25/05/2007 07:04 GMT+7

Cảm nhận từ Dòng máu anh hùng: Còn mong gì hơn?

KATE
KATE

AT - Năm 1922, phong trào kháng chiến chống Pháp diễn ra khắp nơi trên nước VN, vì thực dân Pháp ra sức chiếm đoạt đất đai, tài sản và bóc lột nhân dân ta.

sCUyFqtW.jpgPhóng to
Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh...

Rồi sao nữa?

Nếu phải tóm tắt phim thì chỉ có thể kể theo kiểu “bài giảng lịch sử” như vậy. Về nội dung, rõ ràng chẳng mới. Môtíp cũng cũ rích, theo dạng “anh hùng cứu mỹ nhân”. Chỉ có phương thức làm phim là tương đối mới (so với cách mà các đạo diễn VN thường làm). Đó là phương thức Rồi sao nữa? (What's next?) “rặt” Hollywood. Với phim hành động - võ thuật, không kiểu làm nào thích hợp hơn what's next.

Người xem cứ bị cuốn vào từng cảnh quay, từng pha hành động liên hồi để biết cái gì sẽ xảy ra tiếp theo. Và dĩ nhiên người làm phim cũng luôn cố hết sức để cung cấp cho người xem những hình ảnh sống động, bắt mắt, nhanh như chớp, vô cùng cuốn hút. Người xem được thỏa mãn thị giác đến phủ phê nên chẳng thèm nhớ hay quan tâm nhiều đến nội dung, huống hồ chi là những chi tiết không hợp lý.

Cái “mất” lớn nhất của kiểu làm phim này là khán giả luôn thấy “đã” khi ngồi trong rạp với súng đạn “bùm bùm” bên tai, những màn đánh đấm, rượt đuổi đến nghẹt thở, những pha mạo hiểm thót tim và kể cả những cảnh “nóng” đến... toát mồ hôi. Nhưng khi bước ra khỏi rạp, đôi lúc khán giả chẳng biết nội dung phim là gì, ai đóng vai nào, thậm chí quên luôn cái... tựa phim. Không ít bộ phim hoành tráng của Hollywood đã rơi vào tình cảnh đó. May thay, Dòng máu anh hùng lại không như thế.

OuWbVJTX.jpgPhóng to

Tinh thần ái quốc

Khán giả sẽ nhớ những cú xoay người, bay đá, kẹp cổ đối phương thật đẹp mắt của hai diễn viên chính Ngô Thanh Vân (vai Thủy) và Johnny Trí Nguyễn (sĩ quan mật thám Cường). Nhớ mấy cảnh Thủy bị trấn nước, bị đánh đập đến thân tàn ma dại; nhớ những cảnh đối mặt giữa Cường và Sĩ (Dustin Nguyễn thủ vai); nhớ những pha đấu súng, những cuộc rượt đuổi, truy sát “hà rầm” trong phim.

Nhưng sau tất cả những màn “đánh đấm tơi tả”, phim vẫn có những khoảng lặng cần thiết, đủ để khán giả kịp “thấy” được cái mà đạo diễn và êkíp làm phim muốn chuyển tải đến người xem. Đó là lòng yêu nước, sự hoài mong về nơi chôn nhau cắt rốn của những người con xa xứ.

Thành phần chủ lực (đạo diễn, diễn viên, nhà sản xuất, hóa trang, thiết kế trang phục...) của Dòng máu anh hùng là những Việt kiều xa quê đã nhiều năm. Cho nên họ mới chọn đề tài lịch sử - đề tài mà có lẽ họ vẫn còn nhớ bằng ký ức qua những câu chuyện kể của cha ông, mà họ có thể dễ dàng tìm hiểu dù đang sinh sống ở bất cứ nơi đâu. Chuyện phim của những Việt kiều dẫu khá đơn giản và có đôi ba chỗ bất hợp lý nhưng khán giả vẫn thấy “OK!” bởi họ đã thỏa được thị hiếu nghe-nhìn của mình (hình ảnh đẹp, âm thanh hay, đánh đấm sinh động, lôi cuốn...).

Đúng kiểu làm phim “What's next?”, tựa phim (gốc) được đặt khá “sốc”: The rebel (Quân phiến loạn). Tuy thế, đó chỉ là nghĩa đen. Với những gì diễn ra trong phim, có thể thấy tựa tiếng Việt - Dòng máu anh hùng - là chấp nhận được và không có vẻ gì kiên cưỡng hay mang tính cổ động. Những nhân vật trong phim quả là anh hùng. Người Việt (và cả người nước ngoài) rất thích hình tượng anh hùng. Càng thích hơn nữa khi các anh hùng đó “rất Việt Nam”: chân đất, áo vải, gậy gộc, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Các “tuyệt chiêu” trong phim như bay lên, xoáy người nhanh tựa cơn lốc, dùng chân kẹp cổ rồi vật đối thủ xuống..., vui thay cũng là những thế Vovinam (Việt Võ Đạo).

JebxQwvH.jpgPhóng to

Phim dã sử trong một bối cảnh hỗn loạn, đau thương vì đất nước đang bị đô hộ và những cuộc khởi nghĩa dấy lên từng ngày, vậy mà vẫn thấy con người, phong cảnh VN sao quá hiền hòa, yên bình. Có lẽ, đó là những gì in sâu trong tâm trí của những người con xa quê. Để rồi sau những màn phô diễn của bộ phim dã sử - hành động - võ thuật này, người xem vẫn còn kịp nhớ vài lời thoại đắt giá:

“Kẻ sát nhân có tìm được sự bình yên trong tâm hồn hay không?” (Cường), “Ở Pháp, mỗi lần đi đến đâu, tôi đều mong quê hương mình được phồn thịnh như vậy.” (Cường); “Phải biết hấp thu cái hay, cái đẹp của người ta thì mới khá được” (cha của Cường)...

Dòng máu anh hùng dẫu vẫn mắc phải nhiều lỗi linh tinh nhưng đã hấp thụ được cái hay, cái đẹp, cái được ưa chuộng của các nhà làm phim Hollywood. Vì vậy, ngay cả cái bị cho là dở nhất phim, đài từ và giọng nói kiểu phim Hong Kong của các diễn viên chính, cũng được khán giả VN (vốn rất vị tha) bỏ qua. Như nick hoasuasg đã viết: “Cường và Sĩ đều là những “đứa” làm cho Pháp, nói tiếng Việt lơ lớ cũng phải. Còn Thủy thì là “dân” nghĩa quân, sống trong rừng, tối ngày đánh đấm, chạy loạn nên ăn nói cộc lốc, đơn đớt, quê mùa cũng hợp lý”.

Nếu đem ra thị trường phim hành động quốc tế thì Dòng máu anh hùng chỉ thuộc hạng B. Nhưng so thị trường phim trong nước nhiều năm qua thì Dòng máu anh hùng là một “bước tiến đáng kể” khi giới thiệu được lối làm phim hiện đại, êkíp làm phim đầy nhiệt huyết, dàn diễn có tài và “bắt mắt”, nội dung phim sạch sẽ, tạo được sự thích thú và có cái đọng lại trong lòng khán giả. Còn mong gì hơn nữa?

KATE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên