04/01/2007 05:00 GMT+7

Cấm xe ba gác: Tài xế thất nghiệp!

ĐỨC VỊNH - NGỌC DIÊN - THÁI LŨY - TRẦN THẢO NHI
ĐỨC VỊNH - NGỌC DIÊN - THÁI LŨY - TRẦN THẢO NHI

TT - Nhiều tỉnh thành cấm xe lôi, xe ba gác, xe lam... hoạt động. Tuy nhiên, giới tài xế đang đối mặt với nguy cơ thất nghiệp và nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn.

nbC0Jo8c.jpgPhóng to

“Cấm xe ba gác trong khi chưa biết làm nghề gì, chúng tôi biết lấy gì nuôi con?” - anh Nguyễn Thành Hán (xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân, An Giang) nói - Ảnh: Đức Vịnh

Việc vận chuyển hàng hóa, nông sản... cũng bị ách tắc.

An Giang: rất ít người tìm được nghề mới

Mặc dù lệnh cấm xe tự chế hoạt động tại An Giang có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1-1-2007 nhưng ba ngày qua trên các tuyến đường thỉnh thoảng vẫn gặp xe ba gác chở hàng. Khi được hỏi tại sao đã bị cấm mà vẫn còn chạy, anh Lê Thái Tư, một chủ xe, thở dài: “Chứ biết làm gì để sống đây!”. Anh kể hoàn cảnh gia đình anh khá chật vật, không đất đai. Vợ anh bán rau cải lặt vặt. Mỗi sáng sớm anh chở vợ đi bỏ hàng rồi tranh thủ chở mướn để kiếm thêm vài chục ngàn nuôi ba đứa con nhỏ đang tuổi đi học và cha mẹ già nay yếu mai đau. Hỏi anh có dự tính tìm nghề gì khác không, anh lẳng lặng lắc đầu: “Dân ba gác tụi tui vốn nghèo, chạy xe chỉ đắp đổi qua ngày. Có tính cũng không được”.

Đó cũng là tâm trạng, tình cảnh của 3.676 chủ xe ba gác ở An Giang. Quyết định cấm xe tự chế hoạt động mặc dù được UBND tỉnh dời lại đến đầu năm 2007 mới thực hiện để có đủ thời gian cho số chủ xe này chuyển đổi nghề, tìm kế mưu sinh khác, tuy nhiên số người đã tìm được nghề mới rất ít. Đến nay trong số chủ xe nói trên mới có khoảng 350 người đăng ký theo học bằng lái xe B2, mà số đã có bằng này cũng chẳng bao nhiêu người... leo lên được xe bốn bánh, bởi phần lớn họ không đủ khả năng sắm nổi xe tải nhẹ. Anh Nguyễn Bảo Tài - ấp Phú Cường, xã Phú Thạnh, Phú Tân - nói: “Chiếc xe ba gác đối với chúng tôi là cả gia tài rồi. Làm sao sắm nổi xe tải”. Còn xin chạy thuê thì chẳng mấy ai dám thuê vì cho rằng họ chỉ là tài xế xe ba gác mới “nâng cấp” chưa có kinh nghiệm, chưa quen tay lái.

Mấy năm qua tỉnh có chủ trương hỗ trợ vốn và đào tạo nghề nhưng việc thực hiện ở các địa phương lại quá chậm. Ông Lê Tùng Anh - chủ tịch UBND thị trấn Phú Mỹ (Phú Tân), nơi có khá đông xe ba gác - cho biết “vừa mới xúc tiến”. Ngoài ra mức hỗ trợ cũng chẳng là bao, còn vay vốn thì phải có tài sản thế chấp mà hầu hết người chạy xe ba gác thường không có đất đai hay tài sản có giá trị nên hiện phần lớn chủ xe ba gác trong toàn tỉnh chưa tìm được nghề mới. Họ đang thất nghiệp, gia đình lâm cảnh khó khăn, bế tắc.

oaJI2ILV.jpgPhóng to
Ảnh : Đức Vịnh
Nhìn ngoài góc độ đảm bảo an toàn giao thông, có thể nói xe ba gác tỏ ra rất tiện dụng, cơ động trong vận chuyển, chuyên chở các loại hàng hóa, nông sản, nhất là ở những nơi đường sá nhỏ hẹp. Trong điều kiện hiện nay hệ thống cầu đường nông thôn chưa đảm bảo cho xe tải qua lại thì sử dụng xe ba gác có thể nói là tối ưu, chi phí thấp. Nay cấm xe ba gác nhưng chưa có phương tiện vận chuyển thay thế hữu hiệu. Trong ảnh: xe ba gác vận chuyển nông sản tại An Giang.
Sóc Trăng: bố mất nghề, con phải nghỉ học

Xe lôi máy đã bị cấm hoạt động trên quốc lộ 1A, quốc lộ 60 và 13 tuyến đường trong nội ô thị xã Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) từ ngày 1-7-2004. Nhiều người cho rằng từ ngày xe lôi máy bị giới hạn hoạt động ở một số tuyến đường nhiều người nghèo lao đao, mất công ăn việc làm.

Anh Sơn Chánh Thi ở ấp Hòa Khanh, xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên trước đây là thành viên của Hợp tác xã vận tải thủy bộ thị xã Sóc Trăng, có một chiếc xe lôi máy chạy tuyến thị xã Sóc Trăng - Trà Cuông (Mỹ Xuyên) với thu nhập gần 100.000 đồng/ngày. Từ ngày xe lôi máy bị cấm chạy trên tuyến đường này cuộc sống của gia đình anh thật vất vả bởi nghề vá xe giờ đây chỉ mang lại cho gia đình anh Thi trên 10.000 đồng/ngày.

Anh nói với giọng buồn: “Lúc trước lãnh đạo hợp tác xã nói sẽ được tỉnh cho vay tiền chuyển đổi nghề nghiệp nhưng chờ hoài mà chẳng vay được đồng nào. Giờ đây phải chạy gạo từng lon nên hai đứa con đang học lớp 7 và lớp 3 phải nghỉ học theo mẹ đi làm thuê, ai kêu gì thì làm đó”.

Không kham nổi cuộc sống quá nghèo khó, chờ mãi mà chẳng được hỗ trợ vốn để chuyển đổi nghề, một số người ở xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên), xã Thuận Hòa (huyện Mỹ Tú) đã “chạy chui” vài cuốc xe vào chiều tối hoặc rạng sáng trên vài tuyến đường cấm để đưa đón học sinh; một số gánh rau cải, nông sản... từ dưới quê ra thị xã kiếm một hai chục ngàn mỗi ngày. Cũng có người học nghề lái xe bốn bánh để xin làm tài xế xe khách nhưng số này chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Cần Thơ: “quên” hỗ trợ tài xế chuyển đổi nghề?

Ông Trần Anh Việt - quyền giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Sóc Trăng - cho biết: “Xe lôi máy rất thuận lợi trong việc chuyên chở hàng hóa và hành khách ở một số tuyến đường. Tuy nhiên qua thống kê của ngành chức năng cho thấy trước đây có rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến xe lôi máy. Từ khi cấm xe lôi máy hoạt động trên tuyến quốc lộ 1A, tai nạn giao thông trên tuyến đường này giảm đáng kể”. Theo ông Việt, thời gian tới sẽ cấm hẳn xe lôi máy trên địa bàn toàn tỉnh.

Từ quan điểm cho rằng khoảng 30% vụ tai nạn giao thông trên địa bàn là do xe lôi và xe ba gác gây ra, UBND TP Cần Thơ đã có chủ trương cấm xe lôi, xe ba gác trên một số tuyến quốc lộ. Cụ thể, mới đây UBND TP Cần Thơ ban hành chỉ thị nêu rõ: từ ngày 1-7-2007, Cần Thơ cấm xe lôi máy, xe ba gác máy lưu thông trên toàn tuyến quốc lộ thuộc địa bàn TP.

Cụ thể: tuyến QL1A đoạn từ phà Cần Thơ đến giáp ranh tỉnh Hậu Giang; QL80, từ ngã ba Lộ Tẻ đến giáp ranh tỉnh Kiên Giang; QL91, từ ngã tư bến xe mới đến giáp ranh tỉnh An Giang. Trước khi áp dụng việc cấm lưu thông hoàn toàn trên tuyến quốc lộ, từ đầu năm 2007 đến cuối tháng 6-2007, xe lôi máy, ba gác máy chỉ được lưu thông trên tuyến quốc lộ từ 19g tối đến 5g sáng.

Theo cơ quan chức năng, trên địa bàn TP Cần Thơ hiện có trên 800 xe lôi máy, ba gác máy. Tuy nhiên, thực tế số lượng xe gấp nhiều lần. Những tuyến chính lưu thông hàng hóa, hành khách từ các quận huyện ngoại thành về trung tâm TP đều là tuyến quốc lộ, vì vậy cấm sẽ gây khó khăn cho người dân. Bởi phần lớn những người chạy xe ba gác máy, xe lôi máy đều nghèo. Cách đây gần hai năm, Cần Thơ từng cấm xe lôi, ba gác trên một số tuyến đường và đưa ra giải pháp hỗ trợ những người lái xe ba gác máy, xe lôi máy chuyển đổi nghề nghiệp, nhưng rồi bị... “lãng quên”. Trong khi đó chỉ thị vừa ban hành lại chỉ đề cập lộ trình cấm xe ba gác, xe lôi máy lưu thông trên các tuyến quốc lộ mà không đề cập việc hỗ trợ để chuyển đổi nghề cho các đối tượng hành nghề chở khách, hàng hóa bằng phương tiện này.

Kontum: giúp chúng tôi tìm việc làm

Những “xế” ba gác trên địa bàn tỉnh Kontum mà chúng tôi gặp hầu hết đều rất nghèo, không có việc làm ổn định. Cuộc sống của gia đình chủ yếu trông chờ vào chiếc xe ba gác. Tuy đồng tình với chủ trương cấm xe ba gác của tỉnh nhưng đa số họ chưa biết làm nghề gì để mưu sinh sau khi “giải nghệ”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay chỉ có một nhóm hoạt động tại bến xe Kontum gồm hơn mười người vừa chung tiền mua được bốn chiếc xe tải nhỏ (1,5 tấn). Còn đa số chưa tìm được nghề mới thay cho nghề vất vả, khó nhọc này.

Chính vì vậy khoảng 500 “xế” ba gác tại Kontum đang rơi vào cảnh khốn khó dở khóc dở cười. “Để có được con xe này, chúng tôi phải bỏ ra 5-7 triệu đồng, nhưng giờ đây bán ai mua?” - một “xế” nói mà như mếu.

Trao đổi với chúng tôi, các “xế” ba gác đều chung nguyện vọng: rất mong các cấp chính quyền tạo điều kiện cho họ chuyển đổi ngành nghề. Chẳng hạn như giới thiệu, tạo việc làm ổn định, tạo nguồn vốn vay ưu đãi... Nếu được như vậy thì mới giúp họ ổn định cuộc sống hiện tại và cả tương lai.

ĐỨC VỊNH - NGỌC DIÊN - THÁI LŨY - TRẦN THẢO NHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên