Tất cả chỉ vì con không chịu nghe lời cô giáo, thường quấy phá trong lớp và hay đi học muộn. Sang đầu năm lớp 7, tôi đã buộc phải chuyển lớp cho con.
Với lý lịch nghịch ngợm của con, tôi đã lo cô giáo lớp mới sẽ từ chối hoặc làm khó dễ. Nhưng cô chỉ cười hiền: “Chị cứ về đi, để cháu vào lớp”. Tôi nói với cô: “Thật sự là cháu rất nghịch ngợm, mong cô để ý giùm cho”. Cô giáo vẫn nở nụ cười: “Đấy là bổn phận của chúng em mà, chị đừng lo”.
Tôi hơi ái ngại vì cô giáo còn trẻ, chắc gì quản nổi con tôi? Thi thoảng tôi gọi điện hỏi cô: “Cu Dũng nghịch lắm phải không cô?”. Cô trả lời: “Em biết phương pháp nào hợp với cháu mà. Chị đừng quá lo lắng”. Tôi gợi ý: “Nếu cháu làm gì sai thì cô cứ phạt, cứ trách mắng, không cần phải nương tay đâu cô”.
Sau đó thi thoảng tôi vẫn hỏi con xem cô có phê bình gì không thì con bảo rằng: “Cô chỉ nhắc nhở nhẹ chứ không mắng”.
Có hôm đi học về, con trai tôi khoe: “Con được làm lớp trưởng mẹ ạ”. Tôi cứ tưởng nghe nhầm nên hỏi lại: “Có thật không? Con nói đùa à? Con làm lớp trưởng siêu quậy à?”. Con dứt khoát: “Thật mà, không tin mẹ hỏi cô giáo đi”.
Tôi gọi điện hỏi cô: “Có phải cháu Dũng nhà tôi được làm lớp trưởng không cô?”. Cô giáo dịu dàng nói: “Vâng, phải lấy độc trị độc chị ạ”.
Nhưng đúng là từ khi “lên chức” lớp trưởng, con trai tôi trở nên dễ bảo, có trách nhiệm hơn, không còn cứng đầu, nghịch ngợm như trước nữa. Để ý thấy con không còn đi học muộn như trước vì như con nói là “Làm lớp trưởng thì phải gương mẫu”.
Tôi nhận ra phương pháp giáo dục của cô giáo thật tinh tế. Cô không trách phạt mỗi khi con tôi quậy phá lớp hay nói chuyện riêng mà chỉ nhỏ nhẹ nhắc nhở, rồi đưa con vào khuôn khổ với chức danh lớp trưởng.
Cô giáo còn nhận định: “Cháu Dũng tuy nghịch ngợm, hay nói chuyện riêng trong lớp nhưng lại rất thông minh, hiểu bài nhanh và nhiều tài lẻ. Nếu cháu được đặt đúng vị trí sẽ phát huy được thế mạnh. Em đã suy nghĩ rất nhiều và làm phép thử này, để cháu làm lớp trưởng xem sao”.
Là người mẹ, bấy lâu nay trong mắt tôi con trai là đứa khó bảo, không ngoan. Tôi không nhìn ra hay cố tình không công nhận những mặt tốt của con, đó là cái sai của mình. Nhờ cô giáo nhắc nhở tôi mới nhận ra mình còn nhiều thiếu sót trong nuôi dạy con.
Cảm ơn cô đã cho con tôi làm lớp trưởng, con đã ngoan khi được đặt niềm tin như thế...
“Cô là hình tượng để vươn tới” Những bài giảng, cách truyền đạt của thầy cô là điều bạn đọc thường ấn tượng và chia sẻ với “Dạy học bằng cả yêu thương”. Không chỉ thế, những thầy cô sẵn sàng giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn, tạo mọi điều kiện để học sinh đến trường như bao bạn bè đồng trang lứa luôn được nhắc đến một cách trân trọng và yêu thương. Chính những điều đó tạo nên động lực, nuôi dưỡng ước mơ cho những học trò năm nào trở thành thầy giáo, cô giáo gương mẫu, yêu thương học sinh như hiện nay... Đó là những nội dung chính mà bạn đọc gửi về cho chuyên mục thời gian qua. Bên cạnh đó, chuyên mục cũng nhận được bài viết của các tác giả Vũ Thụy Như Phương, Trần Văn Tám, Trần Ninh (TP.HCM), Lê Quang Vũ (Tiền Giang), Lê Đức Đồng (Sóc Trăng), Nguyễn Khắc Luân (Tây Ninh), Đỗ Thanh Lam... Kính mời bạn đọc tham gia chuyên mục bằng cách gửi bài, ảnh hoặc cung cấp thông tin về các tấm gương thầy cô giáo... (những thông tin cung cấp có giá trị về các tấm gương thầy cô giáo sẽ được Tuổi Trẻ tặng quà) qua địa chỉ giaoduc@tuoitre.com.vn hoặc báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. (Ngoài bì thư xin ghi rõ chuyên mục “Dạy học bằng cả yêu thương”, bài tham gia xin vui lòng ghi rõ địa chỉ tác giả, tài khoản ngân hàng). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận