Trong những năm gần đây, ở Việt Nam nhiều tổ chức và cá nhân đã triển khai các phương pháp ứng dụng tế bào gốc trên người, các nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc cũng tăng nhanh.
Đến nay, nước ta đã có 32 cơ sở, tổ chức nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc, trong đó có 9 trường đại học, viện nghiên cứu, 20 bệnh viện, viện điều trị và đặc biệt có 3 công ty tư nhân đã tham gia lĩnh vực này.
Nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc ở nước ta chủ yếu là thực hiện các đề tài khoa học các cấp; việc ứng dụng điều trị chủ yếu trong các bệnh lý về máu, mắt.
Kết quả bước đầu đã có những nghiên cứu cơ bản về biệt hóa tế bào gốc, ứng dụng tế bào gốc tạo máu trong lĩnh vực huyết học; đã nghiên cứu triển khai được hầu hết các kỹ thuật cơ bản từ ghép tế bào gốc tạo máu lấy từ tủy xương đến ghép tế bào gốc tạo máu lấy từ dây rốn trẻ sơ sinh.
Đồng thời, xây dựng thành công một số ngân hàng tế bào gốc. Các quy trình sử dụng tế bào gốc tự thân là hướng nghiên cứu mới điều trị các bệnh suy tim nặng sau nhồi máu cơ tim, bệnh nhân ung thư máu và bệnh nhân bỏng… với hiệu quả cao, chi phí thấp hơn rất nhiều khi ra nước ngoài điều trị.
Điển hình như công trình ghép tế bào gốc tạo máu (ghép tế bào gốc tạo máu tự thân, ghép tế bào gốc tạo máu đồng loại) điều trị các bệnh máu tại Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương; cụm công trình ứng dụng tế bào gốc (tủy xương, máu cuống rốn…) tạo máu trong điều trị các bệnh lý huyết học tại bệnh viện Truyền máu-Huyết học TP.HCM…
Xây dựng qui định cụ thể về tế bào gốc
Nhưng bên cạnh đó cũng phát sinh nhiều vấn đề gây tranh cãi về xã hội, pháp luật, khoa học và đạo đức, hiệu quả và an toàn của ứng dụng này trong việc sử dụng phôi người, nguy cơ/tiềm năng thương mại hóa tế bào và mô người, việc tạo khối u…
Hiện nay, một số vấn đề liên quan đến nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc mà pháp luật chưa có quy định cụ thể như: chưa có quy định cho phép việc có được phân lập tế bào gốc từ nguồn phôi thai để nghiên cứu và điều trị hay không? Nếu cho phép thì nguồn phôi thai sẽ được lấy từ nguồn nào? Đồng thời, pháp luật hiện hành cũng chưa quy định cụ thể việc lưu giữ tế bào gốc tự thân và việc xuất khẩu, nhập khẩu tế bào gốc.
Luật khoa học công nghệ chưa đề cập đến cơ chế pháp lý cho tổ chức và hoạt động của hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học và chưa qui định về quản lý các sản phẩm tế bào gốc có nguồn gốc con người.
Chính vì vậy, cần có những quy định và hướng dẫn chính thức về khoa học cũng như đạo đức đối với lĩnh vực nghiên cứu này.
Xuất phát từ những vấn đề thực tế, Vụ Pháp chế Bộ Y tế đã bày tỏ quan điểm trong việc định hướng xây dựng pháp luật về tế bào gốc, đưa ra đề xuất không cho phép việc tạo ra phôi thai để lấy tế bào mầm phục vụ cho nghiên cứu, mà chỉ cho phép phân lập bào gốc từ nguồn các phôi dư thừa được tạo ra trong quá trình thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.
Bên cạnh đó, cần quy định điều kiện để thực hiện việc nghiên cứu về tế bào gốc bao gồm các quy định về hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học và điều kiện của cơ sở thực hiện việc nghiên cứu.
Việc ứng dụng tế bào gốc trong điều trị sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về khám, chữa bệnh trên cơ sở sử dụng kết quả nghiên cứu đã được sự phê duyệt của Bộ Y tế.
Quy định về ngân hàng tế bào gốc trong đó gồm ngân hàng tế bào gốc cộng đồng được hình thành từ nguồn người cho tự nguyện và ngân hàng tế bào gốc tư nhân để bảo quản tế bào gốc tự thân; quy định về quản lý các sản phẩm tế bào gốc bao gồm xuất khẩu, nhập khẩu tế bào gốc, quảng cáo, lưu thông các sản phẩm này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận