![]() |
* Thưa tiến sĩ, nếu vẽ ra bản đồ mô tả sự tiếp nhận/ chấp nhận những người đồng tính luyến ái hiện nay trên thế giới, trông nó sẽ thế nào?
Tiến sĩ Gert Hekma hiện giảng dạy bộ môn nghiên cứu về người đồng tính nam (gay) và người đồng tính nữ (lesbian) tại Trung tâm về giới, tình dục và xã hội, khoa xã hội và nhân loại học Đại học Amsterdam (Hà Lan). Cuốn sách mới nhất do ông biên tập về đề tài này là Lịch sử văn hóa của tình dục ở thế giới phương Tây trong thế kỷ 20 (Cultural history of sexuality in the Western world in twentieth century (Oxford: Berg, tháng 10-2010). |
- Vấn đề đồng tính luyến ái (giải phóng gay và lesbian, hôn nhân đồng giới, gay, lesbian được phục vụ trong quân đội, các quyền bình đẳng trong xã hội dành cho họ) đến nay phát triển tích cực nhất ở Liên minh châu Âu, đặc biệt ở các quốc gia tây bắc khu vực như Hà Lan, Bỉ, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Anh, vùng Scandinavia. Iceland có thủ tướng là người đồng tính nữ, Đức có bộ trưởng là đồng tính nam, Berlin và Paris có thị trưởng là người đồng tính. Vấn đề đồng tính luyến ái được thảo luận rất nhiều trên truyền thông tại các quốc gia này. Canada cũng tương tự như châu Âu. Mỹ lại sau châu Âu và có phần bảo thủ về vấn đề này.
Nhưng phong trào kêu gọi bình đẳng cho người đồng tính luyến ái đang ngày càng phát triển, các thành phố ở Mỹ có những nơi tập trung người gay sinh sống.
Tình hình ở châu Phi và các quốc gia Ả Rập kém khả quan hơn. Có 80 quốc gia có luật chống đồng tính luyến ái; khoảng bảy quốc gia ra hình phạt tử hình đối với những người nam có quan hệ tình dục bằng đường hậu môn (Saudi Arabia, Yemen, Sudan, Iran và một số chính thể khác); một số lãnh đạo châu Phi như ở Zimbabwe, Namibia và Uganda đã công khai chỉ trích mạnh mẽ chống lại những người gay, nhưng ở Nam Phi quyền của người gay được đề cập trong hiến pháp (và là quốc gia duy nhất đã thực hiện điều đó). Mỹ Latin cũng đang trên đường cởi mở hơn với quyền của những người đồng tính luyến ái, các quốc gia cánh tả như Cuba, Venezuela ít cởi mở hơn so với Argentina, Mexico, Brazil, Colombia.
Ở châu Á lại rất đa dạng: có nơi yếu, mạnh, có nơi có sự hỗ trợ quyền của người đồng tính luyến ái như Ấn Độ, Nepal, Thái Lan, Philippines, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Indonesia, một số nước dù không có phong trào hỗ trợ nhưng có nhiều cởi mở hơn như Trung Quốc, Việt Nam. Chúng tôi đang rất tò mò muốn biết điều gì sẽ xảy ra ở các nước như Pakistan, Bangladesh. Malaysia thì liên tục gây rắc rối với cựu phó thủ tướng của mình khi buộc tội ông này có quan hệ tình dục đồng giới.
* Thế giới bắt đầu nói về vấn đề này từ khi nào?
- Có thể nói rằng đồng tính luyến ái luôn được thảo luận ở mọi nơi, nhưng vào năm 1869 các từ như homosexual (tình dục đồng giới), homosexuality (tính tình dục đồng giới) và heterosexuality (tính tình dục khác giới) đã được sử dụng để mô tả một đặc tính tình dục. Những từ mà người ta dùng trước đó dường như đề cập hành vi tình dục nhiều hơn.
Sau khi những từ mới được đưa ra bởi nhà báo người Hungary gốc Áo Karl Maria Kertbeny năm 1879 và Gustav Jager - nhà tự nhiên học người Đức năm 1980, có thể coi như là những người đi trước trong phong trào gay, thế giới đã có những thảo luận gay gắt, đặc biệt ở Đức vào thời gian 1890-1933 (cho tới khi Hitler và Đức quốc xã lên nắm quyền) và nối lại vào sau Chiến tranh thế giới lần 2 ở Tây Bắc Âu như Hà Lan, Đan Mạch, rồi hai nơi này trở thành tâm điểm trước khi lan sang các nước khác và đến Mỹ từ năm 1950.
![]() |
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần |
* Tiến sĩ có nghĩ rằng chúng ta vẫn có thể gọi đồng tính luyến ái là “vấn đề” hay không?
- Điều quan trọng là thay đổi quan niệm và nhận thức về tình dục (đồng tính luyến ái). Từ ngữ có thể thay đổi nhưng ý niệm thì vẫn thế (chúng ta đã đổi từ cách gọi sodomy và pederast tới homosexual, gay và queer, rồi mỗi nước đều có một từ riêng, như Trung Quốc gọi là đồng chí (tongzhi) khi nói về người đồng tính nam. Với cá nhân những người gay, bạn bè, gia đình họ, đó vẫn là vấn đề. Ngoài ra, chế độ chính trị cũng sẽ xem đó như là vấn đề khi thể chế cần quan tâm cách tổ chức đời sống tình dục của công dân mình.
Những người gay và lesbian thường là những công dân tuân thủ luật pháp chứ không phải chỉ là những người có những hành động kỳ cục mà con người hay gán cho họ. Phân biệt đối xử với họ là hành động không giúp gì cho sự phát triển nói chung. Kiểu suy nghĩ này thậm chí có thể gây hại cho xã hội vì nó loại trừ những người đồng tính luyến ái khỏi xã hội, gieo tiếng xấu cho những người không làm gì sai trái. Ai cũng muốn có cuộc đời hạnh phúc, vui vẻ, gay và lesbian cũng vậy. Và hạnh phúc của họ dĩ nhiên sẽ giúp cho hạnh phúc của những người xung quanh. |
- Đó là câu hỏi khó. Nhưng có lẽ ở các nước châu Á, người ta sẽ nhanh chóng chấp nhận những người đồng tính luyến ái hơn là chúng ta chờ đợi. Ở Nepal và Ấn Độ, phong trào gay và lesbian phát triển rất nhanh, Trung Quốc cũng vậy. Nepal đang thảo luận về các quyền của người gay, lesbian và người chuyển đổi giới tính (ở Ấn Độ gọi là hijra, Thái Lan gọi là kathoey).
Tôi từng nói rằng vì người phương Tây quá tự mãn và tự mặc định về phong trào gay và lesbian, các quốc gia châu Á sẽ có thể nhanh chóng vượt qua họ nếu xét về quan điểm cởi mở với vấn đề này dù sớm hay muộn, tương tự như họ đã làm trong lĩnh vực thương mại, công nghệ và khoa học.
* Ở Việt Nam, ngày càng thấy có nhiều người sống thật với xu hướng tình cảm của mình. Có những người rất tài năng và sáng tạo, và không quá lời khi nói rằng phần lớn những người như thế đều làm việc và đóng góp quan trọng vào sự phát triển của xã hội (cho dù truyền thông đôi khi thích những tin giật gân, tiêu cực và vẽ lên bức tranh khá phiến diện về họ). Ông giải thích thế nào về thực tế này?
- Một trong những yếu tố quan trọng là vai trò của truyền thông. Những người gay và lesbian xuất hiện trên truyền thông công khai giới tính của mình. Họ thành công ở nhiều lĩnh vực, với vai trò là kịch sĩ, tiểu thuyết gia, trong phim ảnh, âm nhạc, các phong trào xã hội.
Nhưng dù vậy cũng vẫn đúng khi nói rằng cho dù có những thay đổi tích cực, những người gay và lesbian ở phương Tây cũng vẫn đang đối mặt với nhiều vấn đề. Họ vẫn bị đối xử về mặt pháp lý như những công dân hạng 2.
* Quả là không dễ tiếp nhận những suy nghĩ mới...
- Tôi cho rằng cha mẹ, gia đình và bạn bè những người đồng tính luyến ái nên chấp nhận và hỗ trợ họ; bảo vệ quan niệm rằng lựa chọn đồng tính luyến ái là điều bình thường, tương tự như tình dục khác giới vậy, hoặc thấy nam mà hơi nữ tính hoặc nữ mà hơi nam tính. Con người tồn tại rất đa dạng khi ta xét về giới tính (nam hay nữ) hay xu hướng tình dục của mình.
* Có kiểu bắt chước, đua đòi trở thành gay/ lesbian như một kiểu... lập dị hoặc tự khẳng định?
- Dù con người có thể nghĩ rằng gay và lesbian nhiều khi là bắt chước, đua đòi thì cũng có nhiều dạng, kiểu, tương tự như tình dục khác giới. Có những người chung chạ bừa bãi, có người đã kết hôn, có người yếu đuối, có người mạnh bạo...Tôi có thể nói rất nhiều về đề tài này.
Trở thành gay hay lesbian không phải là một “xu hướng”. Những người đồng tính luyến ái đã phải cần rất nhiều thời gian để được xã hội chấp nhận. Tôi nghi ngờ ý kiến cho rằng đó chỉ là “tập nhiễm” hay “thời trang”, “xu hướng”. Có thể có, nhưng những trường hợp này hiếm. Có thể có nhiều trường hợp người gay, lesbian hay chuyển đổi giới tính muốn tự sát vì cảm thấy bị xã hội, gia đình, trường học, bạn bè ruồng bỏ, hơn là trường hợp đua đòi.
* Tôi sẽ quan tâm hơn đối với những người cảm thấy bị buộc phải có mối quan hệ khác giới, trong khi họ không có xu hướng đó.
Hiện nay, hôn nhân và tình dục khác giới được giảng dạy và là nền tảng cơ bản cho các quy ước xã hội, luật pháp. Điều này nên được thay đổi. Các quyền bình đẳng cho gay và lesbian cần nhiều hơn là chúng ta chấp nhận sự tồn tại của họ. Cần giáo dục sự đa dạng của giới tính và sự tôn trọng dành cho người khác. Kể từ năm 2002, gay và lesbian có thể cưới người mình yêu cùng giới và cũng không tạo ra vấn đề gì cả.
* Xin cảm ơn tiến sĩ đã dành thời gian cho TTCT.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận