên, trước khi trách người cũng cần xem lại mình. Theo tôi, sở dĩ Tổng cục TDTT đưa quần vợt xuống nhóm hai cũng có lý do của nó. Nếu những người đứng đầu Liên đoàn Quần vợt VN xem lại cách làm của mình và đầu tư đến nơi đến chốn, chưa chắc gì quần vợt được đưa xuống “hạ cấp” như thế.
* Ông Trần Ngọc Linh - tổng thư ký Liên đoàn Quần vợt TP.HCM:
Trên thực tế, Tổng cục TDTT đã nhìn vào triển vọng đoạt huy chương của từng bộ môn nên mới đưa ra cách phân chia như vậy. Là tổng thư ký liên đoàn, tôi cho rằng cách phân chia này đã đẩy quần vợt rơi vào thế khó.
Cứ thử nghĩ gia đình tay vợt Nguyễn Hoàng Thiên mỗi năm đầu tư rất nhiều tiền cho VĐV này và họ sẽ thất vọng đến cỡ nào khi biết bộ môn thể thao mà họ đầu tư cho con mình lại rơi xuống nhóm hai sau cả bắn súng.
* Ông Trần Văn Nghĩa - nguyên tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền TP.HCM:
Cho dù phân chia theo nhóm một hay nhóm hai, Nhà nước cũng tốn tiền đầu tư vào các môn thể thao. Tuy nhiên, điều đáng lo là sự đầu tư này chưa chắc đã đạt hiệu quả như mong muốn. Theo tôi, để đỡ lãng phí tiền của Nhà nước nên giao cho các CLB tự thân vận động.
Ở vai trò của mình, Nhà nước nên kích thích các bộ môn bằng giải thưởng thật cao. Một khi giải thưởng lớn và hệ thống thi đấu tốt, chắc chắn sẽ có nhiều cá nhân, tập thể đầu tư cho môn thể thao được nhiều người yêu thích nhằm mục đích đoạt giải thưởng, đồng thời quảng cáo thương hiệu.
Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta không nên loay hoay nhóm một hay nhóm hai, vấn đề ở đây là làm sao kích thích từng bộ môn phát triển mà thôi.
NGUYÊN KHÔI - TRUNG DÂN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận