12/02/2019 12:03 GMT+7

'Cấm' xe lưu thông trên cao tốc là trái luật

TUYẾT MAI
TUYẾT MAI

TTO - Mới đây, Tổng Công ty đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã từ chối phục vụ vĩnh viễn với hai xe ôtô trên tất cả tuyến cao tốc đơn vị này quản lý. Việc này đã gây ra nhiều tranh cãi về pháp lý.

Cấm xe lưu thông trên cao tốc là trái luật - Ảnh 1.

Trạm thu phí trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo phía VEC, quy định này căn cứ theo Nghị định 32 của Chính phủ về quản lý khai thác và bảo trì công trình cao tốc và Thông tư 90 của Bộ GTVT hướng dẫn một số nội dung về quản lý, khai thác và bảo trì công trình cao tốc và Quyết định số 13 của Hội đồng thành viên VEC về việc ban hành Quy định từ chối phục vụ và phục vụ trở lại đối với các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia trên các tuyến đường cao tốc.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia pháp lý thì việc căn cứ vào các văn bản như nêu trên là không hợp lý.

Cấm theo quy định nội bộ là sai?

Luật sư Huỳnh Công Thư (Đoàn Luật sư tỉnh Long An) cho rằng theo Khoản 7 Điều 3, Nghị định 32 thì VEC là đơn vị nhận khai thác cao tốc trên đường cao tốc thông qua hợp đồng chứ không phải là cơ quan Nhà nước trực thuộc Bộ GTVT.

VEC là một pháp nhân thương mại theo qui định của pháp luật dân sự, không phải là một pháp nhân công quyền nên không có quyền ra quy định "cấm" hay "cho phép" bất cứ điều gì đối với ai. 

Mặt khác, các văn bản pháp luật mà VEC viện dẫn như Nghị định 32 của Chính phủ và Thông tư số 90 của Bộ GTVT đều không có quy định nào cho phép đơn vị được giao khai thác quản lý đường cao tốc được cấm xe lưu thông trên đường cao tốc. 

Còn đối với Quyết định 13 của HĐTV VEC thì quyết định này chỉ là quyết định nội bộ, không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên không có căn cứ cấm đối với người ngoài VEC.

Theo qui định của pháp luật hiện hành, quyền dân sự của công dân chỉ bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do an ninh, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khỏe cộng đồng (Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013, Khoản 2 Điều 2 BLDS 2015). 

Điều này có nghĩa là, ở nước ta, chỉ có Quốc Hội mới có thẩm quyền cấm, hạn chế quyền dân sự của cá nhân, tổ chức.

Do đó, việc VEC viện dẫn các văn bản trên để cấm hai phương tiện lưu thông trên cao tốc là trái pháp luật và lạm quyền.

Đồng ý kiến, luật sư Trần Bá Học (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng VEC không phải là cơ quan quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.

Nói cách khác VEC là một doanh nghiệp được nhà nước cho phép đầu tư để thu phí chứ không phải chủ sở hữu con đường nên không có quyền được cấm phương tiện giao thông trên đường cao tốc. Việc ban hành văn bản này là vi hiến, cản trở quyền tự do đi lại của công dân.

Không thể cấm đối với phương tiện

Đồng ý kiến, theo luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) việc VEC từ chối phục vụ vĩnh viễn với hai xe ôtô trên tất cả tuyến cao tốc đơn vị này quản lý là không đúng quy định pháp luật.

Bởi xe là phương tiện giao thông, được cơ quan có thẩm quyền kiểm định và được phép lưu thông trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Bản thân phương tiện không có lỗi. Lỗi nếu có là của người điều khiển, sử dụng phương tiện.

Bên cạnh đó, xe còn là tài sản, chủ sở hữu có thể mua, bán, chuyển nhượng xe cho chủ sở hữu khác. Nếu chủ sở hữu này không vi phạm thì không được quyền tước bỏ quyền sử dụng xe chạy trên cao tốc. Vì vậy, việc cấm hai xe ôtô trên tất cả tuyến cao tốc đơn vị này quản lý là không hợp lý.

Còn đối với người điều khiển phương tiện giao thông, nếu lái xe vi phạm cơ quan chức năng có thể xử phạt tước giấy phép lái xe... Tuy nhiên, doanh nghiệp không có quyền này.

Có thể khởi kiện 

Theo luật sư Huỳnh Công Thư, quyền đi lại trên cao tốc của chủ phương tiện chính là quyền dân sự của cá nhân, của chủ sở hữu tài sản đối với phương tiện giao thông đã được pháp luật quy định và bảo vệ.

Chủ sở hữu có quyền khai thác, vận hành, quản lý tài sản của mình theo đúng qui định của pháp luật và không bị hạn chế, cấm đoán trái pháp luật của bên thứ 3. 

Nếu quyền dân sự, quyền sở hữu của công dân bị xâm phạm thì cá nhân công dân đó được quyền tự bảo vệ hoặc yêu cầu cơ quan Tòa án hoặc các cơ quan Nhà nước như Cục quản lý đường bộ, Bộ GTVT bảo vệ quyền tự do đi lại và quyền khai thác sử dụng tài sản của mình (Điều 14 BLDS 2015). 

Tưong tự, luật sư Học cũng cho rằng chủ phương tiện không được lưu thông kể trên có quyền khởi kiện VEC để yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu cho rằng văn bản VEC ban hành gây ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.

Tổng cục Đường bộ: Chỉ có thể xử lý người cầm lái, chứ không thể cấm xe Tổng cục Đường bộ: Chỉ có thể xử lý người cầm lái, chứ không thể cấm xe

TTO - Tối 11-2, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có ý kiến liên quan vụ ngưng tiếp nhận vĩnh viễn hai ôtô đi vào các tuyến đường cao tốc mà Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, khai thác.

TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: VEC Cấm xe luật sư