21/04/2005 05:05 GMT+7

Cần Giờ vươn vai!

ĐOAN TRANG - PHÚC HUY
ĐOAN TRANG - PHÚC HUY

TT - 30 năm sau ngày miền Nam được giải phóng, khi nói đến Cần Giờ (TP.HCM) người ta không còn gắn địa danh này với cụm từ “vùng đất chết” bởi những đổi thay và khao khát thay đổi của Cần Giờ hôm nay.

gThi1FW3.jpgPhóng to
Bãi biển Cần Giờ - Ảnh: ĐOAN TRANG
TT - 30 năm sau ngày miền Nam được giải phóng, khi nói đến Cần Giờ (TP.HCM) người ta không còn gắn địa danh này với cụm từ “vùng đất chết” bởi những đổi thay và khao khát thay đổi của Cần Giờ hôm nay.

Đánh thức Cần Giờ

Trước năm 1975, vùng đất Cần Giờ còn hoang vu, dân cư thưa thớt, kinh tế chậm phát triển. Thời chiến tranh chống Mỹ, vùng đất hiền hòa này hoang tàn bởi bom và chất độc hóa học. Người ta gọi Cần Giờ là “vùng đất chết”.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước tháng 4-1975, việc xây dựng kinh tế mới bắt đầu, nhưng phải ba năm sau đó kinh tế Cần Giờ mới có những bước chuyển. Đến cuối năm 1980, hơn hai vạn hecta rừng bị hủy diệt trong chiến tranh đã được trồng lại, hơn 80% diện tích rừng đước trồng được bảo vệ tốt, nhiều vùng đất trống ở Thạnh An, Long Hòa, Cần Thạnh đã được phủ xanh...

Sự kiện có tính quyết định để phát triển kinh tế Cần Giờ chính là việc hình thành con đường bộ xuyên qua vùng đất sình lầy của Rừng Sác nối nội thành TP với huyện lỵ Cần Giờ. Đó là đường Nhà Bè-Duyên Hải, nay là đường Rừng Sác - “con đường đánh thức Cần Giờ” - được hoàn thành đúng tháng 4-1985.

Ông Đoàn Văn Thu, phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, là người sinh ra và lớn lên tại đây, kể lại trước khi có con đường Rừng Sác, từ Cần Giờ lên TP phải đi bằng đường thủy mất gần nửa ngày trời. Ai muốn đi gần hơn một chút thì ngồi đò bốn tiếng qua Vũng Tàu, rồi đi xe đò ngược lên TP.HCM. Niềm mơ ước của người dân Cần Giờ là có con đường xuyên qua huyện. Bởi vậy khi nghe chủ trương của TP, cả huyện rất mừng.

Có đường, Cần Giờ thật sự chuyển mình. Lần đầu tiên người dân được thấy những chuyến xe TP.HCM - Cần Giờ. Đến năm 1990 Cần Giờ bắt đầu kéo lưới điện quốc gia. Hiện đã có sáu trong số bảy xã thuộc huyện được sử dụng nguồn điện này. Không dừng lại ở đây, năm 1990 TP quyết định nâng cấp và mở rộng đường Rừng Sác lên qui mô sáu làn xe, lộ giới 42m.

Cần Giờ là vùng kinh tế biển của TP.HCM, chiếm 1/3 tổng diện tích của TP với hơn 20km bờ biển và những cảng cá (Cần Giờ, Mương Chuối…). Khoảng 30% diện tích của địa phương là sông rạch, mặt nước hồ, ao, đầm, hơn 1.000ha ruộng muối, 10.000ha diện tích đất nông nghiệp, 35.000ha rừng, đất rừng và bãi cát dài ở vùng rừng dương liễu Rạch Lở, Long Thạnh…

Ôm rừng vươn ra biển

Là một huyện ven biển nhưng trước đây kinh tế Cần Giờ lại gắn với nông nghiệp. Đến năm 2000, Cần Giờ mới tìm ra mô hình kinh tế thích hợp là nuôi trồng thủy hải sản.

Sau năm năm chuyển đổi, kinh tế Cần Giờ đã có những khởi sắc. Số liệu cho thấy giá trị bình quân mỗi hecta nuôi trồng thủy hải sản cao gấp 20 lần trồng lúa và lợi nhuận từ nuôi trồng thủy hải sản mang lại gấp 80 lần. Thủy sản góp 32% vào phát triển kinh tế chung của huyện. Hiện nay rừng chiếm 53% diện tích của huyện. Rừng cũng tạo ra việc làm cho người giữ rừng, góp phần phát triển du lịch...

Ông Đoàn Văn Thu thông tin: hồ sơ về điều chỉnh qui hoạch chi tiết khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ đã được UBND TP hoàn chỉnh trình Thủ tướng phê duyệt. Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ trong phạm vi 827ha (từ mép bờ lấn ra biển 2km) sẽ là một trung tâm dịch vụ du lịch và một khu ở theo mô hình phát triển mới, khu trung tâm thương mại dịch vụ công cộng và các khu chức năng đặc biệt như công viên bảo tàng sinh thái biển, khu du lịch tắm biển, khu vui chơi thể thao biển tập trung, khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp…

Thêm chính sách, nước sạch và cầu đường

Để phát triển hơn nữa, Cần Giờ vẫn còn nhiều trăn trở. Hiện nay nguồn nước sạch cung cấp cho Cần Giờ phải chở từ nơi khác về bằng sà lan, sau đó phân phối đến từng hộ dân. Mỗi năm thành phố bù lỗ tiền vận chuyển nước sạch cao hơn ngân sách thu trên địa bàn huyện 11 tỉ đồng. Vì vậy tuyến ống cấp nước nối từ Nhà Bè để dẫn nước về Cần Giờ dự kiến triển khai vào cuối năm nay được nhiều người mong đợi.

Dịch vụ du lịch sinh thái cũng chưa phát triển đồng bộ; giao thông đường sá còn cách trở. Chính sách kêu gọi đầu tư du lịch sinh thái cho Cần Giờ chưa rõ ràng. Qui hoạch đã làm một năm nay nhưng mới triển khai vài dự án do TP chưa có nhiều chính sách ưu đãi về thuế, đất đai... Các đơn vị tìm đến đây chỉ dừng lại ở mức thăm dò, nghiên cứu. Một khó khăn khác của Cần Giờ là bộ máy, năng lực cán bộ thực hiện dự án còn yếu kém.

Theo lãnh đạo Cần Giờ, 15.700 tỉ đồng là dự kiến tổng mức đầu tư xây dựng của Cần Giờ trong năm năm tới (bình quân hơn 3.100 tỉ đồng/năm). Mục tiêu đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong năm năm tới là về giao thông: hoàn thành nâng cấp nhựa đường Rừng Sác, đường Lý Nhơn, An Thới Đông, Tam Thôn Hiệp, đường nội trấn Cần Thạnh, đường ven biển Cần Thạnh - Long Hòa và hàng loạt tuyến đường khác...

Ba mươi năm qua, Cần Giờ trải qua nhiều thăng trầm, khó khăn và thử thách. Bằng công lao và sự cố gắng không ngừng của nhân dân và chính quyền trong nhiều năm qua, Cần Giờ hiện tại đã chuyển mình từ một “vùng đất chết” trở thành vùng đất nhiều hứa hẹn phát triển của tương lai...

ĐOAN TRANG - PHÚC HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên