08/10/2003 10:55 GMT+7

Cần đánh giá đúng vai trò của phát hành sách tư nhân

                      T
                      T

TT (TPHCM) - Lần đầu tiên sau 13 năm kể từ khi Nhà nước cho phép tư nhân tham gia vào khâu phát hành sách, Cục Xuất bản và Hội Xuất bản VN đã tổ chức một cuộc hội thảo ở qui mô toàn quốc để đánh giá thực trạng của hệ thống phát hành sách tư nhân trong cơ chế thị trường.

umOfl1bB.jpgPhóng to
Nhà sách Nguyễn Thị Minh Khai- một trong những nhà sách tư nhân hoạt động hiệu quả ở TPHCM
TT (TPHCM) - Lần đầu tiên sau 13 năm kể từ khi Nhà nước cho phép tư nhân tham gia vào khâu phát hành sách, Cục Xuất bản và Hội Xuất bản VN đã tổ chức một cuộc hội thảo ở qui mô toàn quốc để đánh giá thực trạng của hệ thống phát hành sách tư nhân trong cơ chế thị trường.

55 nhà sách và công ty trách nhiệm hữu hạn kinh doanh sách từ Hà Nội, TP.HCM cùng các đại diện nhà xuất bản (NXB), Cục xuất bản (CXB), Hội xuất bản... đã lần đầu tiên được gặp nhau trong một hội thảo mang tính nghề nghiệp.

Theo thống kê sơ bộ của CXB, hiện cả nước có 10.504 điểm mua bán, cho thuê sách, trong đó tư nhân chiếm 10.000. Các doanh nghiệp trung bình có khoảng 3-4 điểm phát hành sách (cửa hàng, nhà sách, siêu thị), doanh nghiệp lớn có tới 14 trung tâm, siêu thị.

Ông Phan Khắc Hải - nguyên thứ trưởng phụ trách xuất bản - báo chí của Bộ VH-TT, chủ tịch Hội Xuất bản VN, thừa nhận: trên thực tế không chỉ dừng ở khâu phát hành, hầu hết các nhà sách còn tham gia khâu liên kết in và xuất bản, và chính việc liên kết này tạo thành thế mạnh của họ trong việc cạnh tranh trên thị trường.

Hợp đồng liên kết đã hình thành phương thức ký kết ba bên: NXB - cơ sở in - đối tác liên doanh. Số lượng sách liên kết của lực lượng tư nhân ngày một nhiều, bình quân một công ty TNHH làm 200-300 tên sách/năm, tổng số sách liên kết chiếm tới 70% số lượng sách xuất bản hằng năm.

Một số không nhỏ các doanh nghiệp làm ăn chụp giật, in lậu, in nối bản, in quá số lượng cho phép, in lại sách của cơ sở khác, tìm mọi cách đẩy giá sách lên cao; chiết khấu phát hành phí cũng đã bị các nhà làm sách đẩy lên quá cao từ 35-45% giá bìa, cá biệt có cuốn lên tới 60% gây sự bất ổn, lộn xộn trên thị trường, tạo sự cạnh tranh bất bình đẳng. Đồng thời, điều này đã làm giảm sức mua của người dân đang đói sách, ghìm số bản sách ở con số trên dưới 1.000 bản/tên sách, gây lãng phí chất xám nghiêm trọng.

Các doanh nghiệp phát hành sách tư nhân như Văn Lang, Thành Long, Thời đại, Cadasa, Minh Nguyệt, Thành Nghĩa... cùng bày tỏ quan điểm: cần phải có sự nhìn nhận đúng đắn hơn từ cơ quan quản lý nhà nước và dư luận xã hội về người làm sách tư nhân, không nên coi họ là “con buôn sách”, “đầu nậu” mà nên coi là một thành phần kinh tế bình đẳng, nhanh chóng có một cơ chế quản lý phù hợp để nâng cao vai trò và trách nhiêm của người làm sách tư nhân với xuất bản phẩm, có sự ràng buộc cả bằng luật pháp và đạo đức xã hội

Đại diện Bộ VH-TT Nguyễn Đình Nhã - cục trưởng CXB, đã ghi nhận: Trước mắt, nếu có sửa luật thì vẫn sẽ không có NXB tư nhân, nhưng nếu đơn vị liên kết muốn ghi rõ tên trên ấn phẩm cùng với NXB thì rất hoan nghênh, và điều đó cũng có nghĩa là đơn vị liên kết đồng thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với NXB.

Ông Nhã cũng cho biết từ 1-1-2004, các NXB chỉ còn phải thông báo danh mục sách in cho CXB và cục sẽ chỉ thông báo lại về những sách không được in; các sách tái bản, sách giáo khoa... không cần phải xin phép. Còn lại... cứ thế mà làm. Giám đốc NXB chịu trách nhiệm trước pháp luật về khâu hậu kiểm. Điều này sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho các NXB trong việc chủ động kế hoạch xuất bản, nhất là trong việc liên kết xuất bản in - phát hành với các đối tác tư nhân.

.

                      T
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên