Phóng to |
Tác giả Lê Duy Hạnh - Ảnh: Linh Đoan |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
* Trong những ngày qua, có khá nhiều ý kiến cho rằng CATN hoành tráng và lộng lẫy thế chẳng qua chỉ là một chương trình tạp kỹ. Sự tham gia của các loại hình nghệ thuật khác làm cải lương trở nên lép vế. Ông nghĩ sao về chuyện này?
- Tôi cho rằng CATN là một chương trình đa phong cách, tổng hợp nhiều loại hình nghệ thuật, trong đó cải lương là chủ lực. Sự có mặt của các loại hình nghệ thuật khác không hề lấn át cải lương mà đã phải "nương" theo cải lương rất nhiều: dàn nhạc giao hưởng được cấu trúc thêm những chiếc trống cái là điều chưa từng có, những bản tân nhạc của nhạc sĩ Đức Trí được viết theo cái âm của hồ quảng, hay những đoạn anh xử lý bằng nhạc cổ trên nền những điệu múa hoa đăng chứ không phải chỉ là múa ballet...
Ngay cả các ngôi sao ca nhạc như Phương Thanh, Hồ Ngọc Hà, Anh Khoa... trên sân khấu tân nhạc có "quậy" đến cỡ nào không biết, nhưng khi vào chương trình cũng phải "gò” theo những âm hưởng cổ. Họ có thiện chí để cùng hợp tác trong một ngôn ngữ sáng tạo chung nhằm tạo ra một vở cải lương mới, chứ không ngang nhiên nhảy vào "phá hoại". Vấn đề ở đây chính là sự kết hợp này còn mới quá, họ làm chưa tới nên chưa thuyết phục được tất cả mọi người.
* Vậy theo ông, nhìn một cách khách quan từ Kim Vân Kiều (KVK) cho tới CATN, cách làm này chưa thuyết phục ở chỗ nào?
- Cái chưa được nhất vẫn là phần âm nhạc. Trong KVK thì âm nhạc có sự kết hợp của cải lương và giao hưởng, còn CATN thì có thêm dàn nhạc nhẹ để làm cầu nối, tuy nhiên sự kết hợp của ba dàn nhạc này mới chỉ dừng ở mức "chấp nhận nhau" chứ chưa đạt đến độ nhuần nhuyễn cần thiết. Trong CATN thiếu hẳn phần nhạc lễ làm đối trọng của dàn nhạc giao hưởng.
Ở một số trường đoạn tôn vinh sức mạnh của An Dương Vương hay mô tả chiến trận, thay vì dùng nhạc giao hưởng có thể dùng nhạc lễ và trống để khai thác tối đa khả năng biểu hiện của dàn nhạc cổ. Hay như cảnh An Dương Vương gieo mình xuống biển, sóng nước rẽ làm đôi cũng có thể dùng nhạc lễ để tạo không khí như một cuộc tiễn đưa người anh hùng.
Về mặt biểu diễn thì KVK và CATN tuy hoành tráng, lộng lẫy nhưng thiếu đi những khoảng lắng và chiều sâu của cải lương, làm người xem có cảm giác chưa thấm được hết cái chất cải lương đã chuyển qua phần tân nhạc.
* Xem CATN với cách lý giải khác về truyền thuyết, có người đồng tình, có người lại cho rằng tước bỏ đi tính huyền thoại là làm tầm thường hóa hình tượng của các nhân vật vốn đã được khắc sâu trong tâm trí họ. Ông có nghĩ đến điều này khi đặt bút viết?
- Như đã nói, quan niệm của tôi là cải lương có thể tiếp nhận các ngôn ngữ hiện đại cả trong âm nhạc lẫn văn học. Một kịch bản cải lương không nhất thiết phải cổ nguyên xi, điều quan trọng là phải tải được những vấn đề triết học, chiều sâu tâm lý chứ không chỉ dừng lại là ngôn ngữ minh họa biền ngẫu. Trong bi kịch mất nước của An Dương Vương, ở vào thời điểm mà mọi được, mất trong cuộc đời đều được qui vào thần thánh thì rõ ràng truyền thuyết là cần thiết.
Nhưng bây giờ đã khác. Chúng ta hay quan niệm về nhân vật anh hùng phải là người dũng cảm và chiến thắng trên chiến trường. Nhưng theo tôi, cái chất anh hùng còn thể hiện ở chỗ người anh hùng đó dám nhận ra sai lầm của mình, chịu trách nhiệm với bản thân, với dân tộc và dám tự xử. Tôi xây dựng một An Dương Vương như thế.
Với các nhân vật khác, Trọng Thủy - Mỵ Châu, ngay cả với nhân vật Hoàng Dung mà tôi hư cấu thêm, tôi cũng muốn làm thế nào để những vấn đề của từng con người bật ra, chứ không đơn giản là lý giải theo một câu chuyện hấp dẫn.
* Sau khi KVK, CATN ra mắt; có ý kiến của một số chuyên gia thẳng thắn cho rằng đó hoàn toàn không phải là cách để vực dậy cải lương. Theo ông, nên như thế nào và cách làm này liệu có nên tiếp tục trong tương lai hay không?
- Theo tôi thì KVK hay CATN chỉ đơn giản là một cách làm mới cho cải lương, chứ không tham vọng vực dậy hay bảo tồn cải lương. Những gì cần bảo tồn chúng ta vẫn cứ bảo tồn, đó là những vở diễn nổi tiếng trong sân khấu hộp, những kịch bản kinh điển trong các tập sách, những vai diễn để đời của các nghệ sĩ... Thực tế vừa qua cho thấy cách làm nào cũng sẽ có một lượng công chúng riêng. Người mộ điệu thích xem những tuồng kinh điển và nguyên bản. Còn người trẻ xem KVK hay CATN thấy vậy là vừa đủ, không sốt ruột.
Cái chúng ta cần quan tâm chính là làm sao để có một nhà hát hiện đại, đúng chuẩn để tạo một sự kích thích sáng tạo cần thiết cho nghệ thuật. Bởi nếu cứ ngồi nói mãi mà không làm thì tất cả vẫn chỉ quanh quẩn với "nghệ thuật tiêu dùng": tác giả viết để kiếm vài triệu, nghệ sĩ chạy sô hết nơi này đến nơi khác, khán giả xem vài ba trích đoạn rồi quên...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận