..............................................
Có người chị vừa mua một chiếc xe tay ga mới, sau một vòng dáo dác tìm người đáng tin cậy để đứng tên giùm chiếc xe thì sực nhớ ra tôi vừa làm xong hộ khẩu ở thành phố. OK, chuyện nhỏ mà chị!
Chuyện cái biển số xe gắn máy ban đầu cứ tưởng là chuyện nhỏ, ấy mà sau khi suy nghĩ về nó, tôi thấy nó không hề nhỏ như cái hình dáng xinh xắn, mẫu mực hiện diện ở đuôi xe. Hình như nó cũng là một trong nhiều thứ để người ta thể hiện mình là ai. Anh là ai mà tậu được cái biển số đẹp "ngất ngây con gà tây" với bốn con số 9 cứ như vàng ròng 9999, hay là cái biển số tiến lên 6789, lộc phát lộc phát 6868, thần tài thần tài 7979, anh không là thiếu gia chắc cũng cỡ đại gia... Và với tôi, nó còn để trả lời cho câu hỏi: anh từ đâu tới!
Tôi là một người dân nhập cư “điển hình” của thành phố này. Điển hình vì khi ngó quanh bạn bè thì hết 80% trong chúng tôi sau khi tốt nghiệp đại học đã ở lại đây để làm việc, rồi xây dựng gia đình (với một người cũng nhập cư theo kiểu của mình). Con cái chúng tôi, một thế hệ được sinh ra, học hành ở thành phố nhưng hằng tháng, hằng tuần vẫn có quê để trở về tắm táp thỏa thích hương vị mà ba mẹ chúng đã từ đó lớn lên rồi ra đi. Mỗi lần thêm một người quen mới, tôi vẫn ngấm ngầm tự hào khai lý lịch: “Dạ, em là người nhà quê!” như một thứ tài sản lớn nhất đời mình.
Tôi bây giờ vẫn chạy chiếc xe mang biển số của một tỉnh sát biên giới. Thấy xe là cứ như thấy cái nắng đổ lửa và thấp thoáng một hàng thốt nốt. Ừ, quê trớt là quê thiệt, dù bây giờ ngồi nhẩm tính lại mới chợt giật mình khi “tổng thời lượng” ở phố đã lớn hơn “tổng thời lượng” ở quê một khoảng xa.
Nhưng không phải ai cũng như tôi.
Có anh nói đơn giản là lấy biển số thành phố cho dễ bán xe, mà khi bán đi thì làm thủ tục cũng gần, khỏi phải chạy về quê. Lý do này có vẻ thuyết phục, nhưng nếu ta không phải là… cò xe máy thì một đời người đổi xe mấy lần?
Có bạn nói: chạy chiếc xe có xịn mấy mà biển số tỉnh thì cũng như không, mày vô quán nào to to chút là coi chừng cái thằng cha giữ xe cứ lom lom nhìn chân mày xem còn cục phèn nào không để gỡ ra giùm! Có bữa sau khi nhìn biển số xe, bạn nói: “Chà, Hai Lúa mới bán đất đi Xì gòn xài tiền đây!”. Bạn đùa, nhưng trong sự đùa có một phần sự thật: bạn không muốn người ta nhìn mình như một kẻ nhà quê.
Tôi lại thấy có nhiều chuyện thích thú khi chạy chiếc xe mang biển số tỉnh của mình, nhất là từ khi gặp được một đứa bạn từ thuở xa lắc xa lơ khi nó đang long nhong đi tìm khách. Bạn hành nghề chạy xe ôm và già đi nhiều so với tuổi. Vợ bạn làm công nhân may, con thì gửi trẻ. Vợ chồng thuê một phòng trọ 16m2 gần khu công nghiệp để ở. Chân bạn không còn dính phèn (dĩ nhiên), nhưng bụi nắng Sài Gòn hình như đã phủ tràn ánh mắt lẫn ngõ ngách tâm tư.
Từ đó, mỗi khi ra đường thấy ai chạy xe mang biển số đồng hương, tôi thường cố chạy nhanh hơn để vượt qua, lắc lắc đuôi xe một cái để đối phương chú ý: đồng hương đây đồng hương đây, rồi quay lại liếc một cái. Thường là không thấy gì ngoài cái khẩu trang và mắt kính bản to tổ chảng. Người lạ! Không vui cũng không buồn, vì làm sao mà quen cho hết đồng hương ở thành phố này. Chỉ là cái cảm giác sắp sửa gặp được người quen làm mình hơi phập phồng hơn tí, nó như một xíu xiu cảm xúc dễ chịu bên cạnh quá nhiều nỗi bực mình lẫn tai ương khi lưu thông ở thành phố này...
...........................................
Ý kiến bạn đọc
* Tôi đã đọc bài viết của bạn. Bài rất hay vì tôi cũng là người ngoại tỉnh nên hiểu được cảm giác của ban cũng như những người đến từ tỉnh khác vào thành phố. Thú thật thì khi nhìn thấy biển số xe ngưòi đồng hương là tôi luôn chú ý, có khi đứng chờ đèn đỏ đứng gần là hỏi chuyện. Mừng lắm chứ khi nhận ra biển số xe của quê mình trong hàng triệu chiếc xe khác.
Đôi khi nhiều đứa bạn tôi cũng nói :"Dùng biển số ngoại tỉnh là dân thành phố chê hoặc sẽ bị bắt nạt đấy". Tôi cũng có cảm giác lạ lạ, sao họ lại "coi thường" biển số quê mình cơ chứ. Mang biển số xe quê mình, tôi thấy tự tin và đó như là một chút gì đó của quê hương đồng hành bên tôi.
* Tôi cứ tưởng chỉ mình tôi là tự hào chuyện tỉnh nào thì biển số tỉnh đó, ai dè cũng có nhiều người như tôi, thật là vui! Với tôi, đó cũng là tạo nên một thương hiệu quảng bá cho tỉnh nhà, rằng dân tỉnh cũng đi xe đẹp và thể hiện cái văn minh khi đi đường.
* Tâm trạng này hình như có trong người mình lâu lắm rồi nhưng cứ nghĩ rằng không có ai cùng cảm xúc. Tự nhiên đọc được bài viết của bạn thấy hay hay làm sao ấy. Mình như được trở lại với thời SV. Hồi ấy, mình cũng đã từng rất tự hào vì mình đi xe tỉnh với con số đẹp, vậy mà mấy đứa bạn cứ nói mình không bằng mấy đứa có xe biển thành phố. Mình vẫn luôn tự hào vì mình là một trong những người con ưu tú của tỉnh nhà đang công tác tại thành phố để cống hiến cho đất nước.
* Cảm ơn bạn vì bài viết này. Đây có lẽ không chỉ cảm xúc của riêng bạn mà còn là của đông đảo mọi người những người con xa quê lên thành phố học tập và làm việc trong đó có cá nhân em. Em cũng rất tự hào về biển số của quê mình: Gia Lai 81, mặc dù nó gợi lên một nơi mà hầu hết mọi người cho rằng đó là nơi rừng rú,nghèo nàn, lạc hậu. Cảm ơn bài viết một lần nữa.
* Không biết ai nói gì, tôi vẫn cứ hét toáng lên (nếu đi với ai đó thì nói cho nó nghe, nếu đi một mình vẫn thích thầm kêu lên một tiếng) khi thấy bảng số xe đồng hương. Cảm giác gần gũi đến lạ, như thể giữa vô vàn cái chật vật nơi thành phố mình vẫn có hơi ấm của quê nhà vậy.
* Tôi có cái tật là ra đường rất hay nhìn biển số xe. Nhiều lúc tôi cũng không hiểu mình nhìn để làm gì, nhưng có thể giải thích một cách đơn giản là tìm cái gì đó thân thương, gần gũi trong cái thành phố hàng triệu người này. Cứ mỗi lần thấy ai có biển số cùng quê mình là tôi cũng chạy lên rồi cười một cái thật tươi! Nó có thể chỉ đơn giản là một nụ cười mang lại niềm vui nho nhỏ cho những người đang bị cuốn vào cái guồng máy của cuộc sống nơi thành thị...
* Tôi thực sự rất vui khi đọc bài viết này. Tôi thốt lên khe khẽ sao lại có người giống mình như vậy. Mỗi khi ra đường gặp biển số xe đồng hương tôi thấy lòng mình có cảm giác ấm áp lạ lùng. Tôi cố chạy lên phía trước để họ có thể nhìn thấy tôi. Tôi luôn tự hỏi liệu có ai đó suy nghĩ giống mình hay không? Tôi cảm ơn bạn vì bài viết, vì đã cho tôi được cảm nhận cảm xúc của chính mình.
* Mình rất đồng quan điểm với bài viết trên. Quê hương là nơi chôn nhau cắt rốn của bản thân con người, nếu như chúng ta không tôn trọng quê hương của chính bản thân mình thì chắc người đó " không lớn nổi thành người". Tuy bảng số xe đó rất nhỏ nhưng trên mảnh đất Sài Gòn hay bất cứ nơi đâu, khi nhìn thấy bản số xe của tỉnh mình là tôi rất vui. Niềm vui đó rất khó tả, người đi trên chiếc xe máy có biển xe cùng tỉnh với mình không biết có đồng cảm không nhưng trong tôi có một cảm giác rất ấm lòng, đó là tấm lòng giành cho quê hương, tấm lòng cho những con người biết yêu quê hương.
* Bài viết này thật sự ghi điểm cho nhiều người: những người dưới quê lên "sì phố" học tập và lập nghiệp như tôi và bạn. Quả thật nhiều người có tâm lí xem những người đồng hành trên tuyến đường của mình là tỉnh hay thành phố, họ chỉ cần nhìn biển số xe là biết ngay. Và họ sẽ có cái nhìn khác khi biết đó là dân tỉnh. Biển số xe cũng lợi hại đấy bạn nhỉ. Một hôm, lần đầu tiên tôi đi cùng với một người bạn học cùng lớp đại học. Thấy tôi đi biển số xe tỉnh bạn có vẻ rất bất ngờ: "Dân tỉnh à? Đổi xe đi, khó xin việc lắm đấy. Sau này đi làm, vào cơ quan người ta thấy mình là dân tỉnh bị khi dễ lắm đấy". Có thật thế không? Tôi tự hỏi. Tôi tự trả lời rằng "Kệ họ". Nhưng có lẽ xã hội là thế, và chính cái chất là dân tỉnh làm cho tôi luôn cố gắng phấn đấu với người bạn luôn đồng hành cùng mình mỗi ngày "69 biển số xe quê tôi". Cảm ơn nhé bài viết của bạn.
* Tôi cũng có hoàn cảnh giống như bạn vậy nhưng tôi không có được cảm giác như bạn. Khi ở quê, tôi không biết biển số xe máy đại diện cho mỗi tỉnh bởi vậy tôi cũng không biết tỉnh Hưng Yên thì biển số là bao nhiêu. Ở Sài Gòn, học xong đại học và đi làm, khi mua xe tôi mới biết khi bạn bè bảo: đã nha biển số xe thành phố lận. Tôi giật mình. Nếu cho tôi chọn tôi sẽ chọn một chiếc xe có biển số ở Hưng Yên. Có như thế tôi mới tự hào: mình là người nhà quê như bạn. Nhiều khi đi đường tôi cũng nhìn biển số để tìm một ai đó người Hưng Yên nhưng hình như ít quá. Tôi cũng có lần đã hét lên như một con khùng: "Ôi! Hưng Yên" vì tôi nhìn thấy có một chị đi xe biển số quê tôi.
* Gia Hòa, ngoài bạn, tôi và còn rất nhiều người cũng thế. Khi đi xa thi nhớ và yêu quê mình biết mấy. Có nhiều chuyện để nhớ, để yêu và chúng ta đã thể hiện tình cảm dành cho quê mình qua cái biển số xe. Tôi rất tự hào mình là người dân quê dù cũng sống ở Sài Gòn này rất lâu. Có người chọn cho minh cái biển số Sài Gòn bằng cách nhờ người khác đứng tên, còn tôi cũng vừa mua xe nhưng lặn lội về quê để được cái biển số của tôi (quê tôi). Bởi vì tôi cũng có cái tật giông bạn là hễ gặp ai có biển số cùng quê là chạy lên xem có quen không hoặc chào hỏi đủ thứ nếu có điều kiện. Mình là người dân quê thì có cái tình của người dân quê.
* Bạn bè & đồng nghiệp tôi 90% đều là dân thành phố cả, nhưng chẳng bao giờ thấy họ đánh giá hay cười nhạo cái biển số xe tỉnh lẻ của tôi. Nhưng thật ra cho dù ai có nói gì đi nữa, tôi vẫn thích giữ cái gốc của mình và hãnh diện phô ra cho người ta thấy. Tại sao lại phải che giấu xuất xứ của mình chỉ vì những nhận xét đầy phiến diện và vô lý của những người chưa hiểu biết? Người ta coi trọng một người đâu phải chỉ vì cái biển xe danh giá, cái sim số độc hay bộ đồ hàng hiệu trên người họ? Giá trị con người chính là ở cái phần bên trong, là trí tuệ và đóng góp của họ cho xã hội. Chính là bản thân chúng ta làm nên giá trị cho những vật sở hữu của chúng ta, chứ k phải điều ngược lại. Và như thế, tôi rất trân trọng cái biển số chứng tỏ cái cội nguồn của tôi, cũng như những người con k bao giờ quay mặt với gốc gác, quê hương mình. Xin cám ơn tác giả TRƯƠNG GIA HÒA vì bài viết rất ý nghĩa của bạn!!!
* Cảm xúc thì các bạn nói rồi. Nó dạt dào, nôn nao làm sao khi thấy được "biển số quê hương" (71 Bến Tre). Lúc còn đang học tại Cần Thơ chỉ đôi lúc rộn ràng khi gặp được cái số 71 ấy. Nhưng có bao giờ thử thong dong trên đường về quê và nhìn vào biển số dần dần chuyển đổi từ 64-64 rồi biết bao 71 xuất hiện (Cần Thơ-Vĩnh Long-Bến Tre). Nó tạo cho ta cảm giác ấm áp làm sao.
* Tuy minh đã rời thành phố này đã trên mười năm, nhưng khi đọc được tâm sự của bạn thì những kỷ niệm thời sinh viên của mình lại hiện về. Mình cũng là dân chạy xe biển số tỉnh, mìnnh cũng giống như bạn vậy đó khi đi ra đường mà thấy xe biển số đồng hương là mình phải cố chạy qua mặt cho người ta thấy bản số xe của mình rồi chạy từ lại để nói chuyện. Mà ngộ ghê mà dù không quen biết trước nhưng khi những người đồng hương gặp nhau giữa một nơi xa lạ thì họ như là những người đã quen nhau từ trước rồi hỏi nhau đủ thứ. Thú thật khỏang những năm 1995 thì sinh viên đi học bằng xe gắn máy rất ít nên gặp đồng hương là mừng lắm. Mình rất tự hào về việc chạy xe bản số tỉnh. Bạn biết không, cái ngày mình thi tốt nghiệp môn cuối là mình dọn đồ sẵn chất trên xe. Chạy đến trường thi xong là chạy một mạch về Sóc Trăng quê minh luôn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận