12/12/2009 09:38 GMT+7

Cái giá của xỉ đồng

MINH KHÁI
MINH KHÁI

TT - Sau nhiều năm sử dụng xỉ đồng (còn gọi hạt nix) để phun làm sạch vỏ tàu gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng kéo dài tại vùng vịnh Vân Phong (Khánh Hòa), cuối năm 2007 Hyundai Vinashin (HVS) bị buộc ngừng sử dụng nó. Đồng thời HVS đã nhập các thiết bị công nghệ mới thay cho phun nix, chuyển dần sang đóng mới nhằm tiến tới ngừng sửa chữa tàu biển để giảm gây ô nhiễm môi trường.

Thế nhưng ngày 8-12-2009, khi khởi công xây dựng Nhà máy xử lý chất thải nix Ninh Thủy để xử lý số nix thải đã qua sử dụng của HVS, cả lãnh đạo các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa và chủ đầu tư dự án vừa nêu đều tuyên bố khi nhà máy xử lý này đi vào hoạt động (dự kiến tháng 5-2011) sẽ kiến nghị cho HVS nhập lại hạt nix. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Phạm Khôi Nguyên cũng phát biểu sẽ “tạo điều kiện hoạt động cho các doanh nghiệp sửa chữa tàu biển”.

Cũng theo lãnh đạo chủ đầu tư dự án Nhà máy xử lý chất thải nix Ninh Thủy, khi hoàn thành nhà máy này không chỉ xử lý chất thải nix của HVS mà còn tiếp nhận nix thải của cả các công ty sửa chữa tàu biển trong khu vực. Như vậy tại vịnh Vân Phong sẽ hình thành khu vực quy tập nix thải của nhiều nhà máy sửa chữa tàu biển. Trong khi đó, phía trên nhà máy HVS và nhà máy xử lý chất thải nix không xa là bãi tắm và vùng du lịch Dốc Lết (Ninh Hòa).

Hiện có nhiều dự án du lịch, nghỉ dưỡng đã và đang hình thành tại khu vực này. Nếu HVS tiếp tục sửa chữa, phun nix làm sạch vỏ tàu kéo dài, liệu các khu du lịch ấy có còn khả năng thu hút du khách hay không?

Trên thế giới, nhiều nhà máy tàu biển kể cả ở Trung Quốc, Indonesia, Singapore, Thái Lan đều hạn chế hoặc chấm dứt phun nix, chuyển sang áp dụng các công nghệ mới để làm sạch vỏ tàu bằng các thiết bị phun nước áp lực cao, sử dụng bi sắt để giảm gây ô nhiễm. Còn ở Singapore, việc sử dụng nix được giám sát rất chặt chẽ, chỉ được phun trong các khu vực che kín và buộc phải nộp phí rất cao để nhà nước đầu tư lại cho việc xử lý chất thải nix.

Một tấn nix nhập vào Singapore trị giá khoảng 80 đôla Singapore, khi sử dụng phải nộp phí bảo vệ môi trường tới 70 đôla Singapore (khoảng 50 USD/tấn nix thải). Nếu VN cũng áp dụng thu phí như ở Singapore thì với gần 1 triệu tấn nix đã thải ra, bắt buộc HVS phải nộp khoảng 50 triệu USD phí bảo vệ môi trường.

Nếu thu phí như kể trên để đầu tư bù đắp, khắc phục những tổn hại do HVS dùng nix đã gây ra cho sức khỏe, đời sống của hàng ngàn cư dân ở gần nhà máy và khôi phục môi trường của vịnh Vân Phong, liệu HVS có tiếp tục theo đuổi công nghệ phun nix cũ thay vì phải sử dụng các công nghệ mới hay không? Cái giá phải trả của hạt nix quá lớn, nhưng cái giá phải trả nếu để môi trường ở đây bị hủy hoại còn lớn hơn nhiều!

MINH KHÁI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên