Chương trình "Vì ngày mai phát triển " lần 167 - Báo Tuổi Trẻ. Học bổng "Ươm mầm tài năng" năm 2003. Đơn vị tài trợ: Gạch Đồng Tâm
![]() |
Sinh viên Đại học Cần Thơ Đoàn Văn Thanh - Ảnh: Quang Vinh |
Nhà Cái đã nghèo lại gặp nạn. Đầu năm lớp 9, vừa tan trường về, Cái đã thấy phên vách nhà văng tứ phía, tập sách ướt sũng. Cơn lốc xoáy đã giật sập ngôi nhà che nắng mưa của gia đình. Mẹ Cái phải vào viện vì cây đè bầm tím người, bốn chị em phải nương náu tạm nhà hàng xóm cả tháng trời. Cũng kể từ ngày ấy, người chị thứ hai của Cái nghỉ học để phụ giúp gia đình.
Cái định bụng xin phép Vú, Cậu lên Sài Gòn học nghề thợ bạc mưu sinh nhưng Vú không đồng ý. Vú nói: “Chuyện tiền bạc không cần bây lo, nghỉ học đừng về nhà này nữa!”. Đêm hôm đó, mới 4 giờ sáng Cái đã thấy Vú, Cậu lục đục ra khỏi nhà mãi tới chiều mới về, tay cầm mấy quyển tập mới đưa cho Cái rồi bảo: “Đây, ráng mà học!”.
Thương cha mẹ, Cái thức khuya, dậy sớm, sau giờ đến lớp Cái theo mọi người đi đốn mía. Vú, Cậu biết chuyện quở trách sao bỏ bê việc học. Cái chìa tờ giấy khen học sinh giỏi học kỳ I ra khoe: “Con vừa học vừa làm lại được trường khen...”.
Ngày hè, mùa lũ năm 2002, cánh đồng mía ngập sâu, mọi người hì hục xắn từng khóm mía lòi ra bờ ruộng. Cái cũng lặn ngụp, vác một lần 7-8 bó mía nặng trên nửa tạ mệt đến lả người. Tùy đường đi gần hay xa, từ sáng tới xế trưa, vác nửa công mía được 15.000 - 20.000 đồng, tối về bả vai sưng tấy, trầy xước không thể gượng ngồi. Không ngồi thì nằm tựa lưng vào vách nhà mà học.
Bài học những đêm hè của Cái là các môn văn, sử và Anh văn. Có ai ngờ rằng Cái đã tự học thuộc lòng trên 1.000 câu từ tiếng Anh, học gần hết các bài thơ văn, lịch sử trong sách giáo khoa của lớp 12. Cái nói: “Mình không có tiền đi học thêm các môn toán, lý, hóa nên cứ ngấu nghiến học các môn xã hội để khi vào lớp có thời gian học các môn tự nhiên”. Chỉ trong hè năm lớp 11, Cái đã học gần hết nội dung lịch sử lớp 12...
Đầu năm học 12, Cái vẫn tranh thủ theo cô chú ngồi đò đi đốn mía ở vùng xa cách nhà hàng chục cây số. Cái kể: “Lúc đó Vú, Cậu đã còm cõi yếu sức lắm rồi, nếu không có tiền thì anh trai mình cũng phải nghỉ học...”. Cái gắng sức làm, có ngày ghì chân đạp xe vào lớp, sắc mặt quầng đỏ lên đã bị lũ bạn ác mồm trêu chọc: “Mày say xỉn rồi mà còn vào lớp...!”. Tụi bạn ồ cười, Cái cũng cười trừ rồi mở tập ra, phờ phạc vào bài học mới.
Ngày được Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Long An xét tuyển đi thi học sinh giỏi môn lịch sử toàn quốc, thầy Toàn - giáo viên Trường THPT Thủ Thừa - đã dúi vào tay Cái bộ sách luyện thi đại học môn lịch sử vừa mới phát hành và dặn dò: “Gắng học nhưng đừng quá sức”. Sau đợt thi ấy, Cái đã mang về cho trường giải khuyến khích môn lịch sử toàn quốc.
Rồi Cái cũng tốt nghiệp THPT loại giỏi, đậu luôn vào Trường Đại học Cần Thơ - phần thưởng cho cậu học sinh nghèo học giỏi hiếm hoi ở cái xóm Rạch Lò Đường, Tân Thành, Long An. Khi hỏi vì sao chọn ngành sư phạm, Cái nói: “Học sư phạm không phải đóng học phí, được ở ký túc xá. Còn nữa, học lịch sử mình học được nhiều điều kim cổ rất có lợi cho cuộc sống giảng dạy sau này”...
Cuối câu chuyện Cái vào đại học, Đoàn Văn Thanh vẫn còn nhắc đến ông lái mía - người thường cho Thanh nhận việc đi làm thuê vác mía và còn mong muốn Thanh có một việc làm ngoài giờ lên giảng đường để có tiền giảm bớt gánh lo cho cha mẹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận