30/04/2015 13:11 GMT+7

Cảm xúc ngày gặp lại

VÕ TRUNG DUNG
VÕ TRUNG DUNG

TT - Trong số hàng trăm nhà báo nước ngoài đến Việt Nam tác nghiệp nhân sự kiện kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước có những nhà báo chiến tranh lừng danh thế giới từng có mặt ở Việt Nam hơn 40 năm trước.

Phóng viên ảnh Nick Ut và Tim Page gặp nhau tại TP.HCM nhân lễ kỷ niệm 30-4-2015 - Ảnh: Reuters

Trong phòng họp trang trọng, dù cũ kỹ của Hội Cựu chiến binh Việt Nam ở TP.HCM, không khí đầy ắp những cảm xúc rưng rưng. Bởi lẽ những người có mặt ở đây, các cựu chiến binh của Việt Nam và các "cựu binh" của làng báo chí chiến tranh thế giới, đều có chung những gì đó thiêng liêng để chia sẻ.

Họ từng có một thời súng đạn, đã trải qua những gian khổ, giữa sống và chết.

Một cựu chiến binh ngực lấp lánh huy chương, huân chương, phát biểu: "Tôi xin cảm ơn các bạn đã giúp Việt Nam giành chiến thắng trong chiến tranh".

Đáp lời, nhà báo Carl Robinson, phóng viên của Hãng thông tấn AP của Mỹ thường trú tại Việt Nam giai đoạn 1964-1975, giải thích: "Chúng tôi không giúp Việt Nam giành chiến thắng trong chiến tranh. Chúng tôi chỉ làm công việc của nhà báo là kể lại sự thật khách quan, kể lại những gì chúng tôi chứng kiến và thấu hiểu. Dĩ nhiên quả là tốt khi công việc đó có thể góp sức đem lại hòa bình ở Việt Nam!".

Là những nhà báo lớn có tên tuổi lừng danh toàn cầu, có điều đặc biệt là họ đều nhắc đến hai chữ Việt Nam bằng cả tấm lòng của mình. Họ làm nghề kể chuyện chiến tranh nhưng tất cả họ đều yêu chuộng hòa bình.

Carl Robinson, nhà báo lão luyện được đồng nghiệp nhìn nhận, là một trong số đó. Ông yêu Việt Nam nhưng ông nhìn nhận sự việc tỉnh táo kiểu "cái đầu lạnh" của một nhà báo.

Trong một cuộc trao đổi bên bàn cà phê ở TP.HCM, ông kể: "Những gì tôi đã chứng kiến ngấm vào máu thịt trong suốt 11 năm tôi có mặt ở miền Nam Việt Nam. Tôi yêu đất nước này, tôi yêu quý dân tộc đặc biệt dũng cảm, can trường và nhiệt thành này, cho dù tôi cũng còn chưa hiểu rõ họ lắm.

Có thể nói gì về cảm nhận sau 40 năm đây? Tôi vẫn thường quay lại Việt Nam. Tôi đã tận mắt chứng kiến sự phát triển của đất nước. Người dân sống tốt hơn và ngày càng tốt hơn. Tôi cảm thấy mừng vì điều đó. Tuy vậy, tôi cũng thấy những mặt trái của sự phát triển kinh tế, thể hiện ở sự bất bình đẳng ngày càng lớn.

Có những người rất giàu và cũng có những người rất nghèo, có những người công nhân sống trong diện tích vẻn vẹn 4m2 với đồng lương không đủ sống. Điều đó làm tôi nhói lòng. Với tôi, Việt Nam cần phát triển theo cách cân bằng và công bằng hơn...".

Nhà báo Huynh Cong Nick Ut chia sẻ cách nhìn với đồng nghiệp Carl Robinson, không phải vì họ cùng làm cho Hãng AP. Tác giả của bức ảnh gắn liền với chiến tranh Việt Nam Em bé napalm luôn nói về quê hương với tình yêu sâu tận đáy lòng.

"Tôi hạnh phúc vì tấm ảnh của tôi đã góp phần tạo ra hòa bình, tránh được bao nỗi khổ cho thường dân ở cả hai bên chiến tuyến. Việt Nam đã được thống nhất trở thành một đất nước có tiếng nói ở châu Á. Đồng bào tôi đã sống tốt hơn sau bao nhiêu khó khăn. Tôi thấy tự hào và hạnh phúc.

Có thể cũng do bản chất nghề nhà báo nên tôi cũng thấy còn nhiều người dân sống khó nhọc. Nó đối chọi với hình ảnh những khách sạn lớn, với sự hào nhoáng ở nơi đây. Tất cả người dân Việt Nam phải được hưởng thành quả của sự phát triển của đất nước.

Tôi vẫn tiếp tục đi chụp ảnh ở Việt Nam, cả những mảng sáng lẫn những mảng tối. Tôi hi vọng những tấm ảnh của mình có thể tiếp tục góp phần nhỏ nhoi vào việc dựng xây hòa bình và thịnh vượng cho Việt Nam!".

Lỉnh kỉnh máy chụp ảnh trên người, như hồi thời chiến cách đây hơn 40 năm, nhà báo lão làng Tim Page cũng có mặt tại TP.HCM. Dĩ nhiên thời này ông không còn xài những máy Leica dùng phim cuộn mà thay vào đó là máy kỹ thuật số. Nhưng có một thứ không thay đổi với ông: tình yêu dành cho Việt Nam.

Nhà báo lừng danh này vẫn là người kiệm lời như lâu nay và những lời của ông luôn góc cạnh, thẳng thắn.

"Hồi chụp ảnh chiến tranh Việt Nam tôi đã bị thương nhiều lần. Có lần suýt chết khi ruột lòi ra ngoài. Tôi mang trong mình đất nước này, dân tộc này. Tôi đã tận mắt chứng kiến chiến tranh, vì thế tôi trân quý hòa bình biết bao. Ngày hôm qua, tôi đi bộ ở Sài Gòn để chụp ảnh.

Phải thật lòng nói rằng tôi thấy băn khoăn khi nhìn những tấm apphich, panô vẫn còn đầy chất chiến tranh. Tôi mong được thấy nhiều hơn những tấm apphich, panô về hòa bình, thống nhất. Dân tộc Việt Nam chiến đấu để được sống trong hòa bình phải không?".

Ảnh: V.T.D.
Có thể tôi sẽ viết một cuốn sách về Việt Nam 40 năm sau. Nhưng trước hết cần phải đi xem người dân sống ra sao để hiểu hơn. Tôi không biết mình còn thời gian để làm việc này không. Chiến tranh đã chấm dứt lâu rồi nhưng giờ bắt đầu cuộc chiến mới, cuộc chiến vì sự phát triển đất nước
Nhà báo PETER ARNETT (81 tuổi)
Ảnh: Twitter
Anh nghĩ rằng nghề báo chiến tranh chỉ dành cho nam giới đầy cơ bắp? Lầm rồi. Các nhà báo nữ làm việc cũng giỏi như cánh nam giới. Đôi khi là hơn. Hãy nhìn các cô sinh viên trẻ này xem, họ sẽ tạo ra tương lai của Việt Nam! Phụ nữ thường can đảm và thực dụng. Hơn nữa họ đáng tin cậy 
Nhà báo nữ EDITH  LEDERER từng làm việc cho Hãng AP ở Việt Nam trong những năm 1970, trong dịp tham quan Đại học Quốc gia TP.HCM
Ảnh: Hữu Khoa

* Giáo sư Mỹ JONATHAN LONDON (ĐH Thành Thị Hong Kong, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam):

Thời điểm để suy ngẫm

Hai năm trước tôi đến Việt Nam nhân dịp Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần. Luôn có những ngày để người Việt Nam hồi tưởng và suy ngẫm về quá khứ. Sự kiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời là một dịp như thế. 

Ngày 30-4 cũng vậy. Đó là thời điểm để người dân Việt Nam trong và ngoài nước suy nghĩ về quá khứ và tương lai, về những gì đã đi qua và những gì sắp tới. Tôi trông đợi Việt Nam sẽ tổ chức một cuộc hội thảo với những nhân vật gây tranh cãi ở ngoài nước có những quan điểm khác biệt. 

Hi vọng trong 10 năm tới sẽ có những cuộc thảo luận với những nhân vật như thế, bởi các ý tưởng của họ cũng có những giá trị nhất định. Hi vọng rằng Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia cởi mở, dân chủ và văn minh hơn. 

Vấn đề là Việt Nam làm sao đi được con đường do chính mình quyết định để đạt được xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nếu Việt Nam muốn phát triển theo con đường dân chủ và công bằng hơn thì Chính phủ cần tạo điều kiện cho người dân tham gia tiến trình chính trị nhiều hơn.  

HIẾU TRUNG ghi

 

VÕ TRUNG DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên