27/02/2013 07:01 GMT+7

Cán bộ y tế trại giam chạy thi với thời gian

LAN ANH
LAN ANH

TT - Đen sạm, nhỏ thó, gầy gò, nhỏ nhẹ, hiền lành, y sĩ Nguyễn Quang Ánh, cán bộ y tế ở trại giam Thủ Đức (huyện Hàm Tân, Bình Thuận), khiến người đối diện không nghĩ anh làm nghề y.

L4n5xers.jpgPhóng to
Y sĩ Nguyễn Quang Ánh (trái) trên sân khấu buổi tôn vinh “Sự hi sinh thầm lặng” tại Hà Nội ngày 25-2 - Ảnh: Trần Minh

Một con người hiền lành như thế mà cuộc đời lại quá nhiều trắc trở: năm 2004, ngay sau khi biết tin anh và mình cùng nhiễm HIV, vợ y sĩ Ánh đã tự tử, để lại con gái mới 26 ngày tuổi.

Bi kịch đời người

Chuyến ra Bắc lần này với anh Ánh một phần là tham dự lễ tôn vinh thầy thuốc ưu tú, mà anh là một trong bốn đại diện của cả nước, một phần quan trọng nữa là thăm con gái cực kỳ đáng yêu học lớp 3 đang sống cùng ông bà nội và đại gia đình ở thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Tiếng là “ở ngay Hà Nội” nhưng với anh Ánh vẫn là một kỳ công, bởi thông thường cả năm anh mới có dịp ra Bắc thăm con một lần, lương đại úy đâu có nhiều, mà cô bé ngày càng lớn, càng đáng yêu và nhớ bố.

Chín năm trước, năm 2004, y sĩ Ánh khi ấy 30 tuổi, đang công tác tại trại giam Thủ Đức, có vợ là cô giáo vừa sinh con gái đầu lòng. Anh chị đều có công việc, có nghề nghiệp, tuổi tác cũng không còn trẻ nữa nên thật náo nức khi lên chức làm cha mẹ. Vậy mà sét đánh ngang tai ngay sau khi vợ anh sinh con: chị nhiễm HIV, xét nghiệm máu anh cũng nhiễm HIV. Anh Ánh vào ngành công an từ năm 1995 khi mới 21 tuổi, đi học Trường cao đẳng Y Bình Thuận rồi ra công tác rất nghiêm túc, vậy mà lại nhiễm HIV! Lần lại quá khứ, anh cũng không nhớ mình nhiễm bệnh khi nào, chỉ chắc rằng có thể do tai nạn trong một ca cấp cứu cho phạm nhân, cũng là bệnh nhân nhiễm HIV trong trại giam.

Năm 2004, hiểu biết về bệnh HIV còn chưa kỹ lưỡng như bây giờ, người ta chỉ biết đây là căn bệnh thế kỷ, chỉ biết mắc là cầm chắc cái chết, thêm nghề giáo vốn giàu tự trọng, ngại điều tiếng nên vợ anh Ánh nghĩ quẩn. Chị tự tử ngay khi con gái vừa mới sinh.

“Lúc đó tôi đang ốm, phải đi bệnh viện, vợ mất, con gái còn sơ sinh, người nhà tạm gửi cháu lên Trung tâm nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em Tam Bình, TP.HCM. Ban đầu chỉ là gửi tạm, nhưng rồi cháu đã ở trung tâm ấy tới hai năm như một trẻ mồ côi. Đều đặn mỗi tuần tôi lên thăm. Lúc ấy dù chưa biết đi nhưng cháu đã biết quấn bố, nhớ bố. Khi cháu 2 tuổi, tôi phải gửi cháu về cho ông bà vì một thân một mình vừa đi làm vừa đi học, không thể chăm lo được cho bé, nhưng không thể để cháu ở Tam Bình được nữa vì sợ cháu không được hưởng không khí gia đình” - anh Ánh nói.

Hãy tưởng tượng tình cảnh y sĩ Ánh khi đó: mỗi tuần anh đều vượt hơn 100km đường từ Hàm Tân, Bình Thuận đến TP.HCM thăm con, rồi hôm sau lại trở về Bình Thuận. Thấm thoắt đã bảy năm, giờ cháu đã học lớp 3, học rất giỏi và rất ngoan. Mỗi ngày, cháu đều gọi điện thoại cho bố chỉ để hỏi bố có khỏe không. Với mọi người khỏe mạnh, câu hỏi khỏe không chỉ là lời chào hỏi xã giao, nhưng với anh Ánh đó là điều quan trọng nhất trong cuộc sống. Sau mỗi giờ làm việc, anh đều tích cực rèn luyện thể lực, uống thuốc ARV đều đặn, sống điều độ, dù vậy thời gian gần đây anh đã phải vào viện cấp cứu hai lần. “Tôi như đang thi chạy với thời gian. Chỉ ước ao sao được khỏe mạnh chờ con gái lớn thêm” - anh Ánh nói.

Mỗi người chỉ sống một lần

Đi cùng với y sĩ Nguyễn Quang Ánh ra Hà Nội lần này có đại úy Phạm Văn Thọ, đồng nghiệp của anh Ánh ở trại giam Thủ Đức. Anh Thọ và anh Ánh quen nhau năm 1995 khi cả hai rời quê gia nhập ngành công an, rồi cùng đi học Trường cao đẳng Y Bình Thuận, cùng về làm việc ở trại giam Thủ Đức đến bây giờ. Gần 20 năm là đồng nghiệp, anh Thọ cứ khen nức nở về anh Nguyễn Quang Ánh: “Cuộc đời trắc trở nhưng tôi khâm phục anh Ánh vì nghị lực của anh ấy. Khi vợ mất, anh Ánh đang học thêm trung học cảnh sát nhân dân. Năm 2010, anh ấy tốt nghiệp ĐH Luật, rồi đi học thêm về chẩn đoán hình ảnh trong khi vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp phát thuốc, khám bệnh tại trại giam Thủ Đức. Việc anh Ánh có mặt ở đây hôm nay đã nói nhiều hơn tất cả những gì tôi muốn nói”.

Theo anh Ánh, trại giam Thủ Đức hiện đang có trên 8.000 phạm nhân, khoảng 10% trong số này nhiễm HIV, 2% nhiễm lao, ngoài ra còn các bệnh lây khác như viêm gan siêu vi. Cả trại có trên 20 cán bộ y tế. So với đồng nghiệp ở các bệnh viện, các anh chỉ được bảo hộ bằng khẩu trang y tế và găng tay, còn thuốc men, các trang thiết bị chẩn đoán, xét nghiệm sinh hóa... thiếu thốn nhiều. Nhưng những người thầy thuốc mang hai màu áo như các anh ngoài khám bệnh, chữa bệnh như những người thầy thuốc khác còn phải làm thêm nhiều nhiệm vụ như quản lý con người, chăm nom về tâm tư, nguyện vọng của phạm nhân.

“Xã hội” trong trại giam có đầu gấu, đại bàng, kẻ giết người, luôn có những ca cấp cứu do đánh nhau, tai nạn, chống đối, gây rối. “Tôi luôn tâm niệm phạm nhân dù phạm tội nhưng họ đang phải trả giá bằng hình phạt tù, còn trên phương diện con người, nhất là khi đau ốm, họ phải được chăm lo. Tôi cũng là một bệnh nhân nên càng chia sẻ được với họ nhiều điều. Mỗi người chỉ được sống một lần, đến một lúc nào đó tôi cũng phải chia tay mọi người và điều tôi mong muốn là để lại những kỷ niệm đẹp” - anh Ánh tâm tình.

Khi bài viết này đến tay bạn đọc, anh Ánh đang có những ngày bình yên ở Chúc Sơn bên cạnh con gái, trong gia đình tứ đại đồng đường của mình. Anh vừa có một kỷ niệm đẹp: được tôn vinh nhân ngày thầy thuốc. Và ba năm qua anh cũng đang sống trong những ngày vui vì đã có thêm một người phụ nữ, người ấy không nhiễm HIV, vốn là bạn học của anh ở Trường cao đẳng Y Bình Thuận, đã dũng cảm cùng chia sẻ với anh những lúc buồn đau cũng như những giờ phút hạnh phúc trong cuộc đời.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên