22/09/2015 11:13 GMT+7

Đại học cần được cấu trúc lại

NGỌC HÀ - MINH GIẢNG (dothingocha@tuoitre.com.vn)
NGỌC HÀ - MINH GIẢNG (dothingocha@tuoitre.com.vn)

TT - Việc "bùng nổ" số lượng trường ĐH ở VN đặt ra vấn đề chất  lượng ĐH, các chuyên gia giáo dục đưa ra một số giải pháp.

Ảnh tư liệu
Ảnh tư liệu

* Trong 15 năm qua, số lượng trường ĐH tăng hơn gấp đôi. Hầu hết các tỉnh đều có trường ĐH của tỉnh hoặc của bộ, ngành đóng trên địa bàn. Bà đánh giá thế nào về việc phát triển số lượng và chất lượng ĐH ở VN? Việc các tỉnh đều có ĐH, bà thấy sao?

- TS Phạm Thị Ly (ĐH Quốc gia TP.HCM): Câu hỏi về việc số lượng trường đang có hiện nay là nhiều hay ít, rất khó trả lời, vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác liên quan: vào trình độ phát triển của nền kinh tế, nhu cầu nhân lực, chất lượng đào tạo, dân số trong độ tuổi, khả năng chi trả của người dân, tầm nhìn và chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Nếu tính tỉ lệ trên dân số, Mỹ có 4.762 trường ĐH với dân số 319 triệu, tỉ lệ 1 trường cho 67.000 dân, thì con số tương ứng của Việt Nam là 425 trường, 90 triệu dân, tỉ lệ 1 trường cho 212.000 dân.

So với một nước trong khu vực gần ta hơn như Malaysia chẳng hạn, tỉ lệ này là 1 trường cho 55.000 dân.

Tỉ lệ người vào ĐH, CĐ trên tổng số dân ở độ tuổi 18-22 của ta mới là 25%, còn rất thấp so với các nước (Hàn Quốc 97%, Úc 86%, Trung Quốc 30%, Malaysia 37%), theo WB, 2013.

Tất nhiên những con số này, như đã nói, đứng riêng chưa có ý nghĩa gì.

Phải nhìn vào những nghịch lý đang tồn tại: Thứ nhất, mặc dù số trường còn ít nếu so tỉ lệ dân số như đã nói trên, các trường vẫn đang thiếu nguồn tuyển. Thứ hai, mặc dù tỉ lệ vào ĐH còn thấp, cử nhân ra trường vẫn thất nghiệp. Thứ ba, nhiều cử nhân thất nghiệp, các doanh nghiệp vẫn thiếu người. Vì vậy không thể không nghĩ rằng đang có một khoảng cách khá xa giữa những gì các trường đang làm và những gì xã hội thật sự cần.

Mỗi tỉnh có một trường ĐH là điều hay hoặc dở? Tôi không cho đó là điều dở, nếu như các trường ĐH địa phương được xác định sứ mạng là những ĐH cộng đồng, tức là nhằm vào nhu cầu học tập suốt đời và phục vụ trực tiếp cho việc phát triển cụ thể của từng địa phương, chứ không phải là cấp bằng cho những người chỉ cần bằng cấp để leo cao mà không cần học tập.

* Vậy đâu là giải pháp cho vấn đề này, thưa bà?

- Như đã nói, đang có một khoảng cách giữa những gì các trường làm và những gì xã hội thật sự cần. Giải pháp là thu hẹp khoảng cách ấy. Các trường thiếu nguồn tuyển là vì số người vào ĐH đang giảm.

Số người vào ĐH giảm có nhiều lý do, trong đó quan trọng là vì khả năng chi trả của dân chúng còn thấp, trong lúc triển vọng việc làm của người có bằng ĐH không mấy sáng sủa. Cử nhân thất nghiệp cũng do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến chất lượng đào tạo có vấn đề, và do một nguyên nhân sâu xa hơn: chính sách sử dụng người tài.

Tất nhiên người có tài thật sự bây giờ vẫn có nhiều cánh cửa mở ra cho họ, không làm trong khu vực nhà nước thì làm cho tư nhân, nước ngoài. Nhưng do việc có những người học hành không ra gì vẫn có cương vị cao trong xã hội đã phá hủy hết động lực học tập của người trẻ. Đó mới là cái gốc của vấn đề. Chưa kể học hộ, thi thuê, bằng giả, những thứ đã phá tan giá trị của tấm bằng đại học.

* Theo bà, việc quy hoạch và phát triển trường ĐH ở VN có hợp lý chưa? Đâu là giải pháp để đảm bảo về số lượng và chất lượng tương ứng để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực?

- Hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam cần được cấu trúc lại. Sở dĩ nếu tính tỉ lệ dân số thì số trường của ta còn ít, nhưng ta vẫn có cảm tưởng dường như nó thừa là vì cái ta có chưa phải là cái ta cần, còn cái ta cần thì thật ra chưa có hoặc chưa có đủ.

Số trường tuy chưa phải là nhiều, nhưng ta thấy thừa, là vì hầu hết các trường không khác nhau nhiều về đặc trưng, về sứ mạng. Giữa trường công và trường tư, nếu đặt qua một bên vấn đề tài chính thì thật sự cũng không khác nhau là mấy trong sứ mạng và cách thức vận hành.

Nghị định 73 của Chính phủ vừa ban hành về phân tầng và xếp hạng là một nỗ lực trong việc tái cấu trúc hệ thống, rất tiếc là mục đích của việc phân tầng xếp hạng không được nêu rõ trong nghị định và cũng không ai biết những chính sách được xây dựng dựa trên kết quả phân tầng xếp hạng sẽ như thế nào, cho nên chưa thể dự đoán kết quả của nó.

* GS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội):

Ông Nguyễn Minh Thuyết - Ảnh: Nguyễn Khánh
Ông Nguyễn Minh Thuyết - Ảnh: Nguyễn Khánh

Kiệt quệ vì chạy theo “con số ảo”

VN từng đặt kế hoạch đến năm 2020 trung bình cả nước phải đạt tỉ lệ 450 sinh viên/vạn dân.

Cơ sở mà Bộ GD-ĐT khi ấy báo cáo để đặt ra mốc này là so sánh với các nước khác như Thái Lan là nước láng giềng cũng đã đạt mốc 400 - 450 sinh viên/vạn dân.

Nhưng đấy là con số ảo. Ở các nước như Thái Lan đã xây dựng được xã hội học tập đúng nghĩa khi nhiều người dân dù không theo học ĐH suốt 4-5 năm để nhận tấm bằng mà vì tính chất công việc hiện tại hay chỉ đơn thuần là nhu cầu cá nhân, họ có thể đăng ký học 1 - 2 chuyên đề ở trường ĐH, CĐ.

Những trường hợp này cũng được cấp mã số sinh viên và được tính vào tỉ lệ sinh viên/vạn dân.

Chúng ta miệt mài chạy theo con số ảo cho đến mức kiệt quệ. Cho nên, chỉ sau một năm đưa ra mục tiêu 450 sinh viên/vạn dân, chúng ta phải lặng lẽ rút xuống còn 400 sinh viên/vạn dân. Và sau đó, năm 2013, một lần nữa phải rút tỉ lệ này xuống còn khoảng 260 sinh viên/vạn dân.

* Ông Lê Viết Khuyến (nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT):

Ông Lê Viết Khuyến - Ảnh: N.Khánh
Ông Lê Viết Khuyến - Ảnh: N.Khánh

Gia tăng quá đà tỉ lệ ĐH

Nhận định từ thống kê nhiều năm qua cho thấy cơ hội học ĐH, cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH của người dân đang tăng lên. Tuy nhiên, số người dự thi và số chỉ tiêu cụ thể cũng không phản ánh chính xác số người được vào ĐH, CĐ vì còn phụ thuộc vào yếu tố điểm sàn do Bộ GD-ĐT quy định.

Rõ ràng, nếu cứ so sánh chung chung thì thấy tỉ lệ người học ĐH VN chưa thấm tháp gì so với thế giới.

Số liệu thống kê tại VN cho thấy chỉ có khoảng 24% thanh niên từ 18 - 24 tuổi được tiếp cận giáo dục ĐH, trong khi con số này ở những nước như Thái Lan, Malaysia là 50 - 60%.

Vậy tại sao tỉ lệ nhập học ĐH của VN không cao mà giáo dục ĐH VN lại lộn xộn? Đó là vì cơ cấu nhân lực không đồng bộ, không rõ ràng. Tuyển sinh, chọn trường bị cuốn theo xu hướng “mạnh ai nấy chạy”, thiếu định hướng, thiếu quy hoạch tổng thể.

Thực tế, nhân lực trình độ ĐH sẽ phát huy được ở những quốc gia phát triển công nghệ cao, có khả năng phát minh, chế tạo. Trong khi nền sản xuất VN còn thấp, chủ yếu chế biến, lắp ráp, gia công thì việc gia tăng quá đà tỉ lệ ĐH là bất hợp lý. Tỉ lệ học ĐH cao không có nhiều ý nghĩa tác động với một nền kinh tế phát triển thấp.

Đã có những số liệu từ Tổng cục Thống kê đến trên 80% lao động VN chưa được qua đào tạo. Với trình độ của VN, đáng lẽ phải hạn chế chỉ tiêu ĐH, tăng chỉ tiêu CĐ, đào tạo nghề, đào tạo thực hành. Nhưng thực tế thì ngược lại, chỉ tiêu ĐH cứ tăng mạnh mỗi năm, ngốn hết chỗ dành cho CĐ, khiến hệ thống CĐ ngày càng kiệt quệ.

Một người thi mà có đến gần hai chỗ ngồi trên giảng đường chờ sẵn thì rất không bình thường.

NGỌC HÀ - MINH GIẢNG (dothingocha@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên