16/04/2013 02:01 GMT+7

Cái đuôi con nòng nọc!

TRẦN NHẬT HẠ (Trà Vinh)
TRẦN NHẬT HẠ (Trà Vinh)

AT - Ở quê tôi, mùa khô nắng đến nứt nẻ ruộng đồng. Vì vậy sự sống vào mùa khô cũng hạn chế. Mùa khô hằng năm thường kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 âm lịch năm sau. Đầu tháng 4, mùa mưa mới thật sự bắt đầu. Những cơn mưa đầu mùa thay phiên nhau trút nước đến khi đồng ruộng ngập mênh mông. Như một phép mầu làm sự sống hồi sinh, cây cối đua nhau đâm chồi nảy lộc. Và rộn ràng hơn cả là những "ca sĩ đồng quê" như cóc, ếch, nhái, ễnh ương... Chúng hợp nhau lại thành một dàn đồng ca. Không cần dàn nhạc, không cần tiết tấu, chúng vẫn hăng say ca hát suốt đêm. Ca hát, gọi bạn tình, sinh sản duy trì nòi giống. Đấy là bản năng mà còn là nhiệm vụ cao cả không chỉ riêng đối với chúng.

Sau mấy ngày ca hát đã đời, các "ca sĩ đồng quê" đẻ hàng vạn trứng, tạo thành những giề màng màng nổi trên mặt nước. Chỉ dăm ba ngày sau, tất cả trứng ấy nở ra thành vô số nòng nọc con.

Nòng nọc sống trong nước. Ban đầu không có chi, chỉ to bằng chân nhang và có cái đuôi phía sau. Mọi di chuyển của nòng nọc dưới nước nhờ vào cái đuôi "thần kỳ" này. Cái đuôi giúp nòng nọc ngoi lên mặt nước thở, giúp nòng nọc di chuyển kiếm thức ăn, trốn kẻ thù. Nòng nọc không có vây như cá, cái đuôi là nhân tố quyết định sự tồn tại của nòng nọc.

Khi nòng nọc to bằng đầu đũa ăn thì cạnh hai bên cái đuôi xuất hiện hai chi sau. Hai chi này to dần và nòng nọc tiếp tục mọc ra hai chi trước. Đủ bốn chi và phát triển tương đối toàn diện, nòng nọc lên bờ bắt đầu cho một cuộc sống mới. Lên bờ, nòng nọc trở thành những chú ếch hay cóc hoặc nhái con. Để sống được chúng phải tự đi tìm thức ăn và trốn kẻ thù. Cái đuôi sẽ bị rụng mất sau đó.

Hồi ấy tôi khoảng 13, 14 tuổi, thường quan sát sự phát triển của nòng nọc qua những vũng nước sau hè. Có lần tôi hỏi cha vì sao con nòng nọc phải rụng mất cái đuôi khi trưởng thành? Cha tôi giải thích: "Lúc sống dưới nước nòng nọc không có chi, phải nhờ vào cái đuôi để bơi nên cái đuôi là tài sản sống còn của nòng nọc. Nhưng khi mọc chi và nòng nọc lên bờ sống, cái đuôi không còn tác dụng nữa, cần rụng đi để khỏi vướng víu. Đấy là điều tự nhiên". Nói đến đây, cha tôi trầm ngâm giây lát rồi nói tiếp: "Từ cái đuôi con nòng nọc ta rút ra bài học: Mỗi con người cần phải biết vứt bỏ những cái không cần thiết để chuyên tâm phát huy sở trường, tài năng giúp mình thành công".

Bài học ấy, cha tôi dạy đã lâu nhưng đến nay với tôi, nó vẫn còn nguyên giá trị!

0FHLxyC2.jpgPhóng to

Áo Trắng số 7 ra ngày 15/04/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

TRẦN NHẬT HẠ (Trà Vinh)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên