19/01/2005 00:30 GMT+7

Cái nôi của đế chế

BINH NGUYÊN
BINH NGUYÊN

TT - Trở lại Campuchia, hình như tôi có duyên nợ với xứ sở này. Thời chiến tranh hay những ngày bất ổn chính trị, đảo chính quân sự hay lang thang tìm ra con đường xuyên Đông Dương... hàng chục chuyến đi đã lôi kéo tôi. Và mỗi chuyến đi đến đất nước chùa tháp đều để lại trong tôi cảm giác kỳ lạ: vừa ngần ngại, vừa muốn khám phá.

Tuy8Fm3L.jpgPhóng to
Một thanh niên Khơme ngồi trên một yoni khổng lồ
TT - Trở lại Campuchia, hình như tôi có duyên nợ với xứ sở này. Thời chiến tranh hay những ngày bất ổn chính trị, đảo chính quân sự hay lang thang tìm ra con đường xuyên Đông Dương... hàng chục chuyến đi đã lôi kéo tôi. Và mỗi chuyến đi đến đất nước chùa tháp đều để lại trong tôi cảm giác kỳ lạ: vừa ngần ngại, vừa muốn khám phá.

Trong chuyến đi này tôi dành trọn cho những cung đường tây bắc xa xôi...

Kbal Spean – dòng sông ngàn linga

Xe vượt qua biên giới Ba Vet vào lúc 9g55 sau thủ tục xin visa nhập cảnh tại cửa khẩu giá 25 USD. Những địa danh Svay Chrum, Kien Sray, Koki, Svay Rieng, Prey Veng, Neak Loeung, Phnom Penh... quá quen đã lùi về phía sau lưng. Tôi chọn phương tiện tàu cao tốc để lên Siem Reap và từ đó thuê Honda với giá 15 USD/ngày phóng thẳng về hướng Anlong Veng - một địa danh khét tiếng của thời chiến tranh, mà con đường đi ngang qua ngôi đền cổ kính Banteay Srey người ta gọi là “con đường của máu”.

Từ Siem Reap theo “con đường của máu” lên tới khoảng 50km tôi rẽ phải vào hướng đông bắc, hướng dãy núi KouLen với con đường mòn hiểm trở dẫn lên đỉnh núi theo đúng qui luật: sáng cho phép lên mà không được xuống, sau 12g trưa chỉ được phép xuống mà không lên! Đỉnh KouLen là đầu nguồn dòng sông Siem Reap và là nơi hành hương không thể thiếu của người Khơme, như người Hồi giáo trong đời phải một lần hành hương về thánh địa Mecca vậy.

Năm 802 sau Công nguyên, đích thân nhà vua Jayavarman II đã cho khảo sát, tìm ra đầu nguồn dòng sông Siem Reap và chọn nơi này làm kinh đô đầu tiên của đế chế Angkor - mở đầu kỷ nguyên rực rỡ của dân tộc Khơme mà mãi về sau này người ta vẫn còn nhắc đến một thời huy hoàng, thời kỳ “Đông Nam Á dưới bóng Angkor”, vó ngựa của chiến binh Angkor hùng mạnh mở rộng biên cương đế chế...

KouLen (rộng 37.500 ha) vẫn còn tồn tại 37 ngôi chùa cổ, trong đó có chùa Paang Thom - bởi ngoài bức tượng Phật cao 30m, phần thân tượng dài 9,7m, cao 3,3m được tạc thẳng vào đá hàng ngàn năm tuổi, nơi này còn lưu giữ dấu chân dài 2m, sâu 0,4m mà theo truyền thuyết là dấu chân của vị thần phù hộ thần dân Khơme xây dựng đền Angkor. Ở đây là dấu chân phải, còn dấu chân trái nằm trên đỉnh núi Ba Kheng cách KouLen 50km!

Tôi theo chân Kay - một thanh niên địa phương, đi dọc theo dòng sông Kbal Spean lên thượng nguồn, mà theo thỏa thuận tôi sẽ trả cho Kay chỉ 1 USD. Trong ngôn ngữ Khơme, Kbal Spean có nghĩa là dòng sông ban phước, dòng sông gột rửa tội lỗi. Một cảnh hết sức ấn tượng hiện ra trong mắt tôi khi đi về phía đầu nguồn: bên dưới lòng sông nước lấp xấp đến ống chân là cả một kiệt tác điêu khắc khổng lồ với hàng ngàn ngẫu tượng linga, yoni (ngẫu tượng miêu tả bộ phận sinh dục của nam và nữ) được tạc thẳng vào nền đá của lòng sông.

Không chỉ thế, dưới lòng sông còn có hàng ngàn bức phù điêu chạm trổ tinh vi, sống động các tượng thần Deva - thần giúp đời của người Khơme chống lại quỉ dữ Asura, hàng ngàn tiên nữ apsara mà qua ánh nắng lung linh tôi có cảm giác như họ đang nhảy múa, uốn lượn. Và cũng giống như hàng ngàn bức tượng apsara ở đền Angkor Wat, gương mặt những nàng apsara không gương mặt nào giống gương mặt nào, có nàng thì tươi cười, có nàng trầm mặc, có nàng cười rất tươi, nhưng cũng có nàng cười bí ẩn như thần Bayon.

Ở đoạn khuất sâu trong rừng sâu, chúng tôi phát hiện nhiều mảng điêu khắc khổng lồ chạm trổ nữ thần sắc đẹp Laksmi - biểu tượng của sự phú quí... Thật kỳ vĩ với một di tích huy hoàng, rực rỡ.

Tôi cũng bắt chước những người dân bản địa òa vào làn nước mát lạnh, đám trẻ con trần truồng vô tư nô đùa quanh các ngẫu tượng linga. Phía xa xa, nhiều thanh niên ngồi lên những chiếc linga khổng lồ với vẻ mặt thành kính.

Kay cho biết đàn ông Khơme hành hương về Kbal Spean thường chọn những chiếc linga khổng lồ để ngồi lên nhập thiền cầu xin sức mạnh, còn phụ nữ thì chọn những chiếc yoni khuất sau tán lá rừng để nằm lên mong dòng sông thần xóa bỏ mọi lỗi lầm. Kay cũng tìm một linga to lớn nằm phía bên kia sông để ngồi lên cầu khấn thật lâu...

Nén hương cho người nằm lại

Do hiểm trở và hàng ngàn năm ẩn mình dưới làn nước sâu, mãi đến năm 1968, một nhà thám hiểm người Pháp trong quá trình đi tìm cội nguồn dòng sông Siem Reap mới phát hiện Kbal Spean và từ đó người Khơme xem đây là chốn hành hương để tưởng nhớ cội nguồn rực rỡ.

Theo các nhà nghiên cứu khảo cổ phương Tây, Kbal Spean được nhà vua Hashavarman III cho thực hiện từ năm 1054 với ý tưởng độc nhất vô nhị: biến lòng sông bằng đá dài hơn 4km này thành một tuyệt tác để đời với hàng ngàn linga, yoni, tượng thần và cả một pho sử thi Khơme khắc chìm dưới làn nước.

Để có được tuyệt tác để đời ngàn năm này, các vị vua Khơme đã huy động hàng ngàn thần dân và nô lệ đục đẽo ngày đêm, công việc kéo dài hơn 100 năm và được xem là công trình kéo dài nhất của nền văn minh Angkor.

Hàng ngàn thân phận đã tạc cả xương mình vào lòng sông để hậu thế ngàn năm sau được chiêm bái!

Ngược dòng sông ngàn linga, tôi tiếp tục đi sâu vào trong rừng. Kay bảo tôi nói khe khẽ. Hình như lẩn khuất sau những tán rừng là hình bóng thần linh đang ngắm nhìn thần dân Kay đưa người ngoại tộc vào chốn linh thiêng.

Kay như muốn dành cho tôi một bí mật lớn khi đưa đến xem giếng nước thần, mà theo Kay, mười người hành hương lên đây thì chỉ có một người biết nơi này (!?). Đó là một mạch nước ngầm khá kỳ lạ, nước không sủi lên liên tục mà theo chu kỳ và sắc màu của cát dưới mạch cũng thay đổi theo chu kỳ, khi thì màu vàng, màu nâu, khi lại chuyển sang xám hay màu vỏ trứng gà.

Hài lòng vì được xem giếng thần, tôi “boa” thêm cho Kay 1.000 riel và hỏi còn chỗ nào khám phá nữa không, Kay lắc đầu: vào sâu trong rừng sợ mìn, còn mìn nhiều lắm!

Cho dù được phát hiện vào năm 1968, nhưng do chiến tranh triền miên và nhất là trong những năm 1980 - 1990 nơi đây là căn cứ địa của Pol Pot nên mãi đến năm 2000 người ta mới khai phá một con đường dẫn lên KouLen mà từ đây theo đường chim bay lên Anlong Veng - tổng hành dinh của Pol Pot - chỉ vài chục cây số.

Tôi tiếp tục đi sâu vào rừng, ở nhiều quãng rừng rậm thấy có nhiều bảng cảnh báo không vượt qua vì vẫn còn mìn, đúng như Kay nói. Khuất sau một cánh rừng là một khu nhà sàn có phần xiêu vẹo, xác xơ theo thời gian. Kay cho hay đó là căn cứ của Pol Pot ngày trước, người dân KouLen giữ lại căn cứ này như dấu tích của một giai đoạn kinh hoàng nhất trong lịch sử Campuchia.

Năm 1975, sau khi chiếm giữ được thủ đô Phnom Penh, “thầy giáo thủ lĩnh Angkar” Saloth Sar - tên tục của Pol Pot, đã dựng nên chính phủ Campuchia dân chủ (CPK) với ý đồ thiết lập một đế chế giống như Angkor trước đây đã lấy năm này làm “năm zêrô” và bắt đầu “công cuộc” diệt chủng.

Nếu như các vị tiên đế xây dựng Angkor bằng những phiến đá khổng lồ thì kẻ đồ tể số 1 Pol Pot đã xây dựng đế chế của mình bằng xương và đầu lâu của chính dân tộc mình. Chỉ trong giai đoạn từ 1975 đến tháng 1-1979, ngày bộ đội tình nguyện VN sang giúp người Khơme thoát khỏi thảm họa diệt chủng, đã có hơn 2 triệu người Campuchia bị tàn sát.

Trong những năm 1988, 1989 tôi đã từng rong ruổi khắp các nẻo đường biên giới tây bắc Campuchia với những đơn vị quân tình nguyện VN với tư cách phóng viên chiến trường: Sisophon, Svay Chek, Thma Fuok, Kra Lanh, Banteay Chhmar... nhưng chưa từng một lần được đến Anlong Veng.

Ngày ấy Anlong Veng là địa danh khủng khiếp. Tôi có người bạn học từ bé đã nằm lại đâu đó trên những cánh rừng Anlong Veng, mà trong chuyến đi này tôi muốn đến tận nơi thắp cho bạn nén hương và cũng vì một hiếu kỳ: muốn biết nhà “đồ tể số 1” tại Anlong Veng!

Trong những năm 1980, chính Pol Pot đã đặt tổng hành dinh tại vùng núi KouLen nơi có bàn chân thần giúp xây đền Angkor - cái nôi của đế chế Angkor - như muốn được thần linh phù trợ xây dựng đế chế mới, nhưng đã bị đánh bật khỏi KouLen và chạy về vùng biên giới Anlong Veng. Năm 1998 Pol Pot đã trút hơi thở cuối cùng tại ngôi nhà này, và đến bây giờ người ta vẫn giữ nguyên trạng như một chứng tích chiến tranh.

Đường lên Anlong Veng bây giờ đã được trải nhựa thẳng tắp, nhưng không may cho tôi người dân cho biết hôm nay không thể đến thăm nhà Pol Pot vì đang có đoàn quay phim nước ngoài làm việc, tôi đành quay về Siem Reap. Một nén hương cho bạn trên đường tới Anlong Veng trong buổi chiều tà cũng đã thỏa lòng...

----------------

* Kỳ tới: Nàng Laksmi đã trở lại

BINH NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên