16/05/2008 09:41 GMT+7

Căn cứ tàu ngầm trên đảo Hải Nam

HỮU NGHỊ
HỮU NGHỊ

TTCT - Căn cứ tàu ngầm bí mật của hải quân Trung Quốc (TQ) trên đảo Hải Nam mà báo chí thế giới mới nêu lên gần đây... thật ra không là một phát hiện mới mẻ. Cách đây hai năm, các vệ tinh thương mại đã bắt đầu trưng các hình ảnh chi tiết về căn cứ này.

Thậm chí từ sáu năm trước, những tin đồn về căn cứ này đã bắt đầu được phát tán (1). Nhất là sau khi một tàu ngầm TQ bị chìm vào tháng 5-2003 trong khu vực biển Hoàng Hải khiến toàn thể thủy thủ đoàn gồm 70 sĩ quan và binh sĩ mất mạng (2).

Tờ Indian Express (Ấn Độ) “la làng” sớm nhất về sự tồn tại của căn cứ này. Tuy căn cứ tàu ngầm của TQ nằm ở đảo Hải Nam xa tít mù khơi so với bán đảo Ấn Độ, song trong một thế giới mà các đường hàng hải ngày càng “chật chội” hơn, khi mà các vũ khí tấn công có tầm xa đếm bằng hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn kilômet, thì việc tư lệnh hải quân Ấn Độ Sureesh Mehta vừa từ Hoa Kỳ trở về lại Ấn Độ hôm thứ sáu tuần trước, qua thứ hai vừa qua đã họp ngay với cố vấn an ninh quốc gia M.K. Narayanan về vấn đề này là điều dễ hiểu.

“La làng” và im lặng

o1Qyou2k.jpgPhóng to
hRvHXjat.jpg

Hình chụp vệ tinh từ năm 2005 cho thấy TQ đã xây dựng hai cầu cảng có khả năng tiếp nhận hai đơn vị tàu sân bay, và sắp xây dựng xong một cầu cảng tiếp nhận tàu ngầm hạt nhân tại căn cứ Sanya trên đảo Hải Nam. Một cửa vào đường hầm rộng hơn 23m giúp tàu ngầm dễ dàng ra vào. Bên bờ đông của bán đảo Hải Nam còn có 11 cửa vào khác dẫn vào các hầm ngầm.

Đặc điểm của căn cứ này là thiết bị khử từ cho các tàu ngầm. Thiết bị này được đặt tại khu vực phía nam căn cứ nhằm “rửa sạch” các tàu ngầm giúp chúng khó bị phát hiện.

Từ lâu, Ấn Độ đã mua ảnh vệ tinh của Hãng Quickbird Satellite và biết rằng TQ có kế hoạch triển khai tàu ngầm nguyên tử loại 094 trang bị hỏa tiễn đạn đạo JL-2 có tầm bắn thiết kế là 7.200km, song tầm bắn cải tiến có thể lên đến 12.800km. Với tầm bắn này và từ căn cứ xuất phát trên đảo Hải Nam, tàu ngầm TQ rõ ràng đang áp sát Ấn Độ. Trong khi đó, phải đến cuối năm nay, Ấn Độ mới có thể xuất xưởng tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của mình.

Báo chí Ấn Độ đang “than thân trách phận” về ngân sách quốc phòng của nước mình, 26 tỉ USD so với 197 tỉ USD của TQ, và hậu quả tất yếu của nó: TQ có đến 492 xưởng đóng tàu, trong khi Ấn Độ chỉ có năm, và nay TQ với hơn 40 tàu đổ bộ đang là một lực lượng viễn chinh đáng quan ngại không chỉ đối với Ấn Độ.

Đặc biệt, Ấn Độ lo ngại rất nhiều việc “TQ, sau khi chiếm đảo Phú Lâm của VN trên quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974, đã xây dựng nơi đây một căn cứ cho phép không quân TQ có tầm hoạt động xa hơn 1.800 hải lý” (3).

Đây không phải lần đầu Ấn Độ theo dõi các hoạt động tàu ngầm của TQ. Tháng 12-2005, các máy bay thám thính Tu-142F của Ấn Độ, mua lại của Nga, đã theo dõi từng bước việc vận chuyển hai tàu ngầm loại “Kilo” do Nga sản xuất mà TQ mua lại và chở trên một tàu chở hàng khổng lồ của TQ.

Máy bay thám thính của Ấn Độ đã chụp ảnh chuyến hàng đặc biệt này từ mũi Hảo Vọng tận phía nam châu Phi. Các chiếc Tu-142F của Ấn Độ, với tầm bay xa kéo dài đến 16 giờ, đã lần lượt theo dõi con tàu này (8).

Không chỉ Ấn Độ mà Hoa Kỳ cũng lo ngại không kém. Nhất cử nhất động của tàu ngầm TQ đều không lọt khỏi các “đôi mắt” theo dõi của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ không chỉ đếm được rằng TQ có 55 tàu ngầm đủ loại mà còn đếm được cả số lượt thao dượt của chúng từng năm. Năm 2007, bảy lần thao dượt.

Tăng nhiều so với chỉ hai lượt năm 2006, và không lượt vào năm trước nữa, 2005. Hải quân Hoa Kỳ còn đếm được từ khi TQ thành lập các đơn vị tàu ngầm, còn có hai năm khác mà TQ thực hiện hơn năm đợt thao dượt tàu ngầm trong một năm. Đó là các năm 2000 (sáu lượt) và 1981 (5).

Các thao dượt đó phản ánh quyết tâm phát triển tàu ngầm của hải quân TQ, cho dù có khi phải trả bằng “giá máu” qua vụ chìm tàu ngầm năm 2003. Đầu tháng năm năm ấy, một tàu ngầm kiểu “Ming” (nhà Minh), do TQ tự sản xuất theo mẫu của tàu ngầm Đức trong Thế chiến thứ nhì, bị chìm trong thao dượt cùng với toàn bộ 70 sĩ quan và binh sĩ. Tai nạn bi thảm này khiến tư lệnh hải quân TQ Shi Yunsheng và chính ủy hải quân Yang Huaiqing mất chức. Chiếc tàu ngầm bị chìm mang số hiệu 361 thuộc hạm đội Bắc Hải của TQ. Vào thời điểm đó, TQ có 16 tàu ngầm “nhà Minh” này (6).

Sau tai nạn này, hải quân TQ chuyển hướng “hiện đại hóa” tàu ngầm, đồng thời cũng đa dạng hóa mục tiêu.

Từ năm 2001, khi Bush vừa “lên ngôi” Hạ viện Hoa Kỳ đã được báo cáo: “Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang trải qua thời kỳ hậu chiến tranh lạnh có khả năng biến thành một giai đoạn nguy hiểm đầy bất ổn và thách thức. Bắc Kinh tận dụng một ASEAN ngày càng suy yếu, một Đài Loan chia rẽ nội bộ, một Nhật Bản với ban lãnh đạo kém chất lượng, một Hàn Quốc với Kim Dae Jung “đóng hai vai”, tiếp tục xây dựng binh bị một cách chưa từng thấy, nhằm khẳng định tầm ảnh hưởng chính trị, kinh tế và quân sự trong toàn khu vực” (4).

Bảy năm sau báo cáo trên, đã có những điều chỉnh rõ nét trong thực tế. Chính sách “Ánh Dương” (hòa hoãn với Bình Nhưỡng) mà Tổng thống Kim Dae Jung cùng người kế nhiệm ông là Tổng thống Roh Moo Hyun đeo đuổi, hiện đang bị xếp xó dưới trào tân Tổng thống Lee Myung Bak. Cũng thế, Nhật Bản tích cực phòng thủ không phận bằng hệ thống phòng không PAC-3, mà xem qua có vẻ như để phòng thủ chống tên lửa của Bình Nhưỡng, nhưng nhìn gần chính là để phòng thủ chống tên lửa từ “phía sau của Bình Nhưỡng”.

Thật vậy, khi mà tên lửa JL-2 của TQ nay đã có tầm bắn lên đến 12.800km và độ chính xác cao, thì cái gọi là mối đe dọa của những tên lửa còn đang thử nghiệm như Tae Po Dong của Bình Nhưỡng chỉ là “cái cớ” để không bị Bắc Kinh phản đối.

Căn cứ Hải Nam để làm gì?

Theo báo cáo “China Navy 2007” của Cục Tình báo hải quân Mỹ, chủ thuyết “phòng thủ viễn dương” của hải quân TQ, như sau: “Phòng thủ viễn dương ngày nay không dính dáng gì đến bất cứ giới hạn nào về địa lý hoặc ranh giới”. Theo một số ấn phẩm của hải quân TQ, “phòng thủ viễn dương” (xa đến đâu) đó tùy thuộc nơi “các khả năng cho phép những lực lượng đặc nhiệm hoạt động trên biển với đầy đủ tiếp liệu và an ninh cần thiết”. “Xa đến đâu” là tầm xa của máy bay cất cánh từ đất liền cộng với tầm xa của lực lượng chống tàu ngầm (7).

Trong một nghiên cứu khác, Paul H.B. Godwin nhận xét: “Các hoạt động nghiên cứu và triển khai quân sự của TQ cũng như các mua sắm vũ khí cho phép gợi ý rằng Bắc Kinh ít nhất cũng muốn tìm kiếm khả năng thực hiện sách lược “phủ định (ranh giới) không gian” đối với vòng đai hàng hải bên ngoài của TQ” (9). Nói cách khác, sẽ không có ranh giới cho tầm xa của hải quân TQ.

Một căn cứ tàu ngầm nguyên tử bí mật trên đảo Hải Nam là một điều không mới mẻ so với các mục tiêu nêu trên, và càng cho thấy ưu tiên dành cho hạm đội Nam Hải, hạm đội đã từng thôn tính Hoàng Sa năm 1974 và một số hòn đảo trên quần đảo Trường Sa năm 1988.

_______________

(1):http://www.strategypage.com/htmw/htsub/articles/20080427.aspx

(2):http://news.bbc.co.uk/2/hi/asia-pacific/2997885.stm

(3):http://www.indianexpress.com/sunday/story/304797.html

http://www.indianexpress.com/sunday/story/305072.html

(4):http://www.softwar.net/asia.html

(5):http://www.fas.org/blog/ssp/2008/01/chinese_submarine_patrols_rebo.php

(6):http://news.bbc.co.uk/2/hi/asia-pacific/2996955.stm

(7):China navy 2007, tr.26

(8):http://www.strategypage.com/htmw/htnavai/articles/20051215.aspx

(9): “China as regional hegemon?” (tr.97).

http://zerosix.wordpress.com/2008/04/28/once-secret-chinese-sub-base-gaining-visibility/

HỮU NGHỊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên