13/11/2007 18:27 GMT+7

Cái chết của em Hiền: Thông điệp là hãy bao dung và lắng nghe

ĐINH THỊ NGUYỆT - Báo Nghệ An
ĐINH THỊ NGUYỆT - Báo Nghệ An

TTO - Cái chết tức tưởi vì bị nghi ngờ của em Phi Hiền đã chấn động dư luận. Một câu chuyện bắt đầu với không nhiều tình tiết mà hậu quả xảy ra quá nặng nề. Rất nhiều bạn đọc đã gửi đến TTO sự thương xót, bất bình và cả những tự vấn lương tâm về cách mà hàng ngày người lớn chúng ta đã đối đãi với trẻ thơ

Người lớn lạnh lùng, một học sinh chết tức tưởi

Đừng thờ ơ trước những suy nghĩ của trẻ thơ

Đọc bài viết "Người lớn lạnh lùng, một học sinh chết tức tưởi" tôi đã không kìm được nước mắt, xót xa cho một con người, một cái chết thương tâm không đáng xảy ra! Từ câu chuyện này một câu hỏi được đặt ra nhức nhối: Tâm lí của trẻ đã được chúng ta quan tâm đúng mức?

Người lớn - cũng từ những đứa trẻ mà lớn lên. Là trẻ con nên mới có những hành vi nông nổi, những phút khờ dại. Trách nhiệm của người lớn, đặc biệt là những bậc cha, mẹ là uốn nắn, giáo dục phát triển nhân cách con trẻ. Nhưng thực tế không ít những người lớn đang thờ ơ trước những suy nghĩ của những đứa trẻ. Chúng ta biết đâu rằng những lời nói, những cách hành xử của mình lại có ảnh hưởng cực kỳ mạnh mẽ đến lối suy nghĩ và hành vi của các em. Đặc biệt những người mà chúng càng yêu quý và kính trọng thì lời nói của họ lại càng "có trọng lượng" đối với chúng.

Bởi vậy, người lớn chúng ta cần phải "thận trọng" trong từng câu chữ với con cái, cháu chắt mình. Những tâm hồn ấy như những tờ giấy trắng, người lớn chúng ta hãy vẽ lên nó những màu sắc sáng trong (đó là những lời nói và cách hành xử tốt đẹp và nhân ái). Bởi chỉ một chút sơ sẩy thôi, tờ giấy trắng sẽ bị vấy những vết đen khó mà "tẩy xóa" nổi.

Mong người lớn hãy quan tâm và biết lắng nghe, sẻ chia với những suy nghĩ của trẻ thơ, để không còn có những cái chết tức tưởi như vậy nữa!

Đừng gây ức chế cho trẻ thơ

Tôi thấy sự việc không đến nỗi lớn nhưng cách hành xử của người lớn, đặc biệt là từ phía bà Quang. Khi bà Nga đem em Hiền đến xin lỗi, thay vì có thái độ đối xử chuẩn mực với nhau (vì là người phụ nữ đã có con chắc bà cũng hiểu được tâm trạng của cha mẹ khi con cái mình có lỗi lầm) bà lại cho rằng em Hiền có thể lấy số tiền 2,4 triệu mà bà bị mất trước đây (chỉ là nghi vấn).

Việc hăm dọa của bà Quang đã làm tổn thương đến lòng tự trọng của gia đình em Hiền dẫn đến hậu quả là cái chết tức tưởi của em Hiền. Xét về khía cạnh tâm lý, em Hiền bị ức chế khi không thể nào giải bày tình cảnh của mình nên em mới có hành động dại dột như thế. Thử nghĩ nếu chúng ta rơi vào hoàn cảnh của em Hiền chúng ta sẽ làm gì để minh oan cho mình?

Hành động của bà Quang đã gián tiếp cướp đi sinh mạng của em. Khi sự việc xảy ra thảm thương như lúc này, bà Quang nghĩ gì ? Hẳn lương tâm của bà sẽ bị cắn rứt. Và cả công an xã Ea Bar, không biết các anh nghĩ sao khi biết rằng em Hiền đã chết vì bị ức chế? Điều này cần phải nghĩ đến trình độ nghiệp vụ của công an trong tiếp xúc và xử lý những vụ việc liên quan đến lứa tuổi vị thành niên.

Lòng bao dung của người lớn để đâu?

Rất cám ơn báo Tuổi trẻ đã "gióng lên hồi chuông báo động về cách hành xử của người lớn đối với trẻ em". Đọc xong bài báo mà lòng tôi cứ day dứt, trăn trở. Vẫn biết rằng hành động của em Phi Hiền là chưa đúng, nhưng với phần lỗi như vậy có đáng để em phải tự tìm đến cái chết hay không?.

Giá như người lớn chúng ta bao dung hơn, hành xử một cách khéo léo nhẹ nhàng hơn thì đâu phải đẩy con trẻ vào con đường phải "rời bỏ cuộc sống trong ấm ức trong khi nó vẫn còn muốn sống". "Nhân chi sơ, tính bản thiện" - bao dung của người lớn cũng là một yếu tố giúp con trẻ luôn "lớn lên" trong "tính thiện". Tôi tin là như vậy!

Hãy cư xử như tuổi thơ mình từng mong muốn

Đọc xong bài báo tôi thực sự không thể tin được rằng, làm sao người ta lại có thể đối xử như thế với một đứa bé? Ai cũng có một thời trẻ thơ, nếu như người lớn chúng ta chịu khó suy nghĩ về tuổi thơ của mình sẽ nhận ra ngày xưa mình cũng từng thích được thế này, không thích được thế kia... từ đó tìm ra cách cư xử đúng mực hơn với trẻ thì đâu có những bi kịch như trường hợp của cháu Phi Hiền.

Hiền chắc chắn đã phải chịu áp lực tâm lý quá nặng nề mà ngay cả người lớn chúng ta chưa chắc đã chịu đựng nổi. Để rồi phải trốn khỏi sự trừng phạt bằng cái chết. Đã đến lúc chúng ta phải mổ xẻ và nghiên cứu kỹ văn hóa ứng xử giữa con người với con người. Đặc biệt mối quan hệ giữa người lớn (cha mẹ, thầy cô...) với trẻ em. Ngày càng có nhiều cái chết thương tâm cũng chỉ vì thiếu kiến thức về mặt tâm lý gây nên (những học sinh thi trượt đại học, học sinh bị nhà trường kỷ luật, bị bố mẹ thầy cô mắng mỏ, đánh đập...)

Nếu như đứa trẻ thực sự có lỗi thì thay vì tìm cách trừng phạt chúng hãy chỉ cho chúng thấy được lỗi sai của mình. Chỉ khi đấy chúng mới không tái phạm nữa. Còn nếu mắng mỏ và đánh đập chúng thì chúng chỉ nhận lỗi vì đau và sợ thôi chứ không phải vì hiểu rằng mình sai. Và tai hại hơn, sẽ dần làm tổn thương tinh thần của chúng, biến chúng thành một trong hai loại người: hoặc là người nhút nhát hoặc là kẻ côn đồ. Tôi chỉ có hai điều muốn nói: hãy đối xử với con em chúng ta như chúng ta từng mong muốn được người lớn đối xử lại với mình, và hãy lắng nghe trẻ em nói. Cầu chúc cho linh hồn cháu Hồ Phi Hiền sớm siêu thoát.

Tôi thật sự rất bất bình khi đọc bài báo này. Tôi đồng ý với việc ba mẹ thì phải dạy dỗ con cái, tức giận khi thấy con cái làm việc không đúng. Nhưng chính cái cách mà quý phụ huynh làm, lại đẩy con mình đến chỗ không thể giải bày được thì thật không thể chấp nhận.

Ai cũng có những phút nông nổi, hành động mà không suy nghĩ, nhưng giá mà Hiền được lắng nghe, được hiểu và thông cảm thì không thể có kết cục thương tâm như vậy.

Thế nên đừng bao giờ vội vàng quy trách nhiệm cho 1 người phạm lỗi khi chúng ta chưa biết thực hư như thế nào. Hãy kiềm chế lại và hãy biết lắng nghe. Dù sao cũng cho tôi gởi lời chia buồn đến gia đình em Hiền, mong là gia đình sớm vượt qua cú sốc này.

Không biết cách cư xử với trẻ em là một lỗi lầm lớn

Đọc bài báo mà nước mắt em tuôn ra không kìm lại được Tội nghiệp cho em ấy quá, người lớn thật là vô tâm. Em cảm thấy thương cho cậu bé thay vì giận vì cậu bé đã ăn cắp. Trong câu chuyện này, người đáng giận nhất là bà chủ cửa hàng.

Công bằng mà nói, cậu bé không có tội, có chăng chỉ là một sự dại dột, táy máy nhất thời. Sau khi đọc bài báo, em cũng dễ dàng cảm nhận được: cậu bé ấy là 1 đứa trẻ ngoan, thật thà, dũng cảm, dám làm dám chịu và nhất là rất biết lo cho gia đình, thương bố mẹ và anh chị của mình. Chỉ tội cho cậu bé là suy nghĩ còn quá non nớt và hành động vụng dại nên đã phải gánh chịu một hậu quả quá lớn, nhưng không đáng.

Thử hỏi nếu gia cảnh không thiếu thốn, liệu cậu bé có làm thế không? Nếu không phải là một đứa trẻ thật thà và dũng cảm, liệu cậu bé có dám khai chính xác số tiền mình đã lấy hay không? Và nhất là, nếu cậu bé đã được tha thứ hay thông cảm hoặc nhận một chút hành động tế nhị nào đó biểu lộ sự cảm thông từ phía người lớn (gia đình, bà chủ cửa hàng và kể cả các chú công an) thì có lẽ việc tự tử sẽ chỉ có trong cơn ác mộng mà thôi.

Em cảm thấy những người lớn trong câu chuyện thương tâm này thật có lỗi, đó là lỗi không biết cách cư xử với trẻ em. Thật sự em không biết những trường hợp xảy ra tương tự như thế này sẽ còn tiếp tục xảy ra đến lần thứ mấy nữa thì mới được người lớn rút kinh nghiệm nhỉ ?! Thôi thì hãy ngủ ngoan Hiền nhé, em thật sự là 1 cậu bé ngoan, cậu bé đáng thương ạ!

ĐINH THỊ NGUYỆT - Báo Nghệ An
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên