Phóng to |
Đại biểu Quốc hội chất vấn tại hội trường - Ảnh: TTXVN |
Không có cơ quan nào tự phát hiện và đề nghị xử lý tham nhũng“Chấn dân khí” để chống tham nhũng
Đại biểu Trần Huy Hanh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc) dẫn chứng một loạt các vụ án tham nhũng trọng điểm: Vụ Nguyễn Đức Chi lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Dự án Rusalka; vụ Nguyễn Lâm Thái lừa đảo một số đơn vị trong ngành Bưu điện; vụ tiêu cực tại PMU 18; vụ vi phạm pháp luật đất đai tại thị xã Đồ Sơn... dù đã tiến hành điều tra, làm rõ nhưng tiến độ xử lý còn quá chậm so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân.
Đại biểu Trần Huy Hanh thắc mắc, phải chăng có tình trạng để lọt tội phạm trong những vụ án này? Việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương còn nương nhẹ? Theo ông, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần gương mẫu, chỉ tuân theo pháp luật và thực thi nghiêm pháp luật; kiên quyết không để tình trạng can thiệp trái pháp luật từ bên ngoài.
Đề cập đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Ngọc Trân (Đoàn An Giang) nhấn mạnh đến sự chờ đợi của cử tri cả nước, của nhân dân đối với kết quả xử lý các vụ án tham nhũng trọng điểm từ trước đến nay và đề nghị Chính phủ cần giải thích cụ thể nguyên nhân của tình trạng này để nhân dân được biết.
Đại biểu Trần Luân Kim (Đoàn Phú Yên) nhận xét: Nhìn chung, quyết tâm chống tham nhũng chưa thấm sâu vào từng cán bộ, đảng viên. Theo ông, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí không nên lan man mà cần tập trung vào một số điểm mấu chốt như cấp giấy phép; xây dựng quy hoạch, kế hoạch và đánh giá chất lượng công trình, sản phẩm.
Đại biểu Trần Luân Kim dẫn chứng: Nhiều cơ quan, tổ chức sau khi đã loại bỏ giấy phép “con” thì lại đẻ ra những loại giấy phép “cháu”, gây phiền hà, mất thời gian cho doanh nghiệp và nhân dân. Để chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả, một trong những giải pháp quan trọng là Chính phủ cần sửa đổi chế độ tiền lương, bảo đảm cho cán bộ, công chức có thu nhập đầy đủ, hạn chế những hành vi tham nhũng, lãng phí- ông Kim đề xuất.
Các đại biểu Hà Đức Lệnh (Đoàn Bắc Cạn); Trần Đình Long (Đoàn Đăk Nông) băn khoăn: Kết quả thanh, kiểm tra của các cơ quan chức năng sau những vụ việc tham nhũng, phát hiện được tình trạng thất thoát tài sản rất lớn nhưng số lượng thu hồi được rất ít. Báo cáo về việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng của Chính phủ chưa nêu rõ kết quả xử lý các vụ việc tham nhũng; chưa phân tích được đối tượng cũng như số lượng các vụ việc vi phạm. Phải chăng có tình trạng bao che cho tội phạm tham nhũng?
Về phương hướng trong thời gian tới, đa số các ý kiến góp ý cần đặc biệt chú trọng công tác chấn chỉnh đội ngũ cán bộ; làm trong sạch bộ máy Nhà nước; tăng cường giám sát của Quốc hội, HĐND; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; kiên quyết xử lý những đối tượng sai phạm; làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị để xảy ra tham nhũng...
Liên quan đến kết quả thực thi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Nguyễn Ngọc Trân bức xúc vì những văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, quy định về tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu vẫn chỉ nằm trong kế hoạch ban hành mà chưa có lộ trình cụ thể.
Còn đại biểu Nguyễn Hồng Minh (Đoàn An Giang) thì nhấn mạnh đến những bất cập trong công tác quản lý, nhất là quản lý kinh tế là nguyên nhân gây nên tình trạng lãng phí. Đại biểu Nguyễn Hồng Minh dẫn chứng: Thời gian qua, dư luận quan tâm đến việc Nhà nước thu hồi hổ nuôi tự do trong nhân dân. Nhưng nếu đem thu gom tất cả hổ nuôi thì chắc chắn Nhà nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc nuôi dưỡng loại động vật này. Vậy tại sao Nhà nước không ban hành những tiêu chuẩn, quy định để tạo điều kiện cho nhân dân có điều kiện có thể tự chăn nuôi, Nhà nước chỉ đóng vai trò kiểm tra, giám sát, tránh gây lãng phí tiền bạc?
Lãng phí về đất đai, lãng phí về động lực phát triển, lãng phí về thời gian là 3 nội dung được đại biểu Nguyễn Thị Kim Thoa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) đề cập đến trong buổi thảo luận.
Đại biểu Thoa dẫn chứng: Tại các thành phố lớn, nhiều cơ quan, đơn vị nắm giữ nhiều mảnh đất đẹp nhưng việc sử dụng chúng lại không hiệu quả; cần xây dựng khu nhà liên hợp các địa phương tại TP.HCM để tránh tình trạng mỗi bộ, ngành, cơ quan có một văn phòng 2 tại đây, gây lãng phí đất đai. Hay đối với các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa, nếu Nhà nước bán bớt đi số cổ phần chi phối thì sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp tự chủ trong sản xuất, kinh doanh, không phải đợi chờ vốn Nhà nước; đồng thời đáp ứng nguồn cung cho thị trường chứng khoán; tránh lãng phí thời gian, tiền bạc của doanh nghiệp.
Cũng đề cập đến vấn đề này, đại biểu Lý Kim Khánh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) phê phán tình trạng “lạm” họp; xa xỉ, phô trương trong việc tổ chức ngày kỷ niệm, tổng kết tại các cơ quan, đơn vị. Nguyên nhân của tình trạng lãng phí, theo đại biểu Lý Kim Khánh là do cơ chế quản lý còn lỏng lẻo, tạo cơ hội cho lãng phí. Hơn nữa chế tài xử phạt hành vi lãng phí chưa nghiêm, chưa đủ sức ngăn chặn. Thủ tục hành chính còn quá rườm rà, gây lãng phí cho công việc sản xuất, kinh doanh và thời gian đối với doah nghiệp và nhân dân....
Sáng 30-3, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí; đồng thời tổng hợp ý kiến của cử tri về chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận