16/05/2005 05:42 GMT+7

"Cách mạng bông" ở Uzbekistan?

DUY VĂN (Tổng hợp từ Interfax, Itar - Tass, Newsru, RIA)
DUY VĂN (Tổng hợp từ Interfax, Itar - Tass, Newsru, RIA)

TT - Làn sóng bất ổn từ các nước cựu Cộng hòa Liên Xô cũ đã lan tới Uzbekistan, đất nước nổi tiếng với ngành sản xuất bông khiến một số hãng tin gọi tên những biến cố tại đây là "cách mạng bông".

sxY21Kq4.jpgPhóng to
Cầu nguyện trước tử thi các nạn nhân vụ nổi loạn ở Andijan ngày 14-5
TT - Làn sóng bất ổn từ các nước cựu Cộng hòa Liên Xô cũ đã lan tới Uzbekistan, đất nước nổi tiếng với ngành sản xuất bông khiến một số hãng tin gọi tên những biến cố tại đây là "cách mạng bông".

Tổng thống Islam Karimov kể gì?

Ngày 14-5, trở về thủ đô Tashkent, Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov họp báo về diễn tiến ở Andijan. Trước đó, các hãng tin nêu nguyên nhân vụ nổi loạn là xuất phát từ vụ xử tội 23 doanh nhân Andijan lập tổ chức Hồi giáo bí mật mang tên Akramiya.

Sau khi những người này bị kết án (nặng nhất là 7 năm tù), người thân của họ đã biểu tình với lý do vụ án là bịa đặt ra để tịch biên tài sản gia đình họ. Những người biểu tình đã phá ngục, đòi ông Karimov từ chức (Kommersant).

Diễn biến đêm 12 rạng sáng 13-5 theo lời ông Karimov lại khác: "Một nhóm những kẻ tội phạm vũ trang gần 30 người đột nhập vào một đơn vị của Bộ Nội vụ ở Andijan, bắn chết bốn binh sĩ trực rồi cướp vài chục khẩu súng tự động, súng lục và lựu đạn.

Sau đó chúng đánh vào một đơn vị vũ trang lúc gần 2g sáng, bắn chết năm người và cướp một số lượng lớn vũ khí cùng một ôtô ZIL-130. Với chiếc xe, chúng đâm vào cổng nhà giam và giải phóng gần 600 tù nhân, trong số đó có những người đã sẵn sàng chờ hợp tác với bọn tội phạm.

Chúng chia thành ba nhóm tiến vào các tòa nhà Bộ Nội vụ, Sở An ninh và chính quyền Andijan. Tại hai hướng đầu, chúng gặp kháng cự trong khi lại giành kiểm soát được tòa nhà chính phủ ở hướng thứ ba. Sau đó chúng đã gọi người thân, họ hàng tới vây tòa nhà làm lá chắn sống.

Chúng đốt các ôtô phong tỏa quanh tòa nhà và bố trí các tay bắn tỉa trên các nóc nhà đối diện. Đến 18g ngày 12-5, chính quyền cố kêu gọi chúng đầu hàng. Tới đêm, quân chính phủ được lệnh tiếp cận và bao vây tòa nhà".

Ông kể từ 7g30 sáng 14-5 ông đã tới Andijan, thiết lập ngay một bộ tham mưu và các cuộc thương thuyết với phe nổi loạn bắt đầu. Sau đó quân nổi loạn đã đột phá vòng vây theo ba hướng. Truy đuổi đã diễn ra. Trước 10g sáng cùng ngày, chính quyền Uzbekistan tuyên bố đã kiểm soát lại tình hình.

Theo thống kê của ông, sau các diễn biến, "khoảng 10 cảnh sát đã hi sinh". Không thông báo số con tin cũng như nạn nhân thường dân bị giết chết, Tổng thống Karimov nói "thương vong không lớn vì tôi chỉ thị không nổ súng, mà phải giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình".

Trong khi đó, các hãng tin nước ngoài dẫn các nguồn khác nhau cho biết có hàng trăm người chết. Reuters, AP và BBC dẫn các nguồn tin nói xung đột giữa những người biểu tình với quân chính phủ trong ngày14-5 đã làm khoảng 200 - 500 người thiệt mạng.

Interfax dẫn nguồn là đại diện một tổ chức bảo vệ nhân quyền tại Andijan nói "sáng 14-5, người chết được chở đi trên năm chiếc xe. Tất cả chất đầy tử thi".

Yếu tố nước ngoài?

Tổng thống Islam Karimov cho rằng những kẻ đối lập đã điện đàm với Osh và Jalal Abad (hai thành phố nổi dậy đầu tiên ở Kyrgyzstan) và thậm chí với Afghanistan. Theo lời ông, những diễn tiến tại Andijan là một "âm mưu nhằm tái diễn các sự kiện mới đây ở Kyrgyzstan" trên đất Uzbekistan.

Theo một số nguồn tin, từ Andijan, bất ổn đã lan tới Karassu (thành phố của Uzbekistan nằm giáp giới Kyrgyzstan, cách Andijan chỉ vài chục cây số).

Tuy nhiên, tới trưa qua các hãng tin dẫn lời Bộ Nội vụ Uzbekistan loan báo "tình hình Andijan và Karassu vẫn yên tĩnh và ổn định". Newsru nói một số người thoát ra trong vụ phá ngục đã ra trình diện với cảnh sát Andijan.

Interfax sáng 15-5 dẫn lời Chủ tịch Hội đồng an ninh quốc gia Kyrgyzstan Miroslav Niazov cho biết tại Kyrgyzstan hiện có 528 công dân Uzbekistan, trong số đó có người bị thương và cả tử thi.

Hiện dọc biên giới với Uzbekistan có khoảng 5.000 - 6.000 người Uzbekistan đang muốn chạy sang Kyrgyzstan. Sáng qua, theo Lenta, chính quyền hai nước đã thông báo mở cửa lại biên giới.

Cụ thể, theo lời ông Karimov, kẻ đứng sau tất cả những sự kiện vừa qua tại Andijan là "những người Akramit", một trào lưu mới của nhóm Hồi giáo cực đoan Hizb Ut Tarhir (Đảng Hồi giáo giải phóng). Mục tiêu của những người này là thành lập một nhà nước Hồi giáo Shariat.

Tuy nhiên, theo Newsru, đại diện chính thức của phong trào Hizb Ut Tarhir (bị cấm ở nhiều nước Trung Á và Uzbekistan) tại London - ông Imran Wahid - đã phủ nhận có liên quan tới vụ nổi loạn tại Andijan.

Một nguồn tin Bộ Ngoại giao Nga ngày 14-5 nói: trước sự kiện Andijan, tại biên giới Uzbekistan với Kyrgyzstan và Tajikistan "đã tập trung một số lớn các tay súng, trong đó có những tay súng Hồi giáo cực đoan"; "hành động của chúng đã được lên kế hoạch trước: chiếm các đơn vị quân đội và vũ khí, sau đó tấn công nhà tù, giải thoát bọn tội phạm hình sự và phần lớn bọn cực đoan, bắt cóc con tin”.

Đại diện Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu tại Tashkent cho biết sẵn sàng làm trung gian thương lượng cho các bên. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm với ông Karimov, thỏa thuận hai bên sẽ tiếp tục trao đổi ý kiến thường kỳ.

Trước đó, phát biểu qua Đài phát thanh Mayak, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Nga Valery Loshinin nói nguyên nhân nổi loạn tại Andijan là do "chính quyền Uzbekistan yếu kém, các vấn đề xã hội nổi cộm và ảnh hưởng của các phần tử Hồi giáo cực đoan".

FpTherCV.jpgPhóng to
Theo các nhà quan sát, Tổng thống Islam Karimov thấy nguy cơ lớn nhất cho mình là tình hình tôn giáo tại nước này. Là cựu tổng bí thư và trở thành tổng thống từ năm 1991, ông đặt mục tiêu thành lập nhà nước thế tục.

Năm 1992 - 1993 ông ra lệnh cấm các tổ chức tôn giáo hoạt động vì sợ lan truyền tư tưởng Hồi giáo cực đoan từ Afghanistan, nơi có 2 triệu người gốc Uzbek sinh sống gần thung lũng Fergana.

Thung lũng Fergana trong khi đó lại là nơi tập trung 12 triệu dân (gần 40% dân số đất nước) sống trong cảnh nghèo đói do thiếu đất đai canh tác và nạn thất nghiệp cao. Sau một loạt vụ nổ năm 1999 tại các tòa nhà chính phủ Tashkent làm 16 người chết và hàng trăm người bị thương, chính quyền đã bắt một số nhà đối lập.

Trong khi đó, theo một số nhà quan sát, Tổng thống I. Karimov "không làm được gì thêm để cải thiện tình hình và chỉ dựa vào một số người thân cận của mình" (Gazeta).

Bạo loạn ở Uzbekistan, 10 người thiệt mạngBạo loạn ở Uzbekistan

DUY VĂN (Tổng hợp từ Interfax, Itar - Tass, Newsru, RIA)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên