24/11/2005 19:01 GMT+7

Cần đánh thức ý thức giữ gìn di sản

Theo Lao Động
Theo Lao Động

Năm nay, lần đầu tiên Nhà nước ta chính thức lấy ngày 23-11 hằng năm làm Ngày Di sản văn hoá. Đánh thức ý thức giữ gìn di sản, tạo mọi điều kiện tốt nhất để mỗi người dân tham gia vào việc bảo tồn di sản - đó là một trong những mục đích quan trọng của ngày này.

0v8Tyfr3.jpgPhóng to

Sản phẩm gốm của làng nghề Bát Tràng trưng bày tại Ngày hội Di sản

Năm nay, lần đầu tiên Nhà nước ta chính thức lấy ngày 23-11 hằng năm làm Ngày Di sản văn hoá. Đánh thức ý thức giữ gìn di sản, tạo mọi điều kiện tốt nhất để mỗi người dân tham gia vào việc bảo tồn di sản - đó là một trong những mục đích quan trọng của ngày này.

"Chúng ta đang sống trong một bảo tàng vĩ đại!" - thật không quá, khi Giáo sư Hoàng Đạo Kính nói như vậy, bởi chúng ta đang sống trong một đất nước không lớn, nhưng có tới 5 di sản văn hoá thế giới, 300 di tích quốc gia, hàng vạn di tích lịch sử, văn hoá cùng một tài sản lớn di sản văn hoá phi vật thể mà ta chưa thống kê đầy đủ được.

Những năm gần đây, công tác quản lý di sản được quan tâm hơn rất nhiều. Một đội ngũ cán bộ chuyên ngành, viện nghiên cứu và các công ty tu bổ di tích được ra đời để làm công tác bảo tồn di sản.

tT2oSlEc.jpgPhóng to

Bộ nghiên bút cổ của Văn Miếu Quốc Tử Giám do ông Phạm Ngọc Nhân sưu tầm tại nhà ở Hà Nội

Nhưng nói như TS Nguyễn Chí Bền - Viện trưởng Viện VHTT, việc tu bổ, tôn tạo, giữ gìn và phát huy di sản đòi hỏi trước hết là ở ý thức cộng đồng. Bởi cho dù chúng ta có một di sản văn hoá đồ sộ đến đâu, Luật Di sản có chặt chẽ đến thế nào thì cũng thật khó mà giữ gìn và phát huy, nếu ý thức của người dân nằm ngoài các dự án, hoặc nói cách khác, dự án bảo tồn được xây dựng nằm ngoài đời sống của người dân.

Việc phục dựng lại lễ hội Lam Kinh vừa qua là một ví dụ điển hình về việc "đánh thức di sản văn hoá, trả lại cho nhân dân". Theo ông Bền, nếu chỉ trông chờ vào kinh phí thì thật là khó khăn, bởi từ năm 1997 đến nay, việc đầu tư cho việc sưu tầm và phục dựng văn hoá phi vật thể chưa đến 70 tỉ đồng.

Những năm trước đây, lễ hội Lam Kinh chỉ được tổ chức như một lễ kỷ niệm, nhưng năm nay, người dân là chủ thể của lễ hội đó, họ đã tạo ra không khí lễ hội, biểu diễn những tiết mục văn nghệ dân gian theo đúng như lễ hội Lam Kinh đã từng.

Chia sẻ với ý kiến trên, ông Đặng Văn Bài - Cục trưởng Cục Di sản - cũng cho rằng: Việc giữ gìn và phát huy di sản sẽ hiệu quả hơn nếu giải quyết được mối quan hệ giữa quản lý nhà nước và cộng đồng.

PvY7eAai.jpgPhóng to

Bàn thờ người Việt cổ tại nhà một người dân Hà Nội

Ông nêu ví dụ cụ thể về một Việt kiều ở Hải Dương: Ông này về thăm VN và có ý định đóng góp tu bổ lại di tích tại địa phương, nhưng việc làm thủ tục qua các cấp sẽ tốn gần hết thời gian ông ở VN, do đó ông ta đã nản lòng. Mặt khác, trên thực tế, việc tu bổ các di tích, nếu được xã hội hoá thì sẽ tranh thủ được những nghệ nhân cùng các kinh nghiệm về tu bổ dân gian ở chính địa phương đó.

Với vai trò là nhà khoa học, nhà khảo cổ học, PGS - TS Tống Trung Tín (Viện Khảo cổ) cho biết những thông tin đáng quan tâm: Di chỉ gốm Chu Đậu hiện nay gần như ở tình trạng "rỗng ruột", do sự đào bới tự do của một số người dân thiếu ý thức.

Một số công trình thuỷ điện, giao thông khi tiến hành xây dựng đã phát hiện ra di tích nhưng các cơ quan chủ quản lại thiếu sự hợp tác để nghiên cứu, khai quật, giữ gìn.

Do vậy, ý thức gìn giữ di sản không những cần được đánh thức trong dân mà cả các cơ quan chức năng nữa. Luật Di sản nêu rất rõ trách nhiệm của Bộ VHTT, của Bộ KHCN và MT (trước đây), chủ tịch UBND các tỉnh... Nhưng cho đến nay, ngoài Bộ VHTT, các cơ quan khác còn thiếu sự hợp tác chặt chẽ.

Theo Lao Động
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên