Phóng to |
“Tôi đánh giá cao uy tín của Liên hoan phim (LHP) Cannes thậm chí còn hơn cả Oscar. Vì vậy việc bộ phim của đạo diễn Phan Đăng Di Bi, đừng sợ! được tham dự LHP Cannes là một chiến tích lịch sử đối với điện ảnh Việt Nam”. Đó là lời phát biểu trên báo chí của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn trước thông tin bộ phim Bi, đừng sợ! được chọn tranh giải tại LHP Cannes (diễn ra từ ngày 12 đến 23-5) trong khuôn khổ chương trình Tuần lễ của các nhà phê bình (Semaine de la Critique). |
1994 - năm đầu tiên của trường điện ảnh, Di đã sớm bộc lộ sự khác biệt của mình với các bạn cùng lớp không chỉ bởi vẻ ngoài lơ ngơ, trầm tĩnh đến kỳ lạ, mà còn bởi khối lượng khổng lồ sách Di đã đọc, phim Di đã xem.
2000 - kịch bản tốt nghiệp Tận cùng là biển của Di không đạt điểm cao nhất, thậm chí còn gây tranh cãi trong số các giám khảo kỳ tốt nghiệp, nhưng thếp giấy viết tay ấy là một hơi thở mới, khác hẳn cách viết kịch bản thông thường, giáo điều và đơn điệu. Di dùng chữ rất đẹp và thoại thì tuyệt vời. Ít ai biết Di âm thầm dành Tận cùng là biển cho thần tượng của mình: Trần Anh Hùng.
2003 - Trần Anh Hùng về nước và tham gia giảng dạy ở hội điện ảnh. Ðọc kịch bản của Di, người đạo diễn chỉ làm phim bằng kịch bản của mình vì sợ phải tư duy trên tư duy của người khác đã hỏi: tại sao không làm đạo diễn? Và lời khuyên anh Hùng dành cho Di - viên chức mẫn cán của Cục điện ảnh khi đó là: hãy trở thành một đạo diễn tự do, đồng thời học thật tốt tiếng Anh!
2005 - khi Bùi Thạc Chuyên đã chắc chắn sẽ làm Chơi vơi từ nguyên tác Tận cùng là biển, Di bắt nhịp chặt chẽ với cách tư duy phim nghệ thuật hiện đại từ người thầy Trần Anh Hùng để có hai phim ngắn Sen và Khi tôi 20. Nhưng cũng mất đến một năm, từ bối cảnh mùa hè chuyển sang mùa đông, gặp không biết bao nhiêu cô gái xinh đẹp cho vai chính, Khi tôi 20 được làm xong.
2008 - Di lên đường đến Cannes trong hoạt động L’Atelier để tìm kiếm nhà đầu tư cho Bi, đừng sợ! Ðã hiển hiện trong đầu Di là Kiều Trinh vai bà mẹ, là Hoa Thúy vai người cô muộn chồng và cậu bé Phan Thành Minh khi đó mới 3 tuổi - cu Bi.
2009 - không lỡ hẹn với mùa hè như Khi tôi 20, Bi, đừng sợ! được quay vào những ngày oi ả nhất. Nhà máy rượu ở phố Lò Ðúc, bãi giữa sông Hồng, Nhà máy nước đá Yên Phụ, những quán bia hè phố, căn nhà cũ Cổ Nhuế... là các bối cảnh chính của phim.
NSƯT Mai Châu, người đã xuất hiện trong cả hai phim ngắn của Di, vừa khỏi cái chân đau; NSND Trần Tiến cũng được thuyết phục vào vai ông nội dù trước đó ông đã nói: "Bác làm việc cả 50 năm rồi, giờ chỉ muốn nghỉ ngơi thôi"; đạo diễn Hà Phong của Sân thượng (một phim ngắn được làm cùng thời với Khi tôi 20) sau nhiều bữa uống bia say mềm môi, sau nhiều lần tuyên bố líu lưỡi: "Anh quý Di và yêu kịch bản này lắm nhưng anh không đóng phim đâu..." cũng đã vào vai ông bố.
Nhưng xui rủi bắt đầu lộ diện. Một nhà sản xuất rút lui vì không dám mạo hiểm với độ rủi ro quá cao của dự án. Nhiều chuyện trục trặc khác và hết tiền!
2010 - 17 năm không phải quá dài cho một đời, nhưng là đáng kể với một giấc mơ. Bi, đừng sợ! được Tuần phê bình quốc tế của Cannes 2010 chọn đồng thời với lời đề nghị từ LHP Venice. Họ yêu cầu phim phải chiếu lần đầu tiên, Di nói đùa "như những gã đàn ông cổ điển và chuyên chính - chỉ đợi chờ những cô gái còn trinh nguyên!". Cannes đã chọn Bi, đừng sợ! từ bản dựng cuối để cơ hội tranh giải camera vàng đến gần với Di hơn bao giờ hết.
Từ thuở nhìn thấy một đốm sáng rồi đi theo, là cách Di chọn để yêu điện ảnh. "Giờ thì Di có mặt ở Cannes với bộ phim dài đầu tay của mình, chuyến hành trình 17 năm khởi đầu bằng mơ mộng đã có một điểm đến, với Di, thật lạ lùng và đầy ý nghĩa", Di nói.
Phan Đăng Di (sinh năm 1976) đã làm hai phim ngắn gây được tiếng vang lớn là: Sen - lựa chọn trình chiếu tại LHP ngắn nổi tiếng nhất thế giới Clermont Ferrand 2006 và Khi tôi 20 được LHP Venice 2008 lựa chọn dự thi hạng mục phim ngắn, đồng thời cũng là tác giả được đề cử kịch bản hay nhất của Giải thưởng điện ảnh châu Á 2009 với phim Chơi vơi. Bi, đừng sợ! là phim dài đầu tay (giải Dự án châu Á nổi bật LHP Pusan 2007, lựa chọn đến LHP Cannes 2008 - hạng mục L’Atelier, được tài trợ 10.000 USD từ Bộ VH-TT&DL, 50.000 euro từ World Cinema Fund của LHP Berlin 2008...) sản xuất bởi Le Arte, Sud-est và BHD năm 2009, hoàn thiện hậu kỳ tại Pháp tháng 4-2010. |
Hiện hữu tê buốt và tan chảy... Dưới đây là đoạn phỏng vấn Phan Đăng Di được trích từ catalogue chính thức của LHP Cannes 2010 (Hiệp hội Phê bình quốc tế LHP Cannes thực hiện). * Dự án Bi, đừng sợ! từng có mặt tại L’Atelier de la Cinéfondation của Cannes 2008, anh có thể kể những khó khăn mà một nhà làm phim độc lập VN gặp phải trong môi trường điện ảnh thế giới? - Việc đạo diễn tự mang dự án làm phim của mình đi giới thiệu tại các LHP quốc tế không phải là chuyện thường thấy trước đó tại VN. Bởi thế thoạt đầu khi thuyết trình trước các nhà đầu tư nước ngoài tôi cũng hơi bối rối. Nhưng đây chẳng phải là khó khăn gì đáng kể. Khó khăn lớn nhất nằm ở chỗ giới làm điện ảnh quốc tế biết rất ít về VN, thậm chí có người còn không biết ở VN chúng tôi nói ngôn ngữ gì. Cũng may là tại L’Atelier của Cannes năm trước những nhà đầu tư chịu cầm kịch bản của tôi về đọc, sau đó đều hồi âm và một vài người trong số họ còn đi xa hơn: đầu tư tiền để tôi làm phim. * Phim của anh phân tách nhóm nhân vật nam và nhóm nhân vật nữ. Một bên là những người đàn ông “yếu” (uy quyền của người ông đau ốm, sự say xỉn của ông chồng, thơ trẻ của cậu con trai) và bên kia là những phụ nữ tìm cách tự giải phóng mình ra khỏi những ham muốn của đàn ông. Anh có nghĩ ta có thể hiểu rõ hơn về hiện trạng của một xã hội qua những quan sát về cuộc sống và hoàn cảnh những người phụ nữ trong xã hội đó? - Điều đó là hiển nhiên, chí ít vì phụ nữ là một nửa thế giới và hơn thế là một nửa mạnh mẽ. Tôi tin điều này qua những gì tôi thấy được từ phụ nữ VN, họ mạnh không phải vì họ độc lập với nam giới hay họ nắm quyền điều khiển xã hội, họ mạnh vì có những niềm tin giản dị và nghiêm túc hơn với cuộc sống. Sự nhẫn nại của họ trước những người đàn ông mà phần lớn là không trung thực, thiếu tự tin và dễ dàng ngả theo những khoái cảm tầm phào cũng cho thấy họ vững vàng hơn đàn ông về mặt tinh thần... Trong một xã hội nhiều biến động như xã hội VN (chiến tranh, thiên tai, sự thay đổi liên tục các tín điều do đàn ông vẽ nên rồi lại xóa đi...) mà cuối cùng mọi chuyện vẫn trở nên ổn thỏa có lẽ nhờ vào tinh thần bền bỉ chịu đựng và đức hi sinh của phụ nữ. Chính trong tinh thần đó họ lặng lẽ học cách chấp nhận cuộc sống, thường thì không dễ dàng và chấp nhận những người đàn ông, thường là yếu đuối. * Chúng ta có thể diễn giải hình ảnh của nước đá xuyên suốt qua bộ phim và qua các nhân vật là gì? - Một cách có thể thấy được thì nước đá là thứ để giải cơn khát của mọi người, đá làm mát bia, làm dịu cơn hứng tình của người cô, làm giảm cơn đau của người ông. đá là nơi Bi ướp tươi những chiếc lá của nó, là một hiện hữu tê buốt nhưng cũng nhanh chóng tan chảy, như mọi thứ trên đời, có đó mà cũng biến mất ngay đó... * Đi từ sự thơ trẻ đến cái chết, với cả dục vọng ở giữa quãng đường, phim của anh cô đọng sự tồn tại của loài người. Có phải anh có trong đầu một cấu trúc kể chuyện “học cuộc sống” thông qua ngôn ngữ của cơ thể không? - Thật ra ba người đàn ông trong phim (Bi, bố Bi, ông nội Bi) chỉ là ba giai đoạn trong cuộc đời của một người đàn ông mà thôi. Một điểm chung của họ là từ bé tới lớn họ đều cần đàn bà. Họ được chăm sóc, vây bọc, yêu thương, rã rời bởi đàn bà, nhưng họ có hiểu đàn bà hay không lại là một câu hỏi khó trả lời. Họ cũng có một điểm chung nữa: luôn có một cái gì đó muốn sở hữu và phải giấu giếm, ngây thơ như Bi là một quả dưa hấu nhỏ. Đơn giản như bố là một cô bồ và bí ẩn như ông nội là một quá khứ đóng kín bao nhiêu năm... Như vậy với những người đàn ông, sự sinh ra, trưởng thành và chết đi của họ phải chăng là sự gia tăng mức độ khó của những câu hỏi mà chưa hẳn họ đã có lời giải đáp. * Anh nhìn nền điện ảnh VN như thế nào và anh tự đặt mình vào đâu trong lịch sử của nó? - Nền điện ảnh VN không phải không có những phim hay, nhưng thường thì đó là những phim hay đứng đơn lẻ. Nó như một phút xuất thần của một cá nhân nghệ sĩ trong một thời điểm thích hợp. Chưa thấy ở đây một chùm những tác phẩm hay của cùng một nghệ sĩ, thể hiện sự nhất quán trong phong cách và một quan điểm riêng của người làm phim về cuộc sống con người. Tôi chỉ mới bắt đầu nên cũng không quan tâm lắm xem mình đang đứng ở đâu trong lịch sử. Quan tâm lớn nhất của tôi bây giờ là làm thế nào để có thể làm được phim tiếp theo đây. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận