Phóng to |
Công chúng ngày nay đến với một triển lãm muốn được thưởng thức tác phẩm nghệ thuật nhiều chiều, bằng nhiều cửa ngõ giác quan khác nhau. Đó là một trong những lý do khiến các triển lãm đương đại đa phương tiện xuất hiện ngày một nhiều.
Nhưng có thực tế là nhiều nghệ sĩ mong muốn nghệ thuật của mình tiếp cận với công chúng gần hơn nữa. Để thu hẹp khoảng cách này, họ sẵn sàng hy sinh phần nào khát khao biểu hiện "cái tôi" nghệ thuật mạnh mẽ của mình đi, để nghệ thuật gắn với cộng đồng hơn. Một loạt triển lãm gần đây diễn ra tại ba trung tâm nghệ thuật L'Espace, Viện Goethe và Hội đồng Anh tại Hà Nội là như thế.
Tuy nhiên như một ai đó đã nói "một trò chơi hay bao giờ cũng có những người chơi gian". Và thực tế đã có những tìm tòi theo hướng gây sốc (thực ra là bế tắc về ý tưởng) làm công chúng hoang mang như trường hợp một hoạ sĩ trẻ uống một đống thuốc rồi "tè" ngay trước mặt công chúng. Hoặc giả sự cổ vũ cho một xu hướng coi nhẹ nội dung mà chỉ chú trọng tới hình thức.
Một trong những nhạc sĩ trẻ đang được chú ý: Vũ Nhật Tân cũng nhiều lần tỏ ý coi nhẹ kỹ thuật mà nặng về ý tưởng. Nhưng như một số nhạc sĩ giàu kinh nghiệm nhận xét: Có tác phẩm đương đại của anh chỉ là sự cóp nhặt những âm thanh đường phố một cách tự nhiên chủ nghĩa mà thiếu một lối tư duy rành mạch, xuyên suốt.
Thực ra nội dung như thế nào thì cần một hình thức tương ứng. Nếu không nắm vững những gì cơ bản nhất thuộc về kỹ thuật ví như chất liệu của tác phẩm thì nói gì đến việc sáng tạo.
Có điều đúng là ranh giới giữa nhiều loại hình nghệ thuật ngày nay đã xích lại gần nhau rất nhiều. Hội hoạ, nhiếp ảnh, video art... đều được xếp chung vào một rọ "visua art"- nghệ thuật thị giác. Bằng cớ là các hoạ sĩ như Minh Thành, Trần Hậu Yên Thế, Thế Sơn... đều đã có lần đưa nhiếp ảnh vào trong triển lãm sắp đặt của mình.
Cũng từ các triển lãm đương đại xuất hiện ngày một nhiều hơn mà xuất hiện khái niệm "curator" - người quản lý, tổ chức triển lãm.
Curator phải là người am hiểu sâu sắc nhiều loại hình nghệ thuật, có năng lực tổ chức, cảm thụ. Họ sẽ phải tính cách trưng bày các tác phẩm đa phương tiện trong một không gian nhất định sao cho hiệu quả cao nhất đối với người thưởng ngoạn. Họ đi tìm nguồn tài chính cho triển lãm và cũng lo "lăngxê" quảng bá triển lãm bằng con đường truyền thông.
Ở ta, mới chỉ có một vài curator mang tính chất "tập hợp một nhóm nghệ sĩ" chứ chưa được đào tạo chính quy để có thể thực hiện công việc của mình một cách chuyên nghiệp nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận