03/04/2010 01:00 GMT+7

Cần giảm quy mô đào tạo đại học

 THANH HÀ
 THANH HÀ

TT - Đó là một trong những kiến nghị được đề xuất tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào bản báo cáo giám sát về giáo dục đại học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức tại Hà Nội ngày 2-4.

GS.TS Phạm Minh Hạc làm nóng không khí hội nghị bằng một “tâm thư”- như cách GS tự gọi - với tám nội dung xoáy vào thực trạng chất lượng, quy mô của giáo dục ĐH và những chủ trương lớn như thành lập trường ĐH đẳng cấp quốc tế, triển khai các chương trình đào tạo tiên tiến... “Giám sát của Thường vụ Quốc hội về giáo dục ĐH lần này, theo tôi, phải nói rõ được vấn đề mở ồ ạt các trường ĐH, bao gồm cả CĐ, trong một thời gian ngắn... không hiểu theo tiêu chí nào?”- GS Phạm Minh Hạc kiến nghị.

Ông gọi đó là cách mở trường “bất chấp” và thẳng thừng đặt vấn đề: “Nếu sai phải xin lỗi nhân dân và phải sửa, phải sửa thật sự chứ đừng nói chung chung “xử lý nghiêm khắc”. Sau một loạt dẫn chứng, GS Hạc cho biết nhìn nhận về giáo dục ĐH hiện nay, nhiều ý kiến đánh giá cơ quan quản lý đang “nói chất lượng, làm thì chạy theo số lượng”.

Từ đó, ông đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát và làm rõ chất lượng đào tạo, bắt đầu từ “đầu vào” liên quan chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ, giám sát việc cho phép mở ngành học, giám sát việc bỏ tiền hàng chục tỉ đồng xây dựng chương trình, giáo trình...

Nhìn nhận hai vấn đề cấp bách trong giáo dục ĐH hiện nay là hiện trạng ban hành, thực thi các văn bản quy phạm pháp luật và xã hội hóa giáo dục, thực trạng của thị trường giáo dục ĐH, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân - người được đoàn giám sát mời tham gia với tư cách là chuyên gia - nhận xét: “Có quá nhiều chỉ tiêu và tiêu chí mà các văn bản của Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường khai báo để thực hiện “ba công khai”, để làm thước đo chất lượng đào tạo ĐH. Nếu các tiêu chí mà bộ yêu cầu các trường phải điền là cần thiết để đảm bảo chất lượng đào tạo của các trường thì người dân không thể không nhận xét: Thế có nghĩa khi bộ đề nghị với Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập quá nhiều trường ĐH trong 2-3 năm vừa qua là bộ đã quản lý theo kiểu “vừa chạy vừa xếp hàng” để rồi lâm vào cảnh “vừa vứt vừa hốt rác”?”.

GS Nguyễn Ngọc Trân cũng thẳng thắn đặt câu hỏi: “Nhiều trường không tuân thủ các tiêu chí và chỉ tiêu, cuối cùng cũng được “thông cảm” hoặc cùng lắm chỉ bị xử phạt hành chính. Điển hình là những kê khai gian dối và sai phạm nghiêm trọng trong tuyển sinh ở Trường ĐH Phan Thiết. Cử tri không thể không tự hỏi đây là do năng lực điều hành của bộ hay còn có bóng dáng của tiêu cực?”.

Với quan điểm tương tự, GS.TSKH Đỗ Trần Cát kiến nghị: “Giảm quy mô đào tạo hiện nay vì quá khả năng thực tế của VN. Quy mô đào tạo phải phù hợp khả năng thực tế của đất nước (số lượng và chất lượng giảng viên, cơ sở vật chất, yêu cầu của nền kinh tế, chất lượng HS phổ thông...), chứ không thể căn cứ vào chỉ tiêu tỉ lệ SV/số dân của các nước phát triển hơn VN để đặt ra quy mô đào tạo”.

Còn GS.TSKH Lê Du Phong kiến nghị với đoàn giám sát và Quốc hội: “Đề nghị thanh tra lại tất cả trường được thành lập từ năm 2000 đến nay. Kiên quyết giải thể các trường không đủ tiêu chuẩn theo quy định”.

 THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên