VFF phải chịu trách nhiệm về hình ảnh đổ gục của các tuyển thủ VN trong trận thua thảm Thái Lan đêm 13-10 - Ảnh: Q.Minh |
Chúng ta thử nghĩ nếu ở trận đấu đêm 13-10 ông Miura kiên định bắt đội tuyển VN đóng vai kẻ yếu, đặt một “chiếc xe buýt hai tầng” trước cầu môn, bật đèn xanh cho cầu thủ “chém đinh chặt sắt” như ở trận lượt đi thì sao? Tôi nghĩ nếu chơi kiểu ấy vẫn có thể hòa, thậm chí biết đâu ăn may. Nhưng đóng vai chủ nhà, đối thủ lại cùng trong khu vực Đông Nam Á (tương đồng về thể hình) chứ không phải đối đầu với Nhật Bản, Hàn Quốc, Iraq, UAE... nên chơi kiểu như lượt đi thì quá tệ.
“Cái cần thiết hiện nay không chỉ là đi tìm một HLV cho đội tuyển VN, mà là việc huy động sức mạnh toàn xã hội để đi tìm một cách làm (mới) cho bóng đá VN đang rơi tự do không lối thoát |
Nhà báo Nguyễn Lưu |
Những câu hỏi...
Có lẽ không muốn bị đánh giá quá tệ, nên ông Miura quyết định chơi sòng phẳng với HLV Kiatisak, thể hiện qua đội hình xuất phát với ba tiền đạo Công Vinh - Văn Quyết - Mạc Hồng Quân. Và một khi quyết định chơi tay bo thì biết ngay ai đá, ai vàng. Và thà thế còn hơn cứ tử thủ cầu hòa, để rồi lại cứ ảo tưởng bóng đá Việt thua kém người Thái không bao nhiêu.
Và những gì giải thích ở trên là lý do chúng tôi muốn cảm ơn ông Miura, khi đã giúp bóng đá Việt biết mình đang ở đâu!
Rõ ràng nếu bóng đá Việt mà hòa hay thắng Thái Lan trong thời điểm hiện nay, điều đó là một nghịch lý, là một đột biến nhất thời không đủ để thay đổi bản chất của một nền bóng đá. Chúng ta thử đặt ra một số câu hỏi: 1 - Một nền bóng đá kiểu gì mà có những đội mạnh như SLNA bỗng dưng xìu hàng loạt trận cuối V-League 2015 khiến CĐV bất bình, nghi ngờ tiêu cực? Nhưng điều đó được giải thích là cầu thủ hết động lực khi hết cửa vô địch, đồng thời cũng không có cửa xuống hạng. Một lời giải thích đầy nghiệp dư như thế nhưng lại được các nhà quản lý bóng đá Việt đồng tình, thể hiện qua báo cáo tổng kết giải. 2 - Một nền bóng đá kiểu gì mà có những người được gọi là nhà quản lý đội bóng chuyên nghiệp, nhưng công khai chuyện mỗi năm phải ngửa tay xin ngân sách tỉnh? 3 - Một nền bóng đá kiểu gì mà khán đài ngày càng vắng, nhưng người làm bóng đá chẳng thèm bận tâm? 4 - Một nền bóng đá kiểu gì mà cái việc đơn giản nhất là khâu trọng tài cũng mất niềm tin, đến độ đi nhờ trọng tài Nhật, Thái, Malaysia sang điều hành giúp những trận đấu gay cấn? 5 - Một nền bóng đá kiểu gì mà 14 đội dự V-League chỉ lèo tèo vài CLB có làm công tác đào tạo trẻ? 6 - Một nền bóng đá kiểu gì mà tồn tại tình trạng lãnh đạo đội bóng “rút ruột” CLB của mình bằng cách thuê cầu thủ ngoại giá thấp rồi kê giá cao?...
Nền bóng đá với quá nhiều “bệnh” như thế thì sao thắng được người Thái, khi Thai-League của họ đang hết sức sôi động, thu hút tài trợ từ Toyota cao gần gấp 6 lần chúng ta; tiền bản quyền truyền hình họ đã thu được bạc triệu USD, còn ta gần như là số không?
Đừng “chuyển lửa” về phía ông Miura
Có lẽ không cần trả lời những câu hỏi nêu trên cũng biết được thực trạng của nền bóng đá Việt đã trì trệ như thế nào.
Vậy thì chúng ta gay gắt với ông Miura làm gì? Lẽ ra “lửa” phải được chuyển về chỗ khác. Đó chính là VFF (LĐBĐ VN). Chúng ta chê ông Miura huấn luyện không hay, chúng ta chê Công Vinh già nua... nhưng đó là vì họ điều binh khiển tướng, thi đấu trên sân Mỹ Đình, trước hơn 30.000 khán giả cùng hàng triệu người khác xem trực tiếp qua truyền hình. Nhưng có một “trận đấu” không diễn ra công khai nên không ai thấy, song thử mổ xẻ xem mới thấy chúng ta thua người Thái còn thê thảm hơn, đó chính là “cân đo đong đếm” VFF với FAT (LĐBĐ Thái Lan). Vì vậy sẽ là một nghịch lý và bất công khi “thượng tầng” - VFF thua kém toàn diện trước FAT, nhưng “hạ tầng” - đội tuyển lại lãnh búa rìu dư luận!
Nói đến “thượng tầng” của bóng đá Việt thật sự đã đến mức không thể chấp nhận được, mà ở đây xin nêu ra câu chuyện ông phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn kiêm đến 15 chức danh (cả ở VFF lẫn các tổ chức bóng đá quốc tế). Khi nhiệm kỳ 7 VFF bắt đầu hoạt động, sau khi nghe tin ông Tuấn được giao phụ trách Hội đồng HLV quốc gia, cả làng bóng đều ngỡ ngàng bởi ông này chưa hề có một ngày làm công tác huấn luyện. Thậm chí nhiều người trong thường trực VFF cũng bức xúc cho rằng họ chẳng biết chuyện này, mà nó chỉ được quyết định như trong vòng bí mật giữa hai người có quyền lực. Chuyện phi lý như thế, nhưng cũng đã kéo dài mấy năm trời và đến ngày 13-10 thì ông này mới chấp nhận nộp đơn xin từ chức chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia.
Liệu việc từ chức một chức danh như thế là đã đủ, hay lại rơi vào kế “kim thiền thoát xác” như từng một lần từ chức tổng thư ký ở nhiệm kỳ 6 và trở lại mạnh mẽ hơn xưa ở nhiệm kỳ 7? Tất cả vấn đề này cần được Ban chấp hành VFF, thậm chí cả lãnh đạo Tổng cục TDTT mổ xẻ đến nơi đến chốn. Và đó là chuyện cần làm đến nơi đến chốn, trước khi tính chuyện thay hay không thay ông Miura. Bởi thượng tầng - VFF có bắt kịp người Thái thì mới mong hạ tầng - đội tuyển chuyển mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận